Cách nào giảm ngập lụt cho phố?
Trong tuần này, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với Dự án hoàn thiện đường Hùng Vương, TP.Tam Kỳ. Rất nhiều vấn đề sẽ được đưa ra phản biện cho một dự án có mức đầu tư 450 tỷ đồng. Nhưng điều mà người dân quan tâm nhất, có lẽ là trị thủy.
Những năm gần đây, ngập lụt TP.Tam Kỳ với mức trên báo động 3 (mức 2,7m) xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Tam Kỳ hình thành ở vùng hạ lưu sông Tam Kỳ và sông Bàn Thạch, có cao độ tự nhiên khoảng 2m. Thành phố nằm cách xa cửa sông thoát lũ, có cao độ đáy sông thấp hơn so với mực nước biển.
Đây là những điều bất lợi đối với việc thoát lũ cho thành phố. Đã vậy, cao độ các lòng sông ngày càng bồi lắng do các hoạt động thường xuyên của con người, đồng thời với việc đô thị hóa đang diễn ra rất mạnh làm suy giảm nghiêm trọng diện tích thấm nước mưa.
Không gian thoát lũ sông bị thu hẹp do các tuyến đường theo phương ngang đã thu hẹp, cưỡng bức dòng chảy qua các cầu cống, mặt sông bị cản trở bởi các vật kiến trúc, cùng với sự phát triển của cây bèo (phát triển mạnh hơn khi dòng chảy bị hạn chế).
Hệ thống thoát nước mưa thành phố không đồng bộ, suy giảm và bị bồi lấp. Công tác quy hoạch, quản lý còn nhiều bất cập; cộng với lượng nước lớn từ bên ngoài thành phố đổ về từ hướng tây và hướng bắc làm cho việc ngập lụt ngày càng nghiêm trọng.
Theo tính toán của Tư vấn Hà Lan Royal HaskoningDHV và Omgeving: thiệt hại do ngập lụt khu vực TP.Tam Kỳ năm 2022 là 13,5 triệu USD/năm, đến 2050 sẽ tăng 64% vì biến đổi khí hậu và phát triển vùng. Vùng Tam Kỳ và Khu kinh tế mở Chu Lai năm 2022 là 56,7 triệu USD/năm, đến năm 2050 sẽ tăng 107%. Đó là một thách thức rất lớn.
Từ thực trạng đó, những năm qua, tỉnh và thành phố đã thuê các tổ chức, cá nhân uy tín trong và ngoài nước để tư vấn, hỗ trợ cho địa phương tìm giải pháp. Các đơn vị đã khảo sát, xây dựng mô hình mô phỏng, đánh giá diễn biến ngập lụt. Nhiều hội thảo được tổ chức. Từ đó đề xuất giải pháp quản lý rủi ro lũ tổng hợp cho vùng Tam Kỳ và dự báo nhiều kịch bản tư vấn chiến lược cho việc phát triển thành phố.
Theo các chuyên gia cũng như kinh nghiệm từ địa phương, phải trả lại không gian cho dòng sông, đảm bảo dòng chảy tự nhiên liên tục, không ngắt quãng (như vị trí đóng tại ngã ba phía bắc Đoan Trai), tránh cưỡng bức dòng chảy qua các cầu, cống bị thu hẹp. Đường Điện Biên Phủ hiện tại dòng chảy lũ chỉ còn qua 2 cầu là ví dụ.
Nên xây dựng cầu cạn có chi phí thấp thay cho các tuyến đường chắn ngang dòng chảy như hiện nay, có thể triển khai thay thế cho đường Điện Biên Phủ hiện có (khi mở rộng tuyến đường này). Đây cũng là giải pháp lâu dài để tăng cường khả năng thoát lũ cho khu vực, đồng thời là giải pháp bền vững để giữ được khu vực trũng này (cánh đồng Nhong, hồ sông Đầm) theo quy hoạch xanh của thành phố. Cần xây dựng, ban hành và quản lý hành lang thoát lũ; nạo vét, khơi thông lòng dẫn, hạn chế vật kiến trúc, bèo cản trở dòng chảy.
Việc quy hoạch và phát triển hạ tầng cần theo hướng xanh để bảo tồn các khu trũng (hồ Sông Đầm, các hồ điều hòa, các vệt trũng cần thiết…). Các bãi bồi sông cần quy hoạch theo hướng chịu ngập bền vững, giảm diện tích đầu tư theo hướng xám như bê tông hóa trong đô thị, tăng mật độ cây xanh và công viên.
Song song với đó, cần đánh giá lại cao độ quy hoạch các phân khu tác động đến ngập lụt trong đô thị để điều chỉnh và xây dựng các công trình đê bảo vệ cho phù hợp.
Cần có quy hoạch và xây dựng hệ thống thoát nước đồng bộ trong đô thị để hạn chế ngập úng bên trong và chuyển nước đến từ bên ngoài một cách thông suốt như xây dựng các tuyến thoát lũ tây - đông để chuyển nước từ phía tây đường Nguyễn Hoàng nhanh chóng ngầm qua thành phố để về sông Bàn Thạch, hay chếch về phía nam để về sông Tam Kỳ.
Giải pháp cấp bách là cần phân lũ và kiểm soát lũ trên sông để chuyển nhanh nước lũ từ phía bắc ra sông Trường Giang qua hồ Sông Đầm và khảo sát xây dựng thêm các phương án chuyển nước ra sông Trường Giang, ra biển.
Đồng thời thực hiện các giải pháp phi công trình để giảm nguy cơ ngập lụt (như dự báo tốt để vận hành hồ Phú Ninh và các công trình nhân tạo tham gia cắt lũ hiệu quả).
Để không tái diễn cảnh “phố bỗng là dòng sông uốn quanh” mỗi khi mùa mưa đến, thì phía trước với Tam Kỳ là vạn lần gian nan…