Du lịch

Mở hướng phát triển du lịch nông thôn ở Điện Bàn

VĨNH LỘC - TƯỜNG LAM 25/12/2024 20:04

(QNO) - Điện Bàn sở hữu nhiều làng nghề truyền thống với tuổi đời hàng trăm năm; không gian làng mạc rộng lớn, thanh bình, lại nằm sát Hội An và Đà Nẵng… là những tiềm năng để địa phương đầu tư phát triển mạnh hệ sinh thái du lịch nông thôn.

cover.png
1 tít 1

Anh Nguyễn Tấn Pháp (thôn Tân Thành, xã Điện Phong, Điện Bàn) là một trong những người khởi động phát triển du lịch cộng đồng, nông thôn Điện Bàn. Năm 2014, Pháp tốt nghiệp chuyên ngành xây dựng (Trường Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng), sau thời gian ngắn làm việc ở thành phố, năm 2016 anh quyết định quay về quê lập nghiệp với mô hình trồng rau sạch hữu cơ cùng nhóm bạn địa phương.

Nhiều lần đi Hội An nhìn khách nước ngoài tham quan trải nghiệm trên các luống rau Trà Quế, Nguyễn Tấn Pháp ấp ủ ước mơ sẽ phát triển du lịch tại quê nhà. Lân la xuống Trà Quế học nghề, năm 2018 anh chính thức bước chân vào du lịch.

3.png

Thời gian đầu cả vùng Gò Nổi gần như chưa có ai làm du lịch. Pháp phải học mọi thứ, từ tìm kiếm điểm tham quan, học nấu ăn, đón khách, trau dồi ngoại ngữ giao tiếp, tìm khách đến vay mượn vốn đầu tư, sửa sang nhà cửa, mua sắm vật dụng…

4.png

Thông qua sự kết nối với các công ty du lịch tại Hà Nội, những vị khách đầu tiên cũng đã đến với làng. Từ đó, số lượng khách về đây tham quan trải nghiệm không ngừng gia tăng. Tính riêng năm nay, Nguyễn Tấn Pháp đã tổ chức gần 50 tour cho khách trải nghiệm các hoạt động làng quê Điện Phong như đạp xe tham quan đồng ruộng, học làm nông trên mảnh vườn 700m2 của gia đình, học nấu ăn và thưởng thức ẩm thực địa phương… Hầu hết khách đến từ các nước Âu, Úc, Mỹ, quy mô nhỏ, thời gian trải nghiệm khoảng 3 giờ đồng hồ.

“Mỗi ngày tôi đón tối đa 2 đoàn khách chia cho 2 buổi, không thể đón nhiều hơn nữa vì không gian gia đình chỉ chừng đó. Đặc biệt, tôi không muốn có sự xô bồ, mất đi vẻ bình yên của làng quê” - anh Pháp chia sẻ.

Theo anh Pháp, vùng đất Gò Nổi có nhiều cảnh quan, văn hóa đặc sắc, đồng thời nằm trên cung đường di sản kết nối Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn, nếu biết kết nối hợp lý sẽ tạo ra những đột phá trong phát triển du lịch miền quê này. Bởi phần lớn khách trải nghiệm mô hình du lịch của Nguyễn Tấn Pháp đều kết hợp tham quan Mỹ Sơn theo lịch trình một buổi ở Điện Phong và một buổi đến Mỹ Sơn.

5.png
6.png

Tham quan điểm du lịch văn hóa Âu Lạc, du khách được trải nghiệm các cung đoạn điêu khắc để tạo ra một sản phẩm gỗ cho riêng mình dưới sự hướng dẫn của những người thợ giỏi; được nghe giới thiệu về 3 bộ tác phẩm độc đáo của nghệ thuật điêu khắc gỗ Âu Lạc gồm “Sông Thu núi Ngọc”, “Hồn thiêng sông núi” và “Thần Nông” để hiểu hơn về lịch sử văn hóa xứ Quảng cũng như dân tộc Việt Nam..., trước khi ăn bữa cơm chay “Thần Nông” giữa khung cảnh thiên nhiên làng quê sông nước bình yên.

Ông Lê Hoàng Hà – Giám đốc Công ty Du lịch Emic Travel, đơn vị chuyên đưa khách đến các vùng quê nhìn nhận, dư địa phát triển du lịch nông thôn vùng Gò Nổi còn khá nhiều. Trong đó, một lợi thế lớn là có khoảng cách không quá xa phố cổ Hội An giúp doanh nghiệp dễ dàng tổ chức tour đưa khách đến. Chỉ riêng tại làng Cẩm Phú, trong năm 2024 Emic đã phối hợp cùng đối tác đưa hàng chục đoàn khách về tham quan, trải nghiệm.

7 tít 2

Ngày 10/12/2024 vừa qua, lần đầu tiên Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ nhất đã diễn ra tại Quảng Nam, đánh dấu tầm quan trọng của du lịch nông thôn thế giới. Phát biểu tại sự kiện này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long khẳng định, phát triển du lịch nông thôn vừa thúc đẩy chuyển dịch kinh tế, giảm khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị, vừa quảng bá, tôn vinh, bảo tồn, bồi đắp, phát triển và lan tỏa các giá trị độc đáo của địa phương, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.

8.png

Hiện nay, Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc cũng đang mở rộng triển khai “Chương trình du lịch vì sự phát triển nông thôn” nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, trao quyền cho cộng đồng và tạo công ăn việc làm. Điều này hết sức ý nghĩa và phù hợp với 3 trụ cột phát triển bền vững là kinh tế, xã hội và môi trường. Đồng thời, cũng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn mà Việt Nam đang hướng tới.

9.png

Thực tế, từ năm 2016 Làng du lịch cộng đồng Triêm Tây (Điện Phương) đã trở lành một trong những điểm đến nổi bật của Điện Bàn, thu hút đông đảo du khách quốc tế đến tham quan.

Ông Nguyễn Trọng Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Hội An DMC chia sẻ, từ cuối năm 2023 đến nay, làng Triêm Tây dần trở thành địa điểm được Công ty TNHH Du lịch Hội An DMC chọn đưa khách đến thường xuyên bởi ngôi làng còn giữ nét nguyên sơ dân dã khác xa với những ồn ào bên phố.

“Từ Hội An khách được xe điện đưa đến Triêm Tây tham quan khu nhà vườn sinh thái của KTS. Bùi Kiến Quốc, trải nghiệm nghề dệt chiếu, đắp tượng, nghỉ ngơi ăn uống tại nhà hàng ven sông, sau đó lên thuyền quay về Hội An” - ông Tuấn nói về lộ trình của khách.

Là doanh nghiệp chuyên khai thác dòng khách châu Âu, Úc, Mỹ, những thị trường yêu thích khung cảnh làng quê nên ông Tuấn luôn tìm kiếm điểm đến mới lạ, hấp dẫn đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của khách. Và Triêm Tây là điểm đến điển hình được Công ty TNHH Du lịch Hội An DMC lựa chọn.

10.png

Thành công của Triêm Tây đã góp phần lan tỏa du lịch cộng đồng, nông thôn đến các làng nghề lân cận như đất nung Lê Đức Hạ, gỗ Nguyễn Văn Tiếp. Trong đó, Cơ sở đất nung Lê Đức Hạ trở thành điểm đến làng nghề mới của du khách trong và ngoài nước, nhất là các đối tượng học sinh, sinh viên…

11.png
12 tít 3

Ngày 9/5/2023, UBND thị xã Điện Bàn ban hành Kế hoạch phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thị xã đến năm 2025, nội dung nhấn mạnh, phát triển du lịch nông thôn Điện Bàn sẽ dựa trên cơ sở phát huy giá trị văn hóa truyền thống, môi trường cảnh quan khu vực nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững.

Đồng thời, tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội, nhất là từ khu vực tư nhân, sự tham gia tích cực từ cộng đồng địa phương, hướng đến xây dựng, phát triển sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ du lịch có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động địa phương, phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đầu tháng 12/2024, UBND thị xã Điện Bàn cũng ban hành Quyết định phê duyệt dự án “Hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại làng Cẩm Phú – Gò Nổi” giai đoạn 2024 – 2025. Theo đó, Nhà nước sẽ bố trí hơn 1,14 tỷ đồng để tập trung đầu tư, triển khai thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Cẩm Phú 1&2 (xã Điện Phong) hướng tới mục tiêu hỗ trợ người dân Cẩm Phú tham gia vào các hoạt động kinh doanh du lịch. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, làng quê của Cẩm Phú…

13.png

Từ đó, bảo vệ môi trường bền vững thông qua mô hình hoạt động thí điểm du lịch không rác thải nhựa, tái sử dụng rác thải... Giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường nông nghiệp xanh, thực hiện chống sạt lở đất, bảo tồn hệ sinh thái môi trường của một làng quê nông thôn.

Trước đó, tháng 3/2022, Làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú cũng đã được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch của tỉnh. Năm 2024, làng du lịch này được đối tác World Challenge bình chọn hoạt động của Green Youth Collective ở Cẩm Phú là một trong 8 dự án trên toàn thế giới được nhận giải thưởng về Tác động tích cực đối với cộng đồng địa phương và du khách của World Challenge.

Bà Phan Thị Thái Hoa - Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH thị xã Điện Bàn (đơn vị chủ đầu tư dự án Làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú) cho biết, với những thành công bước đầu cùng sự hỗ trợ của thị xã và tỉnh, dự án sẽ tạo cơ sở quan trọng thúc đẩy Làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú phát triển hơn nữa mang đến lợi ích cho cộng đồng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp liên kết…

14.png

Thời gian qua, Trung tâm VH-TT&TT-TH Điện Bàn triển khai rất nhiều hoạt động thiết thực từ mở lớp đào tạo; tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng du lịch cộng đồng, nông thôn; xây dựng Bộ quy tắc ứng xử Làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú không rác thải nhựa…, đến tổ chức famtrip, kết nối doanh nghiệp đầu tư, đưa khách về…

footer.png

VĨNH LỘC - TƯỜNG LAM