Gia đình đọc sách, gắn kết yêu thương
(QNO) - Thực hiện công văn kêu gọi của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phong trào lập tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, tủ sách trường học, tủ sách cộng đồng và việc hình thành, duy trì thói quen đọc sách trong thời gian qua ở nhiều địa phương được nhen nhóm lên, hình thành thói quen đọc sách trong cộng đồng.
Sau bữa ăn tối, gia đình chị Nguyễn Thị Cẩm Thuyên (phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ) lại quây quần bên tủ sách gia đình. Chồng đọc sách y khoa, chị Thuyên soạn giáo án, còn cô con gái nhỏ sau khi học bài xong cũng hớn hở chọn đọc những cuốn truyện mình yêu thích.
[VIDEO] - Chị Nguyễn Thị Cẩm Thuyên chia sẻ về tủ sách của mình:
“Đây là truyền thống gia đình mình từ thời ông bà đến thời con cái, ai cũng ham đọc sách. Vậy nên vừa xây nhà xong, vợ chồng mình liền mua một giá sách to. Con gái lớn dần, mình hình thành thói quen cho con đọc sách nhiều hơn” - chị Thuyên nói.
Ngoài 60 tuổi, vợ chồng cô Hiếu, thầy Hạnh (xã Tam Dân, huyện Phú Ninh) vẫn giữ trọn tình yêu với sách. Nhớ lại khoảng thời gian còn dạy trên vùng núi cao Nam Trà My, vợ chồng cô mỗi lần về xuôi thường mượn sách mang lên non, ngoài giờ dạy lại mang ra đọc.
Truyền lại niềm đam mê sách cho con cháu, cô Hiếu bảo: “Nguồn tri thức mà sách mang lại là vô tận. Sách như một người thầy dạy cho mình bao điều hay, cách sống đẹp, cách đối nhân xử thế. Ngôn từ trong sách giúp trau dồi kiến thức, tăng vốn từ, và khả năng giao tiếp”.
Cô Hiếu cho biết thêm, hai vợ chồng hiện cũng rất thích đọc, theo dõi tin về sách, nghe xem thông tin qua mạng. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh đã có thể tiếp cận được nhiều cuốn sách hay, nhanh chóng mà không mất phí. Tuy nhiên, đọc sách qua ứng dụng dễ gây mỏi mắt và đôi khi tiếp cận với những loại sách vô bổ, không lành mạnh nên cần chọn lọc kỹ.
[VIDEO] - Cô Hiếu chia sẻ về tủ sách gia đình và niềm đam mê đọc sách:
Thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 01/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28/6/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành công văn về phát triển và nhân rộng mô hình tủ sách gia đình, dòng họ, trường học và mô hình "Gia đình đọc sách - Gắn kết yêu thương".
Bộ VH-TT&DL đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc xây dựng thói quen đọc sách, gắn kết các thế hệ trong gia đình; đồng thời vận động, phát động phong trào lập tủ sách và triển khai mô hình này.
Theo Bộ VH-TT&DL, hầu hết các trường học hiện nay đều đã thành lập thư viện, tủ sách trường học, câu lạc bộ đọc sách… Những tiết học thư viện tại trường học đã giúp cho học sinh khám phá thế giới của sách, tích lũy được vốn từ, khả năng sáng tạo và giáo dục kỹ năng sống…
Thích thú với mỗi giờ học dưới thư viện, em Nguyễn Tú Nhi (lớp 4/6, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, TP.Tam Kỳ) bày tỏ: “Em rất thích đọc sách và cũng rất thích những tiết đọc thư viện ở trường. Qua những tiết học ấy, em đã biết đến nhiều cuốn sách hay về khoa học, lịch sử, truyện tranh phù hợp với lứa tuổi”.
Bên cạnh những tiết học về sách, CLB đọc sách tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu thành lập cách đây 2 năm cũng thu hút 90 học sinh tham gia.
Cô Nguyễn Thị Anh Thơ (chủ nhiệm CLB đọc sách) cho biết các học sinh rất thích những cuốn sách kỹ năng sống, đạo đức, lịch sử về các anh hùng dân tộc. Các bạn đọc nhiều sách hầu hết có khả năng nói chuyện lưu loát, tự tin trước đám đông và xây dựng nhiều ý tưởng sáng tạo.
[VIDEO] - Học sinh Trường TH Võ Thị Sáu thích thú với tiết học thư viện:
Hào hứng chia sẻ về đam mê đọc sách của mình, em Nguyễn Hoàng Phương Uyên (lớp 6, Trường THCS Nguyễn Du) cho biết: “Thứ bảy, Chủ nhật, ba mẹ thường chở em đến siêu thị sách và mua cho em nhiều cuốn sách hay. Những buổi tối rảnh rỗi, em cũng thường cùng ba mẹ đọc sách. Cả nhà cùng chia sẻ cho nhau nhiều thông điệp ý nghĩa mà sách mang lại”.
Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn tỉnh còn thiếu vắng các tủ sách dòng họ. Hay tủ sách, thư viện sách đối với các học sinh khu vực vùng cao vẫn khoảng trống chưa biết đến lúc nào mới được lấp đầy...