Nguy cơ gia tăng bệnh tim mạch trong thời tiết lạnh
(QNO) - Khoảng hơn 2 tuần trở lại đây, nhiệt độ tại miền Trung giảm sâu, Khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam ghi nhận số lượng bệnh nhân nhập viện liên quan đến các bệnh lý tim mạch tăng khoảng 20% so với những tháng trước đó.
Cảnh giác với bệnh tim mạch
Sáng sớm ngày 21/12, bệnh nhân Nguyễn Văn M. (43 tuổi), nhập viện trong tình trạng lơ mơ, liệt nửa người trái, huyết áp tại cấp cứu ghi nhận 220/120mmHg. Thông tin từ người thân, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, dùng thuốc hạ huyết áp thường xuyên, trong những ngày gần đây đau đầu nhiều hơn.
Vào sáng sớm ngày 21/12, sau khi ngủ dậy thì đột ngột té ngã và đi vào hôn mê. Tại Khoa Cấp cứu, kết quả chụp CT Scan sọ não cho thấy bệnh nhân bị xuất huyết não.
Cùng ngày, đơn vị can thiệp tim mạch Khoa Nội tim mạch cũng tiếp nhận một bệnh nhân nam 65 tuổi, có tiền sử hút thuốc lá, vào viện vì đau ngực sau khi đi làm đồng về. Bệnh nhân được chẩn đoán ban đầu là nhồi máu cơ tim cấp, kết quả chụp động mạch vành cho thấy bệnh nhân bị tắc một nhánh động mạch vành (động mạch nuôi tim). Bệnh nhân được nhanh chóng đặt stent mới may mắn qua cơn nguy kịch.
Thực tế ghi nhận tại Phòng khám Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, mỗi khi nhiệt độ xuống thấp, số bệnh nhân đến khám với các triệu chứng nặng lên, khó kiểm soát hơn. Phần lớn phải điều chỉnh tăng liều thuốc huyết áp mới có thể đưa huyết áp về mục tiêu điều trị. Các bệnh lý thường gặp là tình trạng tăng huyết khẩn cấp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ não (nhồi máu não, xuất huyết não), suy tim cấp, bệnh động mạch ngoại biên cấp…
Vậy đâu là nguyên nhân làm gia tăng bệnh lý tim mạch? Khi nhiệt độ xuống thấp làm cho các bệnh lý về tim mạch và chuyển hóa gia tăng, đặc biệt với người lớn tuổi, người có sẵn bệnh nền, người làm việc ngoài trời, khi thời tiết chuyển lạnh càng dễ có nguy cơ trở nặng bệnh nền sẵn có. Có nhiều yếu tố góp phần làm gia tăng bệnh tim trong điều kiện thời tiết lạnh, trong đó phải kể đến việc tim phải làm việc nhiều hơn tạo năng lượng giữ ấm cơ thể.
Theo thống kê cho thấy nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng thêm 7% khi nhiệt độ giảm đi 10oC. Với những bệnh nhân tăng huyết áp, trời chuyển lạnh làm tăng trị số huyết áp hơn. Ước tính, mùa lạnh huyết áp thường tăng cao hơn so với mùa hè khoảng 5mmHg.
Sự gia tăng trị số huyết áp đột ngột làm tăng nguy cơ đột quỵ não (xuất huyết não, nhồi máu não), đột quỵ tim (nhồi máu cơ tim). Đặc biệt, thời tiết lạnh còn làm tăng số lượng tiểu cầu, tăng hồng cầu và độ nhớt của máu, làm tăng nguy cơ bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não và bệnh mạch máu ngoại vi.
[VIDEO] - Chia sẻ của BS CKII. Nguyễn Lương Quang - Trưởng khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam về nguy cơ gia tăng bệnh tim mạch trong thời tiết lạnh:
Bên cạnh các yếu tố khách quan trên, nhiều yếu tố mang tính chủ quan như việc gián đoạn hoặc ngừng hẳn việc tập luyện thể dục thể thao vào mùa lạnh. Việc luyện tập thể dục đều đặn thì nguy cơ xuất hiện các biến chứng bệnh tim mạch nặng trong lúc tập giảm đến 50 lần so với những người lười vận động. Tuy nhiên nếu dừng đột ngột việc rèn luyện lại làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến cố tim mạch.
Biện pháp phòng ngừa
Để dự phòng các biến cố tim mạch trong thời tiết lạnh, cần giữ ấm cơ thể, nhất là vùng đầu mặt cổ, cần đeo khẩu trang khi ra ngoài lạnh.
Với người lớn tuổi, người mắc các bệnh kèm như tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, suy tim, đái tháo đường… cần tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, đặc biệt là buổi sáng. Lúc mới ngủ dậy, nên cởi bỏ bớt chăn mền, tập vận động nhẹ nhàng tại chỗ 3-5 phút để cơ thể dần thích nghi, rồi mới ra khỏi giường. Khi tắm rửa, cần nơi kín gió, làm ấm phòng bằng đèn sưởi và dùng nước ấm. Thời điểm sáng sớm là lúc thường xảy ra đột quỵ.
Không ăn quá mặn, hạn chế ăn thức ăn giàu cholesterol như: thịt mỡ, da, nội tạng động vật, lòng đỏ trứng.... Nên ăn đồ luộc, ăn nhiều rau quả, uống đủ nước (nên uống nước ấm), tránh đồ chiên rán.
Không được tự ý tăng/giảm thuốc hạ huyết áp. Nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám và theo dõi định kỳ, nhất là khi chuyển mùa, thời tiết thay đổi.
Ngoài ra, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và xử trí kịp thời các biến cố tim mạch nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào như khó thở, đau ngực, đau đầu, chóng mặt, yếu tay chân, nói khó, méo miệng…
Rèn luyện thể dục thường xuyên, tuy nhiên, cần tránh tập thể dục ngoài trời vào lúc sáng sớm, tránh bị lạnh đột ngột. Nên tập luyện trong nhà với nhiệt độ phù hợp.
Đồng thời, người bệnh cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là đo huyết áp thường xuyên. Người mắc các bệnh nền như tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, suy tim, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, tiền sử đột quỵ, hen phế quản… nhớ uống thuốc đều đặn, đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ.