Giảm nghèo - An sinh

"Đông ấm" về rẻo cao Trà Vinh

MẾN NGUYỄN 27/12/2024 12:20

Hội những người yêu thiện nguyện Điện Bàn vừa tổ chức chương trình “Đông ấm đại ngàn” tại ngôi làng bị chồng lấn địa giới hành chính thôn 3B xã Trà Vinh, Nam Trà My nhằm sẻ chia yêu thương với người dân vùng cao.

z6165529565508_95f5bfcf3abaf70e7239a78760332cfe.jpg
Những đoạn đường sình lầy sạt lở đã vắt kiệt sức các thành viên. ẢNH : MẾN NGUYỄN

San sẻ yêu thương

Xuất phát từ thị xã Điện Bàn lúc 3 giờ sáng, đoàn thiện nguyện băng qua những cung đường đèo núi hẹp lởm chởm đất đá, sương mù dày đặc trên con đường dẫn đến xã Trà Vinh.

Có những đoạn điện thoại mất sóng, cộng với trời mưa to nên nhiều thành viên bị lạc hướng, cả đoàn phải đứng lại chờ. Khi đến trung tâm xã Trà Vinh, đoàn thiện nguyện tiếp tục cùng người dân thôn 3B đi bộ trung chuyển hàng hóa băng rừng già để đến làng.

z6165495249041_b53d707c8bbc6c582dee0547dda2250c.jpg
Những chiếc áo ấm mùa đông được trao cho trẻ em trong làng. ẢNH: MẾN NGUYỄN

Chị Trần Thị Lâm- Phó Chủ nhiệm Hội những người yêu thiện nguyện Điện Bàn chia sẻ: “Chuyến đi không hề dễ dàng, đường lên thôn 3B quá khó khăn, sình lầy, chưa kể vắt rừng. Gần 10 giờ di chuyển tính tổng thời gian đi xe máy và cả đi bộ liên tục, đến qua trưa 22 tình nguyện viên mới đến nơi”.

Thôn 3B, xã Trà Vinh có địa giới hành chính chồng lấn với xã Đắc Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Từ bao đời nay vùng rẻo 3B nằm biệt lập với bên ngoài, cuộc sống của đồng bào chủ yếu tự cung tự cấp.

z6165526842128_155319c31420a4c0d659118f84cb2c78.jpg
Những tô cà ri nóng hổi phục vụ các em bé vùng cao. ẢNH : MẾN NGUYỄN

Hạ tầng cơ sở vật chất chưa được đầu tư nhiều nên nơi đây không có đường bê tông, điện lưới quốc gia, sóng điện thoại wifi. Cả làng có 130 hộ dân, đều là đồng bào Ca Dong.

Cô Hồ Thị Ươn - giáo viên lớp mầm non tại điểm trường 3B cho biết: “Do địa thế nằm ở sâu trong rừng già nên vào mùa đông thôn 3B rất lạnh, nhiều trẻ em mặc không đủ ấm.

Khi biết được có đoàn thiện nguyện đến trao quà, các em vui lắm và có mặt từ rất sớm… Mùa đông này, nhóm thiện nguyện Điện Bàn cũng là đoàn đầu tiên đặt chân lên tận làng để tặng quà cho bà con, cảm ơn tấm lòng của các bạn đã san sẻ yêu thương”.

z6165497600747_cee1d83bc9bf67da7b402b496535fd2a.jpg
Đoàn rất hạnh phúc khi trao đi yêu thương. ẢNH: MẾN NGUYỄN

Cho đi là hạnh phúc

Chị Nguyễn Thị Diệu - thành viên tham gia chương trình chia sẻ: “Hành trình thiện nguyện này không đơn thuần chỉ là trao những phần quà cho người dân vùng cao. Xa hơn, đó là sự kết nối của những người có chung tấm lòng, với tâm nguyện cho đi là hạnh phúc”.

Với những người yêu thiện nguyện Điện Bàn, hạnh phúc chính là được cho đi. Chính vì những lẽ bình thường ấy nên dù trời mưa rét liên tiếp 2 tuần, họ vẫn quyết tâm thực hiện chuyến đi theo đúng dự định ban đầu. Mọi người ai cũng cố gắng hết mình, từ tình nguyện viên tham gia chuyến đi, đến những người trực tiếp bán bánh kẹo, quay số lô tô để gây quỹ.

Đồng thời nhóm kêu gọi những tấm lòng nhân ái ủng hộ tiền mặt cùng rất nhiều hiện vật đồ dùng học tập, cặp sách, giày, dép, áo quần, chăn ấm để thực hiện chương trình.

Theo đó, đoàn đã tặng 50 phần quà đến dân làng, thầy cô điểm trường trị giá 15 triệu đồng; tặng 200 phần quà trị giá 40 triệu đồng gồm áo ấm mới, bánh kẹo, sữa, giày dép… cho toàn bộ học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12…

Ngoài ra, nhóm còn nấu bữa ăn có thịt cho gần 400 người dân trong thôn, giao lưu văn nghệ lửa trại. Tổng giá trị trao quà gần 60 triệu đồng kể cả hiện vật.

“Hy vọng thời gian đến, Hội những người yêu thiện nguyện Điện Bàn sẽ nhận được sự tin tưởng và ủng hộ từ nhà hảo tâm, các bạn tình nguyện viên để các chương trình sau diễn ra thành công hơn, đem đến sự kết nối, sẻ chia với nhiều mảnh đời còn khó khăn trong cuộc sống” - chị Trần Thị Lâm chia sẻ.

MẾN NGUYỄN