Đời sống

Cô gái luôn viết tiếp ước mơ

THANH QUÝT 22/12/2024 08:07

Như một “đóa hướng dương ngược nắng”, Trần Thị Lâm (22 tuổi quê ở Điện Thắng Trung, Điện Bàn) đã vượt những khắc nghiệt của cuộc đời để chạm tay vào ước mơ của mình.

382426900_854285536110925_6428874565942833641_n.jpg
Cánh cửa đại học đã giúp Lâm tự tin với đời bước vào thế giới mới. ẢNH: NVCC

Lâm sinh ra đã không biết mặt cha, mẹ lại gặp chứng tâm thần. Và cô gái này đã kiên trì đeo bám sự học, để trở thành một cô giáo. Chưa kể, cô gái nhỏ này còn sáng lập dự án cộng đồng “Bếp ấm không đồng” giúp đỡ người khó khăn, bệnh tật…

Tuổi thơ không trọn vẹn

Tôi gặp lại Lâm ở căn nhà cô đang sống. Vẫn là nơi ở tạm bợ đã xuống cấp do xây dựng từ lâu, nhưng hôm nay gặp lại, Trần Thị Lâm đã khác so với cô gái 18 tuổi của 4 năm trước.

Những ngày học phổ thông, để có tiền đi học, Lâm từng đi quét rác, dọn ki-ốt mỗi đêm ở chợ Thanh Quýt. Câu chuyện của Lâm mang đến nhiều cảm xúc với người dân Điện Thắng. Lâm cũng đã nhiều lần xuất hiện trên các phương tiện truyền thông khi vượt qua nghịch cảnh, trở thành sinh viên Đại học Sư phạm Đà Nẵng.

Hôm nay, Lâm đã tự tin và trưởng thành hơn rất nhiều. Cô đã tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Đà Nẵng với tấm bằng giỏi ngành sư phạm Hóa học. Cô gái đang chập chững bước chân đầu tiên vào nghề giáo.

“Quá khứ như bóng đời để soi rọi tôi bước tiếp. Đi được đến ngày hôm nay, tôi thầm cảm ơn những người đã luôn bên cạnh mình. Những câu chuyện không may xảy ra với mình trong quá khứ đã làm bản thân tôi thêm mạnh mẽ, kiên cường hơn rất nhiều” - Lâm tâm sự.

Lâm sinh ra đã không biết mặt cha mình là ai. Người mẹ bị thần kinh, tâm trí không bình thường. Cô còn một đứa em gái nhỏ. Hai chị em sống nương nhờ bà ngoại đã 80 tuổi bán rau chợ Thanh Quýt.

z6061952081964_6d674fd7aba6c2f6155051efcfa282b7.jpg
Lâm cùng giảng viên cố vấn trong 4 năm đại học ở khoa Hóa học. Ảnh: NVCC

Lâm nhớ như in, có những hôm trời mưa to, nhà bị dột khắp nơi, hai chị em phải ngủ ở chuồng gà. Bà ngoại phải chạy gạo từng bữa. Cô thậm chí có ngày chỉ ăn 1 bữa trưa vì gia đình túng quẫn. Để có tiền nhập học và lo cho em gái, Trần Thị Lâm không nhớ hết những việc mình từng làm, từ quét dọn chợ, làm gia sư, rửa chén quán nhậu, ship cơm trưa, bưng bê cà phê, phụ quán ăn…

Khó khăn vậy, nhưng Lâm luôn là một trong số học sinh đứng đầu lớp chọn của trường trong những năm cấp 3 tại Trường THPT Nguyễn Khuyến (Điện Thắng Trung, Điện Bàn). Với ước mơ cháy bỏng được đặt chân tới giảng đường đại học, cô quyết tâm học tập để khẳng định rằng một người có hoàn cảnh cơ cực như mình vẫn có thể học tập và làm nhiều việc tốt.

Thầy giáo Phan Đình Điền - giáo viên chủ nhiệm THPT của Lâm chia sẻ: “Lâm là một tấm gương quá nghị lực về ý chí và tinh thần tự học. Ngày tôi báo tin em ấy đạt điểm cao trong kỳ thi đại học, Lâm đã khóc rất nhiều… Các thầy cô trong trường đã kết nối cho Lâm những suất học bổng tiếp sức đến trường để Lâm có cơ hội tới giảng đường. Ra trường Lâm vẫn thường xuyên thăm lại thầy cô và truyền động lực cho các em học sinh thế hệ sau…” - thầy Điền chia sẻ.

Không ai bị bỏ lại phía sau, chính câu chuyện về nghị lực thay đổi số phận của Lâm đã được lan tỏa trong cộng đồng và Lâm trở thành cô sinh viên sư phạm.

Lâm nói: “Khi tôi còn ngồi trên ghế nhà trường, các thầy cô, bạn bè, anh chị đã giúp đỡ rất nhiều trong giai đoạn tôi khó khăn nhất. Như có phép nhiệm màu nào đó đã đến với tôi, mọi áp lực, vướng mắc trong lòng bấy lâu đã được gạt bỏ; những món quà, những phần học bổng được trao đã giúp tôi vượt qua”.

Làm việc thiện để trả ơn đời

“Tôi đã từng sợ hãi, sống tự ti khép kín giống như bóng tối cuộc đời mình. Chính cánh cửa giáo dục và lòng biết ơn là thứ ánh sáng dẫn dắt tôi bước ra thế giới, để tôi có được ngày hôm nay. Được là chính mình, làm điều thiện nghĩa trả ơn cuộc đời, sống đúng giấc mơ ngày thơ ấu” - Lâm bộc bạch trong nước mắt.

z6062099320139_7c8b33b9037c7d48d1b9582efd091df5.jpg
Dấu chân thiện nguyện của Lâm đã in khắp núi đồi xứ Quảng. Ảnh: THANH QUÝT

Giảng viên Ngô Thị Mỹ Bình - cố vấn lớp đại học của Lâm chia sẻ, suốt 4 năm học tại khoa Hóa, Lâm là cô sinh viên sống rất chân thành, siêng năng chăm chỉ. Em luôn cân bằng giữa việc học tập và làm thêm.

“Kết quả học tập của Lâm luôn đạt loại giỏi mỗi kỳ và nhận rất nhiều học bổng đồng hành của trường. Lâm còn tích cực tham gia các câu lạc bộ vì cộng đồng để hỗ trợ các bạn sinh viên cùng cảnh ngộ” - giảng viên Ngô Thị Mỹ Bình nói.

Kỳ nghỉ hè năm 2 đại học, Lâm được theo Hội người yêu thiện nguyện Điện Bàn trong một chuyến đi ở xã Trà Leng (Nam Trà My). Từ đây, cô gia nhập nhóm và là thành viên chính thức. Bằng nhiệt huyết trong mỗi hoạt động, nhóm đồng ý “bổ nhiệm” Lâm làm Phó Chủ nhiệm.

Hội thiện nguyện của Lâm có rất nhiều hoạt động nổi bật ở thị xã Điện Bàn. Ngoài ra, hàng chục chuyến đi từ thiện ở các xã vùng cao tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum… được tổ chức vào mỗi mùa cận tết.

Dự kiến trong tháng 12 này, Lâm cùng các thành viên của Hội người yêu thiện nguyện Điện Bàn sẽ tổ chức chương trình “Đông ấm đại ngàn” tại xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My. Tổng kinh phí chương trình hơn 55 triệu đồng được gom góp từ các hoạt động như gian hàng gây quỹ 0 đồng do Lâm sáng lập, lòng hảo tâm của nhiều cá nhân...

Không dừng lại ở đó, Lâm tiếp tục khởi xướng dự án cộng đồng “Bếp ấm không đồng” - nấu những suất ăn miễn phí cho các cụ già neo đơn không nơi nương tựa. Dự án của Lâm đã duy trì đều đặn hơn 2 năm nay, hỗ trợ được hơn 4.000 suất ăn không đồng cho những người khó khăn.

Giờ đây, mỗi ngày trôi qua với Lâm là một ngày hạnh phúc. Cô gái tự ti ngày nào giờ đã tự tin, tỏa sáng cùng những năng lượng tích cực, tươi mới. Cứ mỗi khi kỳ tuyển sinh đại học đi qua, Lâm lại tất bật đôn đáo, chỉ dẫn các bạn học sinh nghèo lớp 12 ở quê làm hồ sơ học bổng tiếp sức đến trường như cô khi trước. Với cô, đó là niềm vui khi góp phần nhỏ, giúp con đường đến giảng đường của các em thế hệ sau bớt chông chênh hơn.

Tháng 12 này, Lâm đang nỗ lực chuẩn bị để tham gia kỳ thi tuyển viên chức giáo dục của thị xã Điện Bàn. Nhưng cô vẫn duy trì các lớp dạy thêm - với cơ sở là nhà của một người thân, vì thương hoàn cảnh mà cho cô mượn nhà dạy học.

Lâm được các em học sinh yêu quý trong những đợt thực tập. ẢNH: NVCC

Thu nhập từ những lớp học, Lâm dành để trang trải sinh hoạt cho mình, nuôi em gái đang học năm 3 Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng. Đôi khi, có cả việc thêm kinh phí vào dự án “Bếp ấm không đồng”.

Những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, Lâm đều miễn phí và động viên các em học hành. “Hạnh phúc là gì? Mỗi người sẽ có một câu trả lời riêng cho mình, còn tôi thấy mình hạnh phúc khi có những điều bình dị, giản đơn mà cuộc sống mang tặng. Đó có thể là lời cảm ơn nhỏ nhẹ của những em bé vùng cao khi nhận được gói quà từ thiện; nụ cười trìu mến của cụ già khi nhận được phần cơm tối…

Cuộc sống không phải với ai cũng đều tròn đầy và mỹ mãn, đừng chỉ vì những gam màu tối mà quên đi sắc màu tươi sáng khác, khi ta biết tin và cho đi những điều tốt đẹp, sẽ nhận lại những điều tốt đẹp hơn” - Lâm kết thúc câu chuyện với chúng tôi bằng tâm sự bộc bạch như thế. Dù hoàn cảnh nào, cô cũng sẽ viết tiếp câu chuyện ước mơ của mình...

THANH QUÝT