Chuyển hóa địa bàn trọng điểm về quản lý, bảo vệ rừng
(QNO) – Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) cùng sự vào cuộc của chính quyền địa phương, kiểm lâm địa bàn đang từng bước chuyển hóa Tiên Lãnh (Tiên Phước) – từ một địa bàn “nóng” về các vụ khai thác lâm sản trái phép, sang quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả.
Tập trung bảo vệ
Năm 2024, khi thủy điện Sông Tranh 4 chính thức đóng nước, Tổ bảo vệ rừng số 3 xã Tiên Lãnh được thành lập. Tổ có 4 thành viên, phụ trách quản lý, bảo vệ 3 tiểu khu 551, 552 và 553 với tổng diện tích rừng là 274ha.
Ông Trần Văn Hiệp – Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng số 3 cho biết, dù diện tích rừng không lớn, song lại chia thành 3 tiểu khu. Các thành viên tổ chưa có kinh nghiệm tuần tra, truy quét trên lòng hồ, đi rừng, nhưng bằng tinh thần trách nhiệm với công việc, các thành viên tham gia tuần tra đầy đủ 5 đợt/tháng. Những tháng cao điểm cần kiểm soát bảo vệ rừng các thành viên có thể tuần tra 14-15 ngày.
“Thời gian qua, UBND xã quan tâm đầu tư trang phục, thiết bị và tập huấn các kỹ năng cần thiết cho tổ. Từ nguồn chi trả DVMTR, mỗi thành viên quản lý, bảo vệ rừng sẽ nhận mức hỗ trợ 4,3 triệu đồng/người/tháng. Điều này giúp mọi người có thêm nguồn kinh phí trang trải cuộc sống, yên tâm tham gia giữ rừng” – ông Hiệp cho biết.
[VIDEO] - Ông Trần Văn Hiệp – Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng số 3 xã Tiên Lãnh chia sẻ về công tác quản lý, bảo vệ rừng:
Còn theo ông Lâm Văn Hoài – Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng số 1, các đối tượng thường lợi dụng thời gian nghỉ lễ dài ngày, nghỉ tết, mùa mưa để thực hiện các hành vi xâm hại rừng. Do đó, tổ luôn nâng cao cảnh giác, tăng cường tuần tra, truy quét, nhờ đó đã ngăn chặn 1 vụ xâm hại rừng vào đầu năm 2024.
Cụ thể, qua công tác nắm tình hình, kiểm lâm địa bàn và Tổ bảo vệ rừng số 1 Tiên Lãnh biết được ý định của đối tượng Võ Tấn Cường – trú xã Tiên Hiệp (Tiên Phước) sẽ phá rừng lấy gỗ. Các lực lượng đã nhắc nhở, tuyên truyền để đối tượng này chấp hành nghiêm quy định pháp luật. Song, không từ bỏ ý định, ngay khi nghe tin rừng phòng hộ khu vực Suối Bùn (thôn 1, xã Tiên Lãnh) có cây gỗ ngã đổ, đối tượng Cường đã vào tìm kiếm.
Ngày 27/1, kiểm lâm địa lâm và lực lượng bảo vệ rừng mật phục, bắt tận tay Võ Tấn Cường và Võ Tấn Phúc (cùng trú Tiên Hiệp) đang thực hiện hành vi khai thác gỗ trái phép trong khu vực rừng phòng hộ. Trong vụ việc này, đối tượng Cường là người trực tiếp khai thác trái phép 2 cây gỗ phay và chẹo tía, với tổng khối lượng 8,231m3, trị giá hơn 21 triệu đồng. Còn Võ Tấn Phúc chỉ giúp Cường dùng ba lăng kéo một lóng gỗ phay.
Vừa qua, Hội đồng xét xử TAND huyện Tiên Phước tuyên phạt bị cáo Võ Tấn Cường 9 tháng tù giam về tội “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.
Chuyển hóa địa bàn
Tiên Lãnh có diện tích rừng phòng hộ hơn 2.238ha, trong đó rừng tự nhiên hơn 1.292ha. Để bảo vệ nghiêm ngặt, UBND xã Tiên Lãnh đã thành lập 3 tổ quản lý, bảo vệ rừng, với 14 thành viên, tập trung quản lý hiệu quả khu vực chi trả DVMTR 2 lưu vực thuỷ điện Sông Tranh 3, Sông Tranh 4.
Ông Nguyễn Văn Nhựt – kiểm lâm địa bàn (thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Tiên Phước) cho biết, Tiên Lãnh là địa bàn phức tạp, diện tích rừng lớn lại giáp ranh với nhiều địa phương lân cận. Do đó, để phát huy hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, kiểm lâm địa bàn phối hợp chặt chẽ với các tổ bảo vệ rừng của xã, thường xuyên tuần tra, truy quét, nhất là khu vực có nguy cơ cao xảy ra mất rừng, xâm hại rừng. Nhờ đó, những năm gần đây tình trạng phá rừng đã giảm rõ rệt so với trước.
“Chúng tôi đang phối hợp với UBND xã Tiên Lãnh thực hiện kế hoạch chuyển hóa địa bàn, trong đó xác định nhiệm vụ quan trọng là không để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Cùng với tuần tra, bảo vệ, chúng tôi đang tập trung công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân; tổ chức cho người dân ký cam kết về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy rừng” - ông Nhựt nói.
[VIDEO] - Ông Nguyễn Văn Nhựt – kiểm lâm địa bàn (thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Tiên Phước) chia sẻ về nỗ lực chuyển hoá địa bàn:
Chính quyền xã Tiên Lãnh thường xuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã; tổ chức các cuộc họp thôn tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về lâm nghiệp. Đáng chú ý, địa phương này tiếp tục duy trì hoạt động của 8 tổ quần chúng về bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, thu hút 41 người dân tham gia. Đây là “tai mắt”, kịp thời phát hiện, báo cáo các vụ xâm hại rừng, cháy rừng.
Ông Bùi Sang – Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh cho biết, UBND huyện Tiên Phước chọn Tiên Lãnh là xã điểm để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng. Hiện, xã đang tập trung công tác nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho các thành viên các tổ bảo vệ rừng, nhất là sử dụng thành thạo phần mềm, công cụ hỗ trợ, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát rừng bền vững.