Cần xóa “điểm đen” tại ngã tư Ái Nghĩa
(QNO) - Khu vực ngã tư Ái Nghĩa (thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc) lại xảy ra tai nạn giao thông. Đã đến lúc, các ngành chức năng và địa phương, đơn vị liên quan vào cuộc tìm giải pháp để xóa “điểm đen” này.
Phức tạp khó lường
Ngày 17/12/2024, Báo Quảng Nam đã đăng tải bài viết “Nguy hiểm rình rập ở ngã tư Ái Nghĩa” phản ánh thực trạng giao thông diễn ra lộn xộn, nguy cơ cao tai nạn giao thông (TNGT) tại nơi giao nhau giữa 2 tuyến ĐT609 và ĐT609B (giao nhau giữa 3 đường nội thị Ái Nghĩa: Hùng Vương - Đỗ Đăng Tuyển - Quang Trung). Đến chiều tối 27/12, khu vực này lại tái diễn TNGT giữa xe tải với người đi xe máy.
Một người dân cho biết, chỉ khoảng 4 tháng qua, ngã tư Ái Nghĩa đã xảy ra 4 vụ TNGT liên quan đến xe tải và xe máy, trong đó có 1 người chết tại chỗ, 2 người tử vong tại bệnh viện, 1 trường hợp bị thương. Các loại xe tải, xe chở container qua ngã tư Ái Nghĩa ngày thường khá đông đúc, vì địa bàn Đại Lộc có nhiều mỏ vật liệu, nhà máy, xí nghiệp.
[VIDEO] - Gia tăng phương tiện ô tô, nhất là ô tô tải qua ngã tư Ái Nghĩa:
Lưu lượng xe qua đây càng gia tăng khi người dân từ Nông Sơn, Duy Xuyên ra Đà Nẵng, qua Đại Lộc để làm việc hoặc khám chữa bệnh. Ô tô du lịch chở khách từ Đà Nẵng vào Duy Xuyên, Nông Sơn cũng chọn hướng tuyến này di chuyển qua cầu Giao Thủy...
Báo Quảng Nam từng phản ánh, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe chở quặng (xe trên 5 trục, tổng trọng lượng khoảng 48 tấn) từ Cửa khẩu quốc tế Nam Giang xuống quốc lộ 14B, đến ngã tư Ái Nghĩa rẽ trái xuống ĐT609 để nhập quốc lộ 1, rồi đi vào cảng Chu Lai (Núi Thành). Hiện đơn vị quản lý cấm ô tô để sửa chữa cầu Câu Lâu mới, vì thế rất đông ô tô, kể cả ô tô tải nặng, xe chở container, xe khách 30 chỗ ngồi trở lên cũng qua ngã tư Ái Nghĩa khiến tình hình càng thêm phức tạp.
Cần xóa “điểm đen”
Một tiểu thương chợ Ái Nghĩa cho biết, bà phải chờ đến 7 giờ tối, lúc đó xe cộ qua lại ngã tư Ái Nghĩa ít hơn mới dám đi về. Nếu không, bà phải đi đường vòng để tránh qua ngã tư này.
Tương tự, theo một thợ sửa xe gần đó, nhiều tài xế xe tải khi đến ngã tư Ái Nghĩa nhìn thấy đèn vàng vừa bật lên đã không dừng lại theo quy định mà phóng xe vù qua. Không ít trường hợp, lái xe tải đang chạy thấy đèn xanh chuẩn bị bật lên cũng không giảm tốc độ mà cứ thế vượt lên nhanh.
Chưa kể, ngã tư Ái Nghĩa không để biển báo phụ “Đèn đỏ được rẽ phải”, song rất nhiều người vẫn bất chấp rẽ. Trước thực trạng nêu trên, Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Nam, các ngành chức năng của tỉnh, huyện Đại Lộc cần khẩn trương vào cuộc để kiểm tra, bàn giải pháp để xóa “điểm đen”, thảm nhựa lại mặt bằng hư hỏng.
Hiện nay, xe chở quặng từ quốc lộ 14B, rẽ phải vào tuyến đường ĐH2.ĐL (thẩm quyền quản lý của huyện Đại Lộc), qua ngã tư Hòa Đông, ĐT609B để đến ngã tư Ái Nghĩa rất nhiều. Huyện Đại Lộc cần kiểm tra, xem xét tải trọng xe liệu có đúng tải trọng cho phép của tuyến ĐH2.ĐL, cầu trên tuyến hay không. Nếu vượt thiết kế, cần phải cắm biển báo cấm theo tải trọng xe để đảm bảo tuổi thọ cầu, đường.
[VIDEO] - Bà Phan Thị Kim Nhung (sinh sống gần ngã tư Ái Nghĩa) kiến nghị cần sớm có giải pháp đảm bảo an toàn giao thông:
Về lâu dài, ngành chức năng xem xét phân luồng cho xe chở quặng lưu thông trên quốc lộ 14B, xuống nút giao Túy Loan để lên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, vào cảng Chu Lai. Phương án này sẽ làm giảm áp lực lưu thông qua cầu Hòa Đông, ngã tư Ái Nghĩa.
Khu Quản lý đường bộ III (Cục Đường bộ Việt Nam) cần chỉ đạo chốt phân luồng phục vụ sửa chữa cầu Câu Lâu mới, phải hướng dẫn lái xe tải nặng, xe chở container ngay tại ngã tư Cây Cốc (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình), rẽ trái lên quốc lộ 14E để vào cao tốc. Không để đến ngã ba Nam Phước (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) mới phân luồng lên quốc lộ 14H, qua cầu Giao Thủy, ra ngã tư Ái Nghĩa rồi mới xuống cao tốc.
Một giải pháp nữa là khu vực này nên lắp đặt camera giao thông để kiểm tra, phạt nguội phương tiện vi phạm. Các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương cần đồng hành với lực lượng chức năng, bằng cách cử đoàn viên, hội viên hỗ trợ hướng dẫn, phân luồng tại ngã tư Ái Nghĩa.
Thông tư 26/2012/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định, điểm đen TNGT đường bộ là nơi mà tại đó thường xảy ra TNGT. Tiêu chí xác định “điểm đen” là tình hình TNGT xảy ra trong một năm thuộc một trong các trường hợp sau: 2 vụ TNGT có người chết; 3 vụ TNGT trở lên, trong đó có 1 vụ có người chết; 4 vụ TNGT trở lên, nhưng chỉ có người bị thương.