Núi Thành đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ nhân dân
(QNO) - Đẩy mạnh chuyển đổi số nên công tác giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại huyện Núi Thành nhận được nhiều đánh giá tích cực từ người dân.
Người dân hài lòng
Ông Võ Văn Chương (thôn Tam Mỹ, xã Tam Xuân 1) đến trụ sở UBND xã làm thủ tục đăng ký hội viên của Hội Cựu thanh niên xung phong. Khác với những lần trước làm TTHC phải cẩn thận trong từng khâu viết tờ khai thông tin, lần này ông Chương được cán bộ và thanh niên xung kích hướng dẫn cụ thể để tránh các sai sót.
Ông Chương nói: “Trước đây, việc làm TTHC thường rất phức tạp và mất thời gian. Tuy nhiên, hiện nay với sự tận tình và cung cách phục vụ hết lòng của đội ngũ cán bộ đã giúp mọi việc trở nên đơn giản, nhanh chóng hơn nhiều”.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Ly (thôn Phú Trung Đông, xã Tam Xuân 1) cho biết, sự thay đổi trong cải cách hành chính của chính quyền các cấp đã giúp người dân tháo bỏ tâm lý “ngại” khi thực hiện các giao dịch công. Nếu trước kia người dân phải đến cơ quan công quyền để viết nhiều loại giấy tờ, biểu mẫu thì nay mọi thứ đơn giản khi các thủ tục rườm rà được cắt bỏ, hoặc có thể đăng ký qua dịch vụ công trực tuyến khá tiện lợi.
“Đến trụ sở UBND xã thì có ngay các bạn đoàn viên hướng dẫn từng bước đăng ký khai sinh qua cổng dịch vụ công, nhờ đó tôi hoàn thành thủ tục đăng ký khai sinh cho con chỉ trong thời gian ngắn. Ngoài ra, còn được hướng dẫn thêm cách truy cập mạng thực hiện các dịch vụ công trực tuyến khác nên tôi tự tin có thể làm tại nhà khi có nhu cầu” - bà Ly nói.
Anh Phan Văn Vương - Bí thư Đoàn xã Tam Xuân 1 cho biết, từ ngày 13 - 15/12, để hỗ trợ người dân giải quyết TTHC, lực lượng đoàn viên thanh niên của xã ra quân tích hợp thông tin 3.300 người dân (chiếm 80% dân số toàn xã) vào VNeID tại 9 thôn.
Ngoài ra, còn hướng dẫn người dân thực hiện các TTHC trên ứng dụng VNeID; cử người hướng dẫn người dân khai báo thông tin, chuẩn bị hồ sơ, giải đáp thắc mắc…
Theo Chủ tịch UBND huyện Núi Thành - Lê Văn Sinh, năm 2024 huyện quan tâm chỉ đạo, quán triệt, tuyên truyền các nội dung về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử theo mục tiêu, phương hướng Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
“Nhiều sản phẩm, dịch vụ công triển khai qua nền tảng internet được đưa ra phục vụ kịp thời, hiệu quả dành cho người dân, doanh nghiệp. Hiện nay có 100% hồ sơ TTHC được tiếp nhận qua hệ thống phần mềm một cửa, hơn 80% hồ sơ TTHC được số hóa đầu vào và hơn 80% hồ sơ kết quả TTHC được số hóa trên tài khoản dịch vụ công cá nhân của công dân” - ông Sinh cho biết.
Đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội
Ông Lê Văn Sinh nhìn nhận, công cuộc chuyển đổi số không chỉ gói gọn trong việc giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức hay phục vụ công việc của chính quyền hiện đại, hiệu quả hơn mà còn là đòn bẩy để phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội của huyện Núi Thành.
Vì vậy, chính quyền các cấp ở Núi Thành đang ưu tiên việc xây dựng đội ngũ nhân lực phục vụ chuyển đổi số. Theo đó, xây dựng chương trình nâng cao nhận thức chuyển đổi số trong cán bộ, công chức, viên chức và phối hợp tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số.
Về phát triển dữ liệu số sẽ thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và tái sử dụng dữ liệu số hóa trong tiếp nhận, giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Đối với phát triển kinh tế số, Núi Thành sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh.
Huyện tiếp tục triển khai các nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh. Đồng thời sẽ kết hợp với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để tổ chức đào tạo nâng cao kỹ năng số cho người dân các địa phương xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh như mua bán trực tuyến, thanh toán trực tuyến, hợp đồng điện tử, nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử… Hỗ trợ quảng cáo, phát triển thương hiệu bằng việc xây dựng website, tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội, đưa sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương lên sàn thương mại điện tử.
Tuyên truyền, truyền thông về chuyển đổi số với nội dung, hình thức triển khai đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện thực tế thông qua các cuộc thi, video, poster, tài liệu tuyên truyền… Sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các mô hình, cách làm hay, bài toán, sáng kiến điển hình để phổ biến, nhân rộng nhằm khuyến khích, thúc đẩy thi đua chuyển đổi số, gắn kết cải cách hành chính với chuyển đổi số.
Khi nhận thức của xã hội về chuyển đổi số và hạ tầng công nghệ cùng phát triển song hành thì hoạt động chuyển đổi số sẽ thành đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn huyện.
Ông Lê Văn Sinh - Chủ tịch UBND huyện Núi Thành