Du lịch

Du lịch Việt Nam hoàn toàn phục hồi

TÂM THƯ 22/12/2024 14:46

(QNO) - Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam hoạt động sôi nổi, ổn định và phát triển, đạt nhiều thành quả về chỉ tiêu lượng khách lẫn đóng góp vào nền kinh tế đất nước. Ngành du lịch được Chính phủ đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế xã hội nước ta năm 2024.

Việt Nam đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế

Theo đánh giá của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), năm 2024, ngành du lịch quốc gia đã cơ bản phục hồi sau đại dịch COVID-19. Toàn ngành đã tập trung thực hiện hiệu quả các chủ trương lớn về phát triển du lịch với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện và đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch và đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, từng bước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

z6102881515762_62f9dbdbf40222aa868f8a6139026bb7.jpg
Năm 2024, Quảng Nam đón hơn 5,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 20% so năm 2023. Ảnh: T.L

Công tác xây dựng thể chế, chính sách phát triển du lịch tiếp tục được quan tâm, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tăng cường liên kết, tập trung nguồn lực triển khai kịp thời chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, như nâng cao hiệu quả công tác thống kê du lịch để đánh giá, hoạch định chính sách và thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững trong thời gian tới; phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững; quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; quy chế tổ chức Giải thưởng Du lịch Việt Nam; “Bộ tiêu chí đánh giá nền tảng số quốc gia về Quản trị và kinh doanh du lịch”; đề án Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch; đề án phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam…

Quản lý hoạt động lữ hành và cơ sở lưu trú du lịch tiếp tục được tăng cường, bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú hoạt động kinh doanh phục hồi, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Hiện cả nước có 4.170 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, trong đó gồm 1.307 doanh nghiệp cổ phần, 2.857 công ty TNHH và 6 doanh nghiệp tư nhân. Cả nước có 40.328 thẻ hướng dẫn viên đã được cấp; trong đó 23.731 thẻ hướng dẫn viên quốc tế, 14.518 thẻ hướng dẫn viên nội địa và 2.079 thẻ hướng dẫn viên tại điểm.

Cả nước có 274 cơ sở lưu trú hạng 5 sao với 88.549 buồng phòng; 380 cơ sở lưu trú hạng 4 sao với 52.177 buồng phòng.

Công tác xúc tiến, quảng bá và thông tin du lịch tiếp tục có chuyển biến tích cực, với nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong phát triển thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển sản phẩm.

Bộ VH-TT&DL đã tổ chức xúc tiến tại các thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam, tổ chức các chương trình phát động thị trường du lịch (roadshow) tại các thị trường mục tiêu và tiềm năng lớn; gắn kết với sản phẩm dịch vụ, tăng cường liên kết, quảng bá, xúc tiến khu vực, vùng và quốc gia.

Tiêu biểu như tổ chức Hội nghị quốc tế về Du lịch nông thôn của UN Tourism tại Quảng Nam; Hội thi Hướng dẫn viên du lịch giỏi; Liên hoan Ẩm thực toàn quốc; Hội nghị triển khai công tác xúc tiến du lịch năm 2024; Hội nghị cơ quan du lịch quốc gia và doanh nghiệp du lịch Việt Nam - Australia; Tổ chức nhiều chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tại các diễn đàn, hội chợ…

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Bộ đã tập trung tiếp tục triển khai Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025. Chú trong phát triển nền tảng số, các ứng dụng như: phát triển, nâng cấp ứng dụng du lịch quốc gia Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel; phát triển, nâng cấp nền tảng số quốc gia quản trị và kinh doanh du lịch; hệ thống vé điện tử “Trực tuyến - liên thông - đa phương thức”; hệ thống thuyết minh đa phương tiện. Đồng thời xây dựng Tài liệu Thông tin du lịch hàng tháng nhằm giới thiệu các nội dung chính về kết quả hoạt động đón khách du lịch kèm phân tích chuyên sâu về thị trường; xu hướng tìm kiếm thông tin du lịch Việt Nam trên công cụ Google Destination Insights...”.

Theo chuyên trang đánh giá, xếp hạng website trên toàn cầu similarweb.com công bố xếp hạng tháng 3/2024, website vietnam.travel ở vị trí top đầu khu vực Đông Nam Á.

“Nhờ nỗ lực của toàn ngành và các địa phương, kết quả năm 2024, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 17,5 triệu lượt, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2023. Khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023. Ngành du lịch có đóng góp quan trọng vào kinh tế quốc gia và các địa phương” - Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết.

Du lịch địa phương nhộn nhịp

Năm 2024, hoạt động du lịch diễn ra nhộn nhịp tại hầu khắp các địa phương trọng điểm du lịch trên cả nước. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được các địa phương, doanh nghiệp quan tâm đẩy mạnh với nhiều hoạt động đa dạng.

Nhiều địa phương đã triển khai Chương trình kích cầu du lịch nội địa năm 2024 với chủ đề “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu”, tổ chức các hoạt động kích cầu thu hút du khách, giới thiệu các chương trình du lịch mới, các gói sản phẩm có chất lượng dịch vụ tốt nhằm gia tăng trải nghiệm của du khách; nâng cao chất lượng dịch vụ; đảm bảo an ninh, an toàn, môi trường sạch sẽ, văn minh cho hoạt động du lịch…

Các doanh nghiệp đã tập trung xây dựng các chương trình giảm giá kích cầu du lịch, triển khai nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, chú trọng chất lượng dịch vụ…Bên cạnh việc làm mới sản phẩm, các địa phương, doanh nghiệp đã giới thiệu thêm nhiều sản phẩm mới hấp dẫn du khách. Hoạt động liên kết du lịch liên tỉnh, liên vùng tiếp tục được đẩy mạnh gắn với hoạt động thu hút đầu tư, xúc tiến quảng bá chất lượng, đi vào thực chất, tiêu biểu.

Tại miền Bắc, một số địa phương đạt sự tăng trưởng lượng khách lớn. Hoà Bình đón 4.346.000 lượt khách (trong đó khách quốc tế ước đạt: 510.000 lượt), tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 103,5% kế hoạch năm; doanh thu ước đạt: 4.738 tỷ đồng. Ninh Bình đón trên 8.700.000 lượt khách (khách quốc tế 1,5 triệu lượt), vượt 16% so với kế hoạch; doanh thu ước đạt 8.900 tỷ đồng...

dl1.jpg
Làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà, Hội An) đã được Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) vinh danh là “Làng du lịch tốt nhất năm 2024”. Ảnh: T.L

Vùng trọng điểm du lịch miền Trung gần như đã phục hồi hoàn toàn. Thanh Hóa đón 15.300.000 lượt khách (khách quốc tế ước đạt 719.000 lượt), tăng 22,5% so với năm trước, đạt 110,9% kế hoạch năm, tổng thu du lịch ước đạt 33.815 tỷ đồng. Khánh Hòa đón 10.600.000 lượt khách (khách quốc tế ước đạt hơn 4,5 triệu lượt, tăng 89,3% so với cùng kỳ), tăng 45,5% so với cùng kỳ, tổng thu du lịch ước đạt hơn 52.271 tỷ đồng...

Tại miền Nam: Bà Rịa - Vũng Tàu đón và phục vụ 16.120.000 lượt khách (khách quốc tế lưu trú ước đạt 260.000 lượt), tăng 13,11% so với cùng kỳ, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 17.313 tỷ đồng. TP.Hồ Chí Minh đón 6.000.000 lượt khách quốc tế (tăng 20% so cùng kỳ); 38.000.000 lượt khách nội địa; tổng thu đạt 190.000 tỷ đồng…

Mục tiêu 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, bên cạnh những thành quả, vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục trong thời gian đến.

Đó là sự phối hợp liên ngành, liên vùng trong phát triển du lịch còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Hạ tầng giao thông kết nối đến các khu, điểm du lịch chưa đồng bộ.

Sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn và chưa tạo được sự khác biệt, khả năng cạnh tranh chưa cao. Dịch vụ du lịch, cơ sở hạ tầng du lịch còn bất cập.

Số lượng, chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ - thương mại, nhất là về trình độ ngoại ngữ và tính chuyên nghiệp còn hạn chế, đặc biệt là sau dịch bệnh COVID-19.

Ngành du lịch đặt mục tiêu phấn đấu năm 2025, đón và phục vụ 22 - 23 triệu lượt khách du lịch quốc tế; 120 - 130 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch ước đạt 980 - 1.050 nghìn tỷ đồng.

“Để đạt được mục tiêu đó, ngành du lịch cần đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động du lịch xanh giai đoạn 2023 - 2025. Triển khai Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Rà soát thống nhất, hoàn thiện các chỉ tiêu, phương pháp thống kê du lịch; đẩy nhanh việc áp dụng và chia sẻ dữ liệu chuyên ngành... Tăng cường hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch, quản lý và tổ chức lễ hội; trước mắt là trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

TÂM THƯ