Khởi nghiệp - OCOP

Giải pháp giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ Quảng Nam xây dựng thương hiệu trên mạng xã hội

HOÀNG LY 25/12/2024 17:36

(QNO) - Quảng Nam là mảnh đất giàu tiềm năng với nhiều sản phẩm mang đậm dấu ấn địa phương đang chứng kiến sự nỗ lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc khẳng định thương hiệu trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, hành trình này không hề dễ dàng khi đối mặt với nhiều rào cản cả về năng lực lẫn tâm lý.

3-1-.jpg
Bánh dừa Quý Thu - Công ty TNHH Sản xuất thương mại Quý Thu (xã Quế Xuân, Quế Sơn) lần đầu xuất hiện trên kênh livestream sản phẩm thông qua TikTok Shop. Ảnh: PHAN VINH

Năm 2024, cùng với chuyển động của các ngành chức năng, các hoạt động trong hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh, sự nỗ lực bứt phát của doanh nghiệp, Quảng Nam đã chứng kiến sự đi lên, trưởng thành rõ rệt và gặt hái nhiều thành công của nhiều doanh nghiệp. Báo Quảng Nam đã góp một phần nhỏ vào hành trình này với việc liên tục tuyên truyền trên báo in và báo điện tử. Đáng chú ý là chuỗi tọa đàm trực tuyến với sự tham gia của nhiều chuyên gia có kinh nghiệm trên lĩnh vực marketing, xây dựng thương hiệu, hoạch định chiến lược kinh doanh, các Tiktoker… Mới đây nhất, trong tháng 12/2024 là tọa đàm chủ đề “xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội”. Đề tài không mới, song có nhiều chia sẻ, băn khoăn từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ thể OCOP vốn quen làm hay nhưng nói chưa hay…

Khó khăn trên con đường số hóa

Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh ngày càng gay gắt, các doanh nghiệp có sản phẩm OCOP đang tích cực tìm kiếm hướng đi mới để đưa sản phẩm của mình vươn xa. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn còn lúng túng trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu trên các nền tảng số.

Một trong những trở ngại lớn là hạn chế về kỹ năng và nguồn lực. Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều chưa có đội ngũ chuyên trách về truyền thông hoặc marketing. Sự thiếu hụt về ngân sách cũng khiến họ gặp khó khăn trong việc đầu tư bài bản vào các chiến dịch quảng bá.

Không chỉ vậy, yếu tố văn hóa địa phương cũng đặt ra những thách thức riêng. Người Quảng thường tự ti khi xuất hiện trước ống kính do…. giọng nói. “Giọng Quảng cứng và nặng, tôi sợ mọi người không hiểu hoặc không thích nên tôi ngại livestream hay làm video” - một chủ doanh nghiệp nhỏ chia sẻ.

Hướng đi nào?

Để giúp các doanh nghiệp OCOP và DNVVN Quảng Nam tháo gỡ khó khăn, cần những giải pháp toàn diện và phù hợp với đặc thù địa phương. Các chuyên gia cho rằng việc kết hợp đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, và khai thác giá trị văn hóa bản địa chính là chìa khóa để các doanh nghiệp chuyển mình.

dsc_0727.jpg
Doanh nghiệp Quảng Nam được hướng dẫn thực hành kỹ năng livestream bán hàng tháng 5/2024. Ảnh: VINH ANH

Đào tạo kỹ năng truyền thông và tự tin xuất hiện trước ống kính, một giải pháp thiết thực là tổ chức các khóa đào tạo về kỹ năng truyền thông dành riêng cho các doanh nghiệp nhỏ. Nội dung đào tạo có thể bao gồm:

- Xây dựng thương hiệu cá nhân và doanh nghiệp: Hướng dẫn cách tạo hồ sơ chuyên nghiệp trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, và Instagram.

- Sản xuất nội dung hấp dẫn: Học cách quay video, chụp ảnh sản phẩm và biên tập nội dung ngắn gọn, thu hút.

- Livestream hiệu quả: Rèn luyện cách nói chuyện lôi cuốn, tự tin trước ống kính, đồng thời xử lý tình huống trong buổi phát sóng trực tiếp.

Cạnh đó, việc cải thiện kỹ năng giao tiếp và phát âm cũng rất cần thiết. Thay vì e ngại, người Quảng Nam có thể biến giọng nói của mình thành lợi thế. “Giọng Quảng Nam rất chân chất, tạo cảm giác gần gũi và đáng tin cậy. Nếu biết cách khai thác, đây sẽ là điểm cộng lớn cho thương hiệu” - một chuyên gia marketing nhận định như vậy khi tham gia chương trình trực tuyến của Báo Quảng Nam.

2024-12-25_173134.jpg
Một chương trình tọa đàm trực tuyến của Báo Quảng Nam thu hút nhiều độc giả là doanh nghiệp khởi nghiệp quan tâm. Ảnh: TH.TRÍ
  • Khai thác yếu tố địa phương và câu chuyện sản phẩm: Người tiêu dùng hiện đại không chỉ quan tâm đến sản phẩm mà còn muốn biết câu chuyện đằng sau chúng. Các doanh nghiệp Quảng Nam có thể tận dụng yếu tố này để xây dựng nội dung truyền thông:
    • Storytelling (kể chuyện): Kể về nguồn gốc, quy trình sản xuất và ý nghĩa văn hóa của sản phẩm.
    • Định vị thương hiệu OCOP: Quảng bá sản phẩm OCOP như một biểu tượng chất lượng và niềm tự hào địa phương.

Hỗ trợ kỹ thuật và tài chính

Các phần mềm thiết kế và chỉnh sửa nội dung đơn giản như Canva, CapCut… có thể giúp doanh nghiệp nhỏ tự tạo ra các nội dung hấp dẫn mà không cần đầu tư quá nhiều nguồn lực. Ngoài ra, các chương trình hỗ trợ từ chính quyền hoặc tổ chức xúc tiến thương mại có thể cung cấp kinh phí quảng cáo hoặc đào tạo miễn phí cho các doanh nghiệp.

Tận dụng sức mạnh cộng đồng

Xây dựng các nhóm khách hàng trên Facebook hoặc Zalo không chỉ giúp quảng bá sản phẩm mà còn tăng cường sự kết nối với người tiêu dùng. Các doanh nghiệp cũng có thể khuyến khích khách hàng chia sẻ hình ảnh, video về sản phẩm để lan tỏa thương hiệu một cách tự nhiên.

livestream-1.jpg
Thành viên 2 CLB Phụ nữ khởi nghiệp TP.Tam Kỳ và huyện Đại Lộc cùng nhau livestream giới thiệu sản phẩm. Ảnh: PHAN VINH

Hành trình dài hơi, cần sự bền bỉ

Dù có nhiều khó khăn, nhưng nếu kiên trì và sáng tạo, các doanh nghiệp Quảng Nam hoàn toàn có thể thành công trong việc xây dựng thương hiệu trên mạng xã hội. Một số sáng kiến có thể gợi ý như chiến dịch “Giọng Quảng - Niềm tự hào” có thể giúp mọi người tự tin hơn khi xuất hiện trước ống kính, đồng thời tạo dấu ấn riêng cho thương hiệu.

Không chỉ vậy, việc phát triển các kênh bán hàng trên sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada hay Tiki cũng cần được chú trọng. Sự kết hợp giữa thương hiệu mạnh và chiến lược bán hàng bài bản sẽ giúp sản phẩm OCOP Quảng Nam vươn xa, không chỉ trong nước mà còn trên thị trường quốc tế.

Hành trình xây dựng thương hiệu số là con đường đầy thách thức, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Quảng Nam. Với sự hỗ trợ đúng hướng và sự quyết tâm, những sản phẩm mang dấu ấn quê hương hoàn toàn có thể khẳng định vị thế trong thời đại số hóa.

HOÀNG LY