Cuộc sống thường ngày

Nhớ cái lạnh quê

LƯU ĐÌNH LONG 22/12/2024 09:15

Sài Gòn tháng 12, không khí cũng se se. Thành phố mờ ảo, nhà khoa học bảo ô nhiễm mức báo động, nhưng với người mơ mộng, lại chợt nghĩ về… vẻ bình yên của phố trong những ngày cuối năm.

Đã hơn 20 năm ở Sài Gòn, cứ mỗi độ cuối năm lại thấy nỗi nhớ đầy hơn. Nhớ má. Nhớ quê. Nhớ những ngày lạnh teo, ngoại mặc chiếc áo mưa đi rẫy, cắt từng bó khoai lang dành buổi chợ sớm.

Đôi chân trần của ngoại nứt nẻ, có những ngày nước ăn chân đỏ cả một mảng da. Tối về, ngoại cời một mẻ than hồng trong chiếc nồi đất cũ, để chân lên hơ cho ấm. Đôi chân bé xíu của cháu được hưởng ké.

Hồi nhỏ, mùa lạnh ở quê, nhà nào cũng có mẻ than hồng chống lạnh. Giữa gió lùa vách phên, người quê không sợ ngạt khói vì than, chỉ sợ lạnh quá, mền mỏng không đủ ấm, rồi nửa đêm thức giấc giữa cái lạnh cắt lưng.

“Tháng 11 âm lịch rồi mà mưa miết” - má nhắn tin cập nhật thời tiết quê. Sáng má cũng dậy sớm nấu cơm cho thằng cháu ăn đi học để không bị “đói lủi” trong lớp như ngoại ngày xưa.

Cuộc sống là một quy trình lặp lại, những thế hệ tiếp nối lớn lên, trưởng thành, già, chết. Những thế hệ vun bồi cho nhau cái tình thương vô điều kiện, truyền lại hơi ấm tổ tiên qua từng nếp sinh hoạt, nếp nghĩ, nếp sống…

Thời đại ngày càng phát triển, công nghệ giúp con người có thêm công cụ để kết nối. Nhưng có lẽ, kết nối thẳm sâu nhất vẫn là tâm hồn những người thân gần, với lòng hiểu và thương. Mạch nguồn huyết thống, đạo lý tri ân, những trật tự tôn ti được gìn giữ bằng những lời dạy cúi mình cảm ơn, xin lỗi nhỏ nhẽ nhưng ý nghĩa vô cùng.

Tháng 11 âm, xong tháng Chạp. Người quê sẽ lại thu vén chuẩn bị cho những ngày tết. Không còn không khí tráng bánh tráng, đổ bánh thuẫn, làm bánh in, bánh trái tim… như thời vài ba chục năm trước, nhưng tết vẫn mang nỗi thương thẳm sâu trong tâm thức. Mùa giẫy mả, mùa để hướng nguyện tri ân tổ tiên trong những ngày rét se se - “không khí lạnh từ miền Bắc tràn về”.

“Chừ không còn vác cuốc đi giẫy mả, người ta chỉ phát quang những ngôi mộ xây” - má nói. Ở quê bây giờ, mồ mả cũng được quy hoạch. Hồi xưa, cả khu gò đồi, ai muốn an táng đâu tùy thích. Những “làng” của người chết lập nên như lẽ đương nhiên của tiến bộ, đảm bảo môi trường. Dù là người khuất cũng cần được có những “ngôi nhà” đẹp hơn, trang nghiêm hơn.

Giữa Sài Gòn, nhớ cái lạnh quê, nghe đâu đó tiếng người í ới gọi đi chợ sớm, tiếng của những ngày cả làng vác cuốc đi làm công ích - giẫy cỏ đường thôn, hay đi đám âm linh - chạp mả chung cho những ngôi mộ vô danh trong tình người chan hòa. Ký ức vẹn nguyên, thật đẹp!

Ai đó nói, quê là một góc nhớ mênh mông, dai dẳng nhất. Vì vậy mà có những người xa quê nửa vòng trái đất, khi tuổi xế lại chọn về quê với tâm nguyện nằm xuống nơi đất ông cha…

LƯU ĐÌNH LONG