Bí ẩn dưới chân đèo Le
Liệu dưới chân con đèo vắt giữa Nông Sơn và Quế Sơn có từng tồn tại những lò gốm cổ? Câu chuyện được lần giở từ nhà sưu tầm và bảo tồn cổ vật nổi tiếng - Lâm Dũ Xênh.
1. Mới đây, cơ duyên khiến tôi được gặp mặt và trò chuyện cùng anh Lâm Dũ Xênh - nhà sưu tầm và bảo tồn cổ vật nổi tiếng không chỉ của Quảng Nam, mà cả ở trong và ngoài nước.
Sách báo viết về Lâm Dũ Xênh dành cho anh quá nhiều mỹ danh, từ nhà sưu tầm cổ vật số 1 cho đến người lưu giữ và bảo tồn cổ vật ngàn năm... Khu vườn nhà anh ở thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) trở thành bảo tàng tư nhân với 4 dãy nhà chứa hàng ngàn, thậm chí cả vạn cổ vật đủ các kích cỡ, kiểu dáng.
Hiện vật nhỏ thì có đá mã não, trang sức bằng vàng thuộc văn hóa Sa Huỳnh, các loại tiền cổ. Lớn thì có mỏ neo bằng gỗ lim nặng cỡ vài tạ, hay cả xác con thuyền đắm có tuổi vài trăm năm.
Đủ các kiểu hình cổ vật, từ chén ly, chum ché đời Đường, đời Minh đến vũ khí đồ đồng thời Đông Sơn, tượng thú, tượng phồn thực linga, yoni và các linh thần thuộc văn hóa Champa. Chỉ nhìn ngắm và đi trọn một vòng thôi cũng đã… hoa mắt.
Sau khi ghé thăm, anh và tôi cùng ra quán trà nhỏ. Quán trà này cũng được décor (thiết kế/phối cảnh...) theo lối cổ, có vài tủ kính nhỏ trưng bày các loại chén dĩa xưa.
Nhìn vào một chiếc tủ, tôi thấy lô chén dĩa có màu trắng viền xanh hoặc gần với lam khói, hoa văn vẽ hình cây cối, đường kỷ hà. Tôi nói với anh rằng, năm 1975, gia đình tôi từ Đà Nẵng hồi cư về Quảng Trị từng có những lô chén dĩa kiểu dáng y hệt. Nhưng người lớn thường cất kỹ, chỉ khi giỗ chạp hay ngày tết mới mang ra dùng.
Cách đây ít phút thôi, tôi cũng thấy đường vào vườn nhà anh Lâm Dũ Xênh, ở trụ cổng xây cất theo lối cổ cũng có gắn những chiếc dĩa chén như vậy.
Nghe tôi kể, anh Lâm Dũ Xênh chăm chú hỏi tôi có biết nguồn gốc những chén dĩa này. Tôi trả lời: “Trước đây nghe nói các sản phẩm đó xuất xứ từ Trung Quốc, sau này có nơi bắt chước làm như ở Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương”.
Nghe vậy, Lâm Dũ Xênh gật: “Nói vậy cũng đúng mà chưa đúng. Nó xuất xứ từ Trung Quốc nhưng sau này ở ta đã làm được. Ở duyên hải miền Trung, hầu như những đồ gốm này được sản xuất ở các lò gốm dưới chân Đèo Le, huyện Quế Sơn”.
Đèo Le, mới nghe tôi đã giật mình. Con đường tỉnh lộ 611 băng qua con đèo này tôi đã nhiều lần qua lại. Bạn bè ở Quế Sơn, Nông Sơn cũng nhiều mà chưa bao giờ nghe nói ở đó sản xuất đồ gốm sứ.
2. Nhấp ngụm trà gừng trong chiều đông cuối năm, anh Lâm Dũ Xênh kể lại câu chuyện lần tìm những lò gốm này mới thấy cuộc hạnh ngộ thật thú vị.
Nguyên do bắt đầu từ đôi ba năm trước, anh có mời một người thợ chạm khắc quê Quảng Nam vào phục dựng ngôi nhà cổ mà anh mới cất công tìm được. Trong lúc rảnh rỗi, người thợ chạm khắc ấy kể với anh Lâm Dũ Xênh về câu chuyện anh nghe được từ các cụ, các ông.
Rằng ngày xưa, dưới chân đèo Le quê anh có lò gốm chuyên làm các loại chén dĩa mà Lâm Dũ Xênh dùng để ốp trang trí trụ cổng. Nghe chuyện hay quá, Lâm Dũ Xênh đã lần tìm về Quảng Nam và phát hiện đó là câu chuyện có thật.
Anh cẩn thận mở tủ kính lấy ra vài chiếc chén dĩa rồi kể tiếp. Chuyến đầu tiên anh tự đi, đến đèo Le thì rẽ về phía đập An Trạch chừng vài kilomet, vạch cây rừng đào xuống cạn thôi đã gặp các mảnh gốm sứ. Anh mừng vì đã phát hiện ra dấu vết.
Nhưng mừng hơn là thông tin này được hai nhà nghiên cứu nổi tiếng biết đến. Đó là PGS-TS. Bùi Minh Trí - Viện trưởng Viện Khảo cổ kinh thành và TS.Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á. Cả hai người liên hệ với anh Lâm Dũ Xênh. Họ lặng lẽ làm thêm các chuyến điền dã.
Kết quả thu được là chắc chắn có những lò gốm tại đây, chuyên làm đồ gia dụng chén dĩa có hoa văn màu xanh. Anh Lâm Dũ Xênh kể: “Chuyến đi đầu tiên tôi còn nhìn thấy hình hài lò gốm nằm theo triền đồi, ở độ cao chừng vài chục mét, ngang cũng vài chục mét. Nó độc đáo ở chỗ các lò gạch ở nhiều địa phương là lò nằm còn ở đây là lò nghiêng, nghiêng vài mươi độ theo triền đồi”.
Anh còn giải thích thêm rằng, lò gốm ở đây rất thuận tiện bởi đất giàu cao lanh, có rừng núi cấp nguyên liệu đốt, có nước để làm xương gốm. Ngoài ra, ngày xưa giao thông khó khăn thì đã có sông Thu Bồn, các loại đồ gốm gia dụng theo sông này về phố cổ Hội An, từ đó tỏa ra các địa phương khác ở duyên hải miền Trung.
Lâm Dũ Xênh nói, anh đã tìm hiểu và biết chủ nhân đầu tiên của các lò gốm ở đây là người Hoa di cư sang nên người dân địa phương gọi họ là Khách trú. Sau vài đời thì đã Việt hóa hoàn toàn và người ta cũng quên dần tên gọi mặt hàng chén dĩa này là chén dĩa Khách trú.
3. Cầm từng loại chén dĩa trên tay, anh Lâm Dũ Xênh nói, mặt hàng gia dụng này có vẻ đẹp rất mộc mạc. Người ta dựa vào hình vẽ hoa văn trên chén mà gọi thành tên. Có chiếc chén vẽ rối vì trên thân có những hoa văn kỷ hà móc vào nhau.
Có chén gọi tên là cây chuối vì có hình cây chuối, chén phật thủ vì có hình quả phật thủ. Ngày xưa, hầu như gia đình nào cũng có loại chén dĩa này để dùng trong các dịp tết, giỗ chạp. Thức ăn bày biện trên các loại chén dĩa này nhìn rất bắt mắt và sống động.
Tôi chợt hỏi anh, đã có những thông tin thú vị vậy sao không công bố hoặc cung cấp cho các ngành liên quan cùng phối hợp nghiên cứu? Anh Lâm Dũ Xênh nói: “Anh Trí và anh Việt đã ghi chép rất nhiều, chụp rất nhiều ảnh và đã có dự định tổ chức hội thảo khoa học. Nhưng ngay lúc đó thì dịch COVID–19 ập đến đành phải trì hoãn. Mới đây tôi cũng có liên lạc, ướm hỏi thì các anh bảo sẽ tổ chức trong thời điểm nào đó thích hợp”.
Vậy liệu rằng từng có những lò gốm cổ chuyên sản xuất mặt hàng chén dĩa Khách trú từng tồn tại dưới chân đèo Le? Trăm năm đi qua, những lò gốm vẫn còn vết tích và còn trong ký ức các bậc cao niên.
Cầm những chén dĩa có thể được xem là cổ, liên tưởng đến các vật phẩm từ gốm sứ tôi vẫn nhìn thấy người dân bày biện trong dịp lễ tết, lòng thoáng chút rưng rưng.
Có lẽ rằng, dưới chân đèo Le, địa danh khá nổi tiếng ở tỉnh Quảng Nam, vẫn còn có những điều bí ẩn chưa được khám phá. Như những lò gốm và đồ gốm gia dụng mà anh Lâm Dũ Xênh tình cờ phát hiện. Chúng có từ khi nào, tên tuổi những chủ nhân lò gốm ngày ấy là những ai, rồi thời sản xuất và hưng thịnh diễn ra bao lâu, đến khi nào và vì sao tàn lụi?
Biết bao nhiêu câu hỏi chưa có câu trả lời. Chợt ước rằng, thông tin điền dã này gây chú ý với ngành văn hóa và địa phương. Và các bên liên quan sẽ tính đến việc phối hợp nghiên cứu, phục dựng những lò gốm này? Có khi những thông tin ấy sẽ giúp nơi đây trở thành điểm du lịch hấp dẫn của vùng tây xứ Quảng.
Chưa kể, mặt hàng gốm sứ gia dụng đang có xu hướng “lên ngôi” trở lại, người ta có quyền mơ những kiểu chén dĩa như vầy sẽ được người tiêu dùng chọn lựa. Bởi ngoài công năng, những vật phẩm này còn phảng phất bóng hình xưa cũ của tiền nhân, trong một giai đoạn lịch sử đã sương mờ bao phủ...