OCOP Quảng Nam và kỳ vọng phát triển năm 2025
Quảng Nam kỳ vọng phát triển mạnh sản phẩm OCOP trong năm 2025; theo đó các ngành chức năng, địa phương cần chú trọng đồng bộ giải pháp, nhất là quản lý chất lượng sản phẩm đảm bảo đạt mục tiêu đề ra.
Nhiều kỳ vọng
Quảng Nam đặt ra nhiều mục tiêu phát triển OCOP trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2025, bình quân mỗi xã có ít nhất 2 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.
Cả tỉnh có ít nhất 5 sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh đạt 5 sao phát triển theo chuỗi giá trị, tham gia thị trường xuất khẩu. Đến năm 2025, doanh số bán hàng OCOP đạt hơn 300 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với năm 2020; lợi nhuận đạt hơn 80 tỷ đồng.
Ông Võ Hưng - Phó Trưởng phòng Phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NN&PTNT) cho biết, các cơ quan của tỉnh đang phối hợp chặt chẽ để củng cố, phát triển các tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP.
Kỳ vọng trong năm 2025 là ít nhất 50 tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP được củng cố, nâng cấp. Quảng Nam phát triển mới ít nhất 80 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP (30 doanh nghiệp, 50 HTX). Kế hoạch đến cuối năm 2025, toàn tỉnh sẽ xây dựng 45 điểm bán hàng OCOP, 10 trung tâm OCOP cấp huyện, 3 trung tâm OCOP cấp tỉnh.
Theo ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, qua 7 năm triển khai thực hiện chương trình OCOP, đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 478 sản phẩm của 376 chủ thể được công nhận OCOP.
Quảng Nam đang trình Trung ương đánh giá 5 sao cấp quốc gia cho 5 sản phẩm OCOP. Bao gồm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Saphraton - Nam Trà My; tinh dầu quế Bắc Trà My; tiêu Tiên Phước; trà sâm Ngọc Linh - Phú Ninh và bánh dừa nướng Quý Thu - Quế Sơn.
Những địa phương đứng đầu về số lượng sản phẩm OCOP được công nhận 3-4 sao qua 7 năm gồm Tiên Phước (46 sản phẩm), Tam Kỳ (38 sản phẩm), Thăng Bình (37 sản phẩm), Điện Bàn (34 sản phẩm), Đại Lộc (30 sản phẩm). Hiện nay, sản phẩm còn hạn OCOP là 339 sản phẩm.
Ông Nguyễn Xuân Vũ cho biết, hướng phát triển OCOP trong năm 2025 là ưu tiên những sản phẩm sử dụng nguyên liệu địa phương, đảm bảo gia tăng giá trị; hỗ trợ phát triển các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP, Organic, GMP, HACCP, ISO...
Quảng Nam tập trung phát triển OCOP theo hướng liên kết chuỗi từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, liên kết phát triển OCOP gắn với du lịch cộng đồng, làng nghề truyền thống, thúc đẩy quảng bá sản phẩm OCOP qua các hoạt động du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch nông thôn.
Chú trọng quản lý chất lượng
Thời gian qua, UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi giấy chứng nhận sao OCOP đối với các sản phẩm bánh chưng Bà Ba Hội (Tam Kỳ), trà đậu đen, muối đặc sản Nam Giang đóng hộp (Công ty NHH Sản xuất, thương mại & dịch vụ Trí Nhất, Nam Giang) với lý do là ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Có nghĩa là các cơ sở, doanh nghiệp đã không thực hiện liên kết sản xuất, thu mua nguyên liệu, không thực hiện quy trình sản xuất đã công bố, không duy trì các tiêu chí, hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Các cơ sở, doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận sản phẩm OCOP, không được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP và thứ hạng sao in trên bao bì, bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở NN&PTNT) cho rằng, để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, cần phân cấp quản lý theo ngành. Đơn cử, ngành nông nghiệp quản lý nhóm hàng thực phẩm; ngành công thương quản lý nhóm hàng đồ uống, vải, may mặc; ngành y tế quản lý nhóm hàng thảo dược...
Các cơ quan chuyên ngành sẽ có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước, hướng dẫn chủ thể xây dựng, công bố chất lượng sản phẩm OCOP; phổ biến sâu rộng các quy định về quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của ngành.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Vũ, thời gian tới tăng cường quản lý chất lượng các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP. Theo đó, Sở NN&PTNT sẽ hỗ trợ các chủ thể xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm; công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; kiểm nghiệm chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm; thiết kế bao bì, nhãn mác đúng quy định; xây dựng câu chuyện sản phẩm đặc sắc, mang trí tuệ, bản sắc địa phương để dễ tiếp cận và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng...
“Trong năm 2025, ngành nông nghiệp sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng logo OCOP đối với các sản phẩm OCOP đã được đánh giá, công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Chúng tôi đặc biệt chú ý đối với các sản phẩm đã hết thời hạn (36 tháng) mà chưa được công nhận lại hoặc có sự thay đổi về mức đạt sao sau khi đánh giá, công nhận lại sản phẩm” - ông Vũ nói.
Trong 478 sản phẩm OCOP của tỉnh có 5 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã trình trung ương xem xét công nhận, 60 sản phẩm 4 sao, 418 sản phẩm 3 sao. Quảng Nam có 348 sản phẩm OCOP thực phẩm, 39 sản phẩm OCOP đồ uống, 28 sản phẩm dược liệu, 60 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, 3 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.