Góc suy ngẫm

Ngày đông, trông ra biển…

LÊ NGA 29/12/2024 07:45

Mưa lạnh phập phù kéo dài suốt nhiều ngày qua, lại nghe biển động mà trông nhiều bề. Những cái nghề mưu sinh với biển vẫn hoài nỗi lo toan…

Người Quảng, xưa đến nay thường chỉ bày, truyền dạy cách sinh kế gắn bó với 4 trục cảnh quan chủ yếu là “núi đồng sông biển rành rành từ lâu”. Nhưng ở đâu thì vẫn phụ thuộc biển nhiều hơn, bởi trong ẩm thực của người Quảng, ít ra muối và mắm luôn là thứ cần từ vùng Đông sang Tây, từ biển lên đồng.

Một dấu hiệu dễ nhận diện người Quảng là thích ăn mắm cái được chượp ướp từ cá biển, ngon là cá biển ngang, hầu như vùng biển nào cũng có làm mắm. Mắm được làm bởi đủ loại cá cơm, nục, lầm, kình, bánh đường…

Và mắm đối với người Quảng thuở nhà ai còn nghèo rất quý, như “hũ mắm treo đầu giàn” thường để dành cho những ngày mưa gió mới đem ra dùng.

Nhưng trong cái ăn ngày thường bây giờ, người Quảng vẫn dùng mắm, tuy được chế biến, gia vị nhiều loại. Mắm cái được chế biến thành mắm nêm chấm thịt bò tái, thịt heo luộc cuốn bánh tráng. Mắm nêm cũng dùng để pha chế thứ nước chấm rất ngon ở các quán bán bánh tráng chập, ngon có tiếng như ở Cẩm Nam, Hội An.

Có nhà văn từng nhận xét chén mắm là trung tâm mâm cơm của người Việt; ở Quảng cũng vậy, chén mắm nằm giữa mâm cỗ cúng, giữa bữa cơm đời thường trong gia đình, dùng chung cho mọi người (rất bình đẳng).

Người Quảng thèm mắm, nên mới tỉ tê “dụ em”: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Thấy em kho mắm luộc rau anh thèm”. Hoặc nói thẳng tuột ra cái thèm, cái thương: “Thương em vì cá trích ve/ Vì rau muống luộc, vì mè trộn măng”…

Không chỉ mắm, biển còn cho người Quảng nhiều loại đặc sản. Ngon đến như cá thu, khiến người ở đồng cũng không cưỡng nổi mà gả con về biển “cha mẹ ham ăn cá thu/ gả con xuống biển mù mù tăm tăm”; hoặc có tình duyên gắn kết nhiều đời vẫn mời gọi “Rủ nhau xuống bể mò cua/ đem về nấu với me chua trên rừng…”.

Tản mạn vài đoạn như thế để nói về biển từ xưa đã là mối quan tâm thường xuyên trong đời sống, từ thức quà đến cả duyên nợ cuộc đời. Nhưng đời biển cũng đã nhiều đổi thay.

Dọc ven bờ biển Quảng Nam hôm nay là những khu công nghiệp, và doanh nghiệp du lịch lớn vào cắm chân. Không phủ nhận những đóng góp nhiều của hoạt động công nghiệp và du lịch vào ngân sách, đồng thời tác động sâu sắc thay đổi hạ tầng, nâng cao thu nhập người dân khi tham gia làm dịch vụ. Song, phía xa mù là nghề đi biển với những làng chài, làng nghề dần thu hẹp.

Chuyển biến căn bản là dẹp dần những tàu khai thác ven bờ công suất nhỏ, để sắm tàu to. Đã có hàng nghìn con tàu được cải hoán và đóng mới, rất nhiều tàu nâng công suất lên 90CV, thậm chí cả trăm tàu đến 400CV để vươn khơi xa, đánh bắt hiệu quả.

Tuy vậy, chuyện lạ mà quen là nhiều tàu vẫn chưa thoát hẳn được hoàn cảnh nghề “cá nước chim trời” vì phụ thuộc thời tiết và công nghệ khai thác, chế biến. Do thế, không thể đi biển quanh năm và nhất là khi gặp thời tiết xấu thì tàu phải nằm bờ. Như những ngày qua, biển động, nhiều tàu xa bờ cũng phải “ngủ đông”.

Đứng bờ trông ra, không chỉ là nghề cá, mà còn là dịch vụ, nhà hàng thủy hải sản sống theo mùa biển. Tôi vừa có chuyến ngang về An Lương, nhớ cái quán bán hải sản, với gỏi cá, lẩu thập cẩm, cua ghẹ cực tươi ngon dưới cầu Cửa Đại không xa nhưng qua mấy cơn gió đã dỡ nhà đi đâu mất? Tiếc và nhớ món tôm tít, vớt lên còn giãy rần rật, hấp ngọt lừ mà chừ biệt tăm cùng với quán đó rồi!

Mỗi khi biển động, gió trở bấc, người ở bờ cũng thao thức đứng ngồi vì nỗi lo năm hết tết đến mà cái nồi còn vơi vơi...

LÊ NGA