Thủy sản

Thời tiết bất lợi, tàu cá Quảng Nam "nằm bờ" trong vụ cá bắc

NGUYỄN QUANG 26/12/2024 09:16

Vụ cá bắc (bắt đầu từ tháng 10/2024 đến hết tháng 3/2025) diễn ra trong điều kiện thời tiết trên biển biến động mạnh nên ngư dân gặp nhiều khó khăn ở cả đánh bắt hải sản xa bờ và vùng ven biển.

cc.jpg
Cảng cá Tam Quang vắng bóng tàu cá trong những ngày này. Ảnh: Q.VIỆT

Khi nghề xa bờ “ngủ đông”

Tam Quang (Núi Thành) - cảng cá chỉ định duy nhất trên địa bàn tỉnh những ngày này im vắng. Bà Ngô Thị Thục (thôn An Hải Đông) cho biết, năm nay đã gần 70 tuổi, sống bằng nghề đẩy cá thuê.

Thời gian qua không có tàu nào cập cảng bán hải sản, vì vậy nguồn thu nhập cũng giảm sút. “Nếu gió lặng, biển êm thì mới có tàu lớn đi khai thác hải sản trở lại.

Ở vụ cá nam, 11 cơ sở thu mua hải sản ở cảng cá Tam Quang lúc nào cũng tất bật. Nay cảng cá vắng bóng người. Ông Phan Đình Châu - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá & quản lý cảng cá (Sở NN&PTNT) cho biết, trong tháng 12 có 82 lượt tàu thuyền cập cảng cá Tam Quang với lượng hải sản lên cảng chỉ 85 tấn. Trong số đó, Quảng Nam có 18 tàu thuyền cập với lượng hải sản lên cảng là 62 tấn, chủ yếu là thuyền nhỏ đánh bắt hải sản ven bờ.

cc3.jpg
Tàu cá của ngư dân Nguyễn Thanh Vương đang nằm bờ do biển động. Ảnh: Q.VIỆT

“Mùa này tàu cá sản xuất xa bờ ngủ đông. Tàu câu mực khơi cuối cùng của ngư dân cũng đã cập cảng trước đó. Các tàu lưới vây, lưới chụp sẽ đi biển trở lại khi gió êm, thời điểm đó có thể là tháng Chạp âm lịch” - ông Châu nói.

Ngư dân Nguyễn Thanh Vương (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang) - chủ 2 tàu lưới vây QNa-91945 và QNa-91054 cùng công suất 718CV những ngày này ngóng biển êm để ra khơi.

“Cuối tháng Chạp tôi và 20 bạn biển sẽ đi chuyến biển xuyên tết. Năm nào tôi cũng thực hiện chuyến biển như vậy. Cá đầy tàu, các bạn biển háo hức lắm. Ngư dân chúng tôi xác định biển là nhà nên ngày tết trên biển cũng không buồn bã gì. Mình giữ biển mà” - anh Vương nói.

Thất thu nghề cá ven bờ

Mùa biển động, ngư dân quan tâm nhiều nhất là dự báo thời tiết. Ông Huỳnh Tấn Anh (thôn Long Thạnh, xã Tam Tiến, Núi Thành) - chủ tàu cá QNa-00236 công suất 33CV nói, không đi đánh bắt hải sản được, ở nhà dù loay hoay thế nào cũng phải mở đài nghe biển êm là gấp gáp chuẩn bị đi biển.

cc2.jpg
Tàu cá không đi biển, ngư dân và gia đình cặm cụi vá lưới. Ảnh: Q.VIỆT

Từ tháng 10 đến nay, ông Anh chỉ thực hiện được vài chuyến biển cách bờ hơn 10 hải lý với nghề lưới rê nổi. Nhớ lại chuyến biển cuối tháng 11 vừa qua, đánh bắt được 3 tạ cá nhám, cá dũa, cá ngừ, cá cờ, ông Anh và 3 bạn biển mừng khôn tả, ghé cảng cá Tam Quang bán được gần 20 triệu đồng.

“Chuyến biển 3 ngày chi phí chỉ 3 triệu đồng. Số tiền dư nhiều anh em chia đều, tôi thêm phần vì là chủ phương tiện. Vậy mà từ đó đến nay chỉ đi được 2 chuyến nữa mà cá lại ít ỏi” - ông Anh nói.

Ông Nguyễn Xuân Uy - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến cho biết, từ đầu vụ cá bắc đến nay, sản lượng hải sản ngư dân khai thác được không nhiều, chủ yếu là do biển động không thể sản xuất.

Khác với nghề đánh bắt hải sản xa bờ, cá, mực có thể bị hao hụt do dài ngày trên biển xa, sản phẩm của nghề cá ven bờ có giá trị kinh tế lớn do tươi và ngon.

Chỉ cần thời tiết thuận lợi, ngư dân đi biển ven bờ sẽ đạt giá trị kinh tế khá. Với nghề cá nhỏ, chỉ cần ngư dân đảm bảo an toàn trong sản xuất và bảo vệ nguồn lợi, đừng khai thác kiểu hủy diệt là ổn.

Ông Trần Văn Siêm - Chủ tịch UBND xã Duy Hải (Duy Xuyên) cho biết, 2 nghề cá sản xuất ven bờ đạt trên địa bàn thời gian qua là lưới cá trích và lờ mực lá. Khi trời yên biển lặng, ngư dân các nghề này có thể thu được hàng triệu đồng chỉ sau một đêm đánh bắt hải sản tới sáng. Thậm chí các đầu nậu trên địa bàn chờ phương tiện lờ mực lá và lưới cá trích về bến cá An Lương (xã Duy Hải) là tranh nhau mua.

“Vụ cá bắc, ngư dân phụ thuộc vào thời tiết, biển êm là ra khơi. Chính quyền xã phân công cán bộ phụ trách thủy sản thường xuyên trực bên máy liên lạc để nhận các cuộc gọi của ngư dân. Hễ trên biển có tình huống xấu do thời tiết biến động lập tức phối hợp với các cơ quan để hỗ trợ vì an toàn của ngư dân” - ông Siêm nói.

NGUYỄN QUANG