Giảm nghèo ở Đông Giang: Doanh nghiệp đồng hành
(QNO) - Công tác giảm nghèo bền vững ở huyện Đông Giang luôn có sự đồng hành của các tổ chức, cá nhân, đơn vị kết nghĩa và nhất là từ cộng đồng doanh nghiệp.
Nhìn từ FVG
Sau thời gian khảo sát và thực hiện các thủ tục đầu tư, năm 2019, Tập đoàn FVG bắt tay vào thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang. Đổ vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, giữa bối cảnh giao thông đi lại chưa thuận lợi, thiên tai miền núi xảy ra bất thường, nhiều ý kiến cho rằng đầu tư của FVG là quá mạo hiểm...
Vượt qua bao khó khăn, thách thức do thiên tai, đại dịch COVID-19, vào tháng 4/2024, “Cổng Trời Đông Giang” chính thức đưa vào khai thác trên nền định hướng phát triển bền vững du lịch xanh với 4 tiêu chí: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh và phát huy tối đa văn hóa bản địa.
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Sự góp mặt của “Cổng Trời Đông Giang” với ý nghĩa tiên phong, đánh thức tiềm năng và nâng cao vị thế, sức cạnh tranh của du lịch miền núi, góp phần thúc đẩy du lịch miền núi Quảng Nam”.
Điều đáng ghi nhận là hoạt động của “Cổng Trời Đông Giang” còn tạo sinh kế, giải quyết việc làm, thay đổi cuộc sống người dân Đông Giang và vùng lân cận theo hướng ngày càng tốt hơn.
Theo thống kê, khu du lịch đã giải quyết việc làm ổn định cho 300 lao động là người đồng bào Cơ Tu. FVG còn kết hợp khai thác du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bản địa thông qua các chương trình, sản phẩm phục vụ du khách.
FVG còn liên kết thu mua sản phẩm bản địa như ớt A Riêu, lòn bon, heo đen địa phương nhằm phục vụ du lịch, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm làm ra, tăng thu nhập cho người dân.
Hằng năm, doanh nghiệp dành hàng trăm triệu đồng tặng quà cho trẻ em, các đối tượng yếu thế; tiếp nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều công trình phục vụ dân sinh cũng được FVG quan tâm hỗ trợ đầu tư. Công tác kết nghĩa với xã miền núi Kà Dăng được thực hiện chu đáo, đồng hành với địa phương trên bước đường chuyển mình.
Doanh nghiệp đồng hành
Ngoài sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Quảng Nam và sự nỗ lực của địa phương, công tác giảm nghèo bền vững của Đông Giang không thể thiếu sự đồng hành của các tổ chức, cá nhân, đơn vị kết nghĩa, cộng đồng doanh nghiệp…
Bằng các hoạt động thiện nguyện, tham gia xóa nhà tạm, chăm lo cho các đối tượng chính sách và người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, doanh nghiệp còn trao sinh kế, giải quyết việc làm, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Mới đây, thực hiện kế hoạch sinh kế lòng hồ thủy điện năm 2024 cho người dân lưu vực hồ, chủ đầu tư các công trình thủy điện An Điềm II, A Vương, Sông Côn, Za Hưng đã trao 282.230 cây quế giống Yên Bái tương đương 45,8ha, tổng kinh phí hơn 639 triệu đồng.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đông Giang - ông Đinh Văn Bảo đánh giá, đây là hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Địa phương tin tưởng với giống quế chất lượng cao, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng cùng sự tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác, bà con sẽ tận dụng tốt cơ hội này để phát triển kinh tế hộ gia đình, cải thiện đời sống, góp phần xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.
[VIDEO] - Các chủ đầu tư thủy điện trao cây quế giống cho người dân:
Luôn quan tâm thực hiện công tác an sinh xã hội, đảm bảo môi trường để góp phần từng bước nâng cao đời sống nhân dân vùng dự án, Công ty CP Thủy điện A Vương thời gian qua thường xuyên phối hợp với huyện Đông Giang truyền thông cộng đồng, thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản hồ thủy điện, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, mời y bác sĩ về khám bệnh cho người dân...
Năm 2024, Công ty CP Thủy điện A Vương trao tặng 70.000 cây quế giống Yên Bái. Tại xã Mà Cooih kết nghĩa, công ty hỗ trợ xây dựng 1 nhà tình nghĩa (70 triệu đồng), 6 công trình vệ sinh cho hộ gia đình (15 triệu đồng/công trình), trao tặng áo quần đồng phục cho học sinh…
Hiện thực hóa quyết sách khai phá tiềm năng, thế mạnh của ngành nông - lâm nghiệp bản địa, Đông Giang hình thành 21 chuỗi giá trị liên kết, 14 dự án sản xuất cộng đồng góp phần vào việc đẩy mạnh sản xuất hàng hóa tập trung, gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm với các loại cây - con như ba kích tím, quế, sầu riêng, cau, mít ruột đỏ, mít da xanh siêu sớm, heo đen, hươu sao lấy nhung...
Những mô hình này sẽ không hiệu quả nếu thiếu sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, là một trong những chủ thể cốt yếu của chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Thành công bước đầu của các chuỗi liên kết, trong đó dự án nuôi hươu sao mang đến kỳ vọng mới trên hành trình đổi thay của vùng đất Đông Giang.