Theo bước chân người Quảng

Về vùng đất thiêng Ngũ xã Trà Kiệu

NGUYỄN ĐĂNG HẢI 28/12/2024 15:37

Người dân xã Duy Trung, một phần của xã Duy Sơn và các xã Duy Trinh, Duy Châu huyện Duy Xuyên, tự hào vì đang sinh sống trên vùng đất Ngũ xã Trà Kiệu xưa. Đây được xem như vùng đất thiêng, có vai trò quan trọng trong tiến trình mở cõi về phương Nam của Đại Việt.

a-1-.jpg
Đình làng Ngũ xã Trà Kiệu. Ảnh: V.S

Trà Kiệu xã

Theo những văn bản Hán - Nôm còn được lưu giữ ở các tộc họ tiền hiền Trà Kiệu, từ thời Hồng Đức (1470 - 1497), chư vị thủy tổ các tộc họ (gồm 13 vị) được lệnh dời đến đất Chiêm Thành. Họ kiến lập canh tác, khai thác và lập thành xã hiệu là Trà Kiệu, thuộc huyện Hy Giang, phủ Thăng Hoa.

Về sau, 13 vị khai canh tiền hiền được ân điển ban phong tước bá, được lập bài vị phụng thờ tại nhà thờ Ngũ xã trà Kiệu - là các tộc họ tiền hiền Trà Kiệu.

Hơn 2 thế kỷ sau khi các vị Thủy tổ tiền hiền khai cơ dựng nghiệp, nhằm ghi nhận công đức của tiền nhân, vào đời vua Lê Hi Tông niên hiệu Chánh Hòa (năm 1680), các tộc họ ở Trà Kiệu đã dựng nên nhà thờ tiền hiền Trà Kiệu.

Vị trí được chọn cách kinh đô Trà Kiệu xưa khoảng hơn 50 mét về phía Đông Nam. Nhà thờ để thờ phụng các vị tiền hiền, hậu hiền và liệt tổ; đồng thời xây dựng một ngôi đình bên cạnh để thờ riêng các vị văn thần, võ chức cũng như các thần linh…

Cạnh đó còn xây dựng một ngôi chùa để con cháu các chư tộc có nơi cầu kinh, niệm Phật, tu dưỡng đạo đức. Ngôi chùa Trà Kiệu này vẫn còn tồn tại đến nay và đang tiếp tục được gìn giữ, đề cao văn hóa tâm linh của dân tộc.

Có lẽ, từ bề dày lịch sử này, chùa Trà Kiệu có 340 năm tuổi nên xứng đáng được xếp hạng là di tích lịch sử. Cũng trong thời kỳ đó, Hiếu Văn Hoàng hậu cho xây một ngôi chùa gọi là Bửu Châu Tự trên đỉnh núi Non Trượt.

Đến đời Minh Mạng thứ 5 (1824) ngôi chùa này bị dời. Sau này, nhà thờ Đức Mẹ Trà Kiệu được xây dựng trên đỉnh Non Trượt với câu chuyện mang đậm màu sắc tâm linh tôn giáo…

Dưới thời vua Khải Định, tổng cộng ruộng đất các vị tiền hiền, hậu hiền Trà Kiệu xã đã khai khẩn lên đến 1.525 mẫu. Địa giới hành chính Trà Kiệu lúc bấy giờ rất rộng lớn: phía Nam trùm núi Hòn Tàu (Duy Sơn), phía Bắc đạp sông Chợ Củi (Câu Lâu), phía Đông giáp huyện Quế Sơn và phía Tây gối núi Dương Thông (Tây Duy Xuyên). Vì thế Trà Kiệu xã được xem là đơn vị hành chính cấp cơ sở lớn nhất Quảng Nam với danh xưng: Quảng Nam tam đại xã (Nhất Trà Kiệu, nhì La Qua, ba Tú Tràng)

Viết tiếp truyền thống quê hương

Kế thừa truyền thống của tổ tiên, trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và thời hòa bình, nhân dân Ngũ xã Trà Kiệu đã viết tiếp trang sử hào hùng của quê hương.

Nơi đây luôn đóng vai trò tiên phong trong các phong trào cách mạng từ các cuộc vận động chính trị, phát triển văn hóa, xây dựng kinh tế...

Nhân dân các xã Duy Sơn và Duy Trung đã kiên cường chiến đấu và được tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Nhiều người con Ngũ xã đã đạt được những học hàm, học vị cao, giữ các chức vị quan trọng trong nhiều đơn vị, ban ngành.

Đặc biệt trong thời bình, nhân dân Duy Sơn II được xem là “Cánh chim đầu đàn” của phong trào xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp và làm thủy điện nông thôn cả nước. Đơn vị này đã nhận danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Hiện nay, Duy Sơn là một trong những xã đầu tiên của tỉnh Quảng Nam đạt chuẩn Nông thôn mới.

Trên mảnh đất Duy Xuyên, cùng những điểm du lịch nổi tiếng như Trà Kiệu hay Mỹ Sơn, thì xây dựng điểm đến du lịch Ngũ xã Trà Kiệu là việc cần thiết.

Bởi tại đây có Lễ hội Thánh Mẫu Trà Kiệu, trước đây từng biết đến có câu “Thứ nhất La Vang, thứ nhì Trà Kiệu”. Vào dịp Đại hội Thánh Mẫu hàng năm, có hàng vạn người về hành hương.

Ngoài ra, cần xây dựng xóm (làng) Hoàn Châu thuộc thôn Trà Châu xã Duy Sơn thành Làng Di sản: Xóm Hoàn Châu chỉ vỏn vẹn chưa đầy 1 cây số vuông nhưng có nhiều Di tích cấp Quốc gia như Nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu, Thành Nam Trà Kiệu, lăng mộ Mạc Thống Thủ, tương lai sẽ có Chùa Trà Kiệu (Thanh Tịnh) và nhiều công trình khác nữa được xếp hạng di tích.

Điều quan trọng hiện này cần xây dựng nếp sống văn hóa của người dân trong làng di sản. Từ nhà cửa đến nếp sống, sinh hoạt để giữ gìn và tô bồi giá trị văn hoá của di sản, tạo nên nét đặc trưng riêng có của một vùng quê di sản.

Thiết nghĩ, Duy Xuyên cần phát huy những điểm du lịch đã có như Khu di tích cấp quốc gia Đặc Khu ủy Quảng Đà tại Hòn Tàu, đồng sen Trà Lý, Thủy điện Duy Sơn. Cạnh đó, đầu từ xây dựng thôn du lịch sinh thái Trà Kiệu Tây với các đồng sen và thung lũng hoa, làng nghề, bờ xe nước, vườn mít xóm Gò, nơi câu cá, khu cắm trại… Những điểm đến mới lạ này hứa hẹn sẽ thu hút du khách thập phương tìm về...

NGUYỄN ĐĂNG HẢI