Nông nghiệp

Ủ phân hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm nấm rơm

GIANG BIÊN 24/12/2024 10:00

Hội LHPN xã Bình Định Bắc đã xây dựng mô hình ủ phân hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm nấm rơm tại thôn Xuân Thái, góp phần bảo vệ môi trường và được nhân rộng tại một số xã của huyện Thăng Bình.

z6096715094317_1af69b92fe421fe857d24438a7d9501c.jpg
Người dân được hướng dẫn cách ủ phân từ phế phẩm nấm rơm. Ảnh: GIANG BIÊN

Thôn Xuân Thái (xã Bình Định Bắc) có 20 hộ làm nghề làm nấm rơm, đem lại nguồn thu nhập ổn định. Tháng 8/2024, Hội LHPN xã Bình Định Bắc đã thực hiện cuộc khảo sát ở thôn này với tỷ lệ hộ dân tham gia đóng phí môi trường đạt 96%; số hộ phân loại rác thải đạt 83%; đổ rác hữu cơ cho xe môi trường thu gom 485 hộ.

Tuy nhiên, thực tế phần lớn nguồn bã thải rơm nấm được người dân đổ trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước tại khu vực xả thải cũng như xung quanh.

Bà Nguyễn Thị Đông - Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Định Bắc cho hay sau cuộc khảo sát, hội tiến hành thực hiện mô hình ủ phân hữu cơ vi sinh từ rơm nấm.

Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sống, giúp cho lượng bã thải từ nấm rơm trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào để làm phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp.

z6096715094323_a36b84b7dfcc28a495791322074dd980.jpg
Hội LHPN xã Bình Định Bắc trao tặng các chế phẩm để các hộ ủ phế phẩm nấm rơm. Ảnh: GIANG BIÊN

Từ hiệu quả thực tế ở thôn Xuân Thái, mô hình ủ phân hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm nấm rơm tiếp tục được triển khai tại xã Bình Chánh và Bình Trị.

Để thực hiện mô hình, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình đã phân công cán bộ hướng dẫn trực tiếp các địa phương. Nhờ đó đến nay có thêm 2 địa phương mở rộng triển khai là Bình Định Bắc và Bình Triều.

Theo bà Ngô Thị Hồng Vạn - cán bộ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình, quy trình ủ rất dễ thực hiện, chỉ cần nguyên liệu như rơm nấm, phân chuồng, phân super lân và các chế phẩm.

z6096716121202_aeaad5c5108971b8f7df6cc6e3542dc3.jpg
Các hộ được hướng dẫn kỹ thuật ủ phân từ chế thải nấm rơm. Ảnh: GIANG BIÊN

Hoạch toán kinh tế được tính như sau: tổng chi phí để chế biến 1 tấn nguyên vật liệu bã rơm nấm đầu vào hơn 2 triệu đồng, trong đó bao gồm vật tư ủ phân, công lao động.

Nguyên liệu rơm nấm sau khi ủ hoai tầm 2 - 3 tháng còn lại 650kg phân hữu cơ vi sinh với giá bán 4.800 đồng/kg thu được 3,1 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được từ 1 tấn nguyên liệu rơm nấm tầm 1 triệu đồng.

Bà Ngô Thị Hồng Vạn cho rằng, mô hình có giá trị môi trường rất lớn. Giảm ô nhiễm môi trường, tạo được cảnh quan sạch đẹp. Bên cạnh đó, tạo ra được nguồn phân hữu cơ có tác dụng phục hồi lại tài nguyên đất, làm giàu hệ sinh thái, hạn chế bệnh hại trên cây trồng. Đồng thời giúp hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học, nâng cao năng suất cây trồng, hướng tới phát triển nền nông nghiệp sạch.

GIANG BIÊN