Môi trường

Giao thông xanh...

LÊ QUÂN 28/12/2024 16:39

Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên của TP.Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành, góp phần giảm tải cho giao thông đô thị lớn bậc nhất cả nước. Kỳ vọng lan tỏa xu hướng di chuyển mới, thân thiện với môi trường đang từng ngày mở ra...

471570258_10162069114363399_2785280188427142514_n.jpg
Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đã chính thức vận hành. Ảnh:P.T.V

Trước đó, hai tuyến metro ở Hà Nội (Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Cầu Giấy) đã được đưa vào khai thác. Theo TS.Nguyễn Ngọc Hiếu - chuyên gia về đô thị, việc phát triển hệ thống tàu điện ngầm (metro) kỳ vọng tạo ra sự chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng dịch vụ hiệu quả, tạo công bằng xã hội, hình thành không gian đô thị bền vững, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn.

Xu hướng giao thông công cộng

Xu hướng di chuyển bằng các loại hình xe điện, giao thông công cộng ngày càng tăng khi ý thức về bảo vệ môi trường đang được nâng lên. Đầu tư chuyển đổi cơ sở hạ tầng xanh, chuyển đổi phương tiện xanh đang được nhiều đô thị quan tâm.

Định nghĩa từ các tổ chức quốc tế, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) là mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm.

Điều này làm tăng khả năng, sự thuận tiện cho người dân khi tiếp cận các điểm trung chuyển, các ga đường sắt đô thị, giảm thiểu nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng và tạo ra các khu đô thị bền vững, thân thiện với môi trường.

Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 876 phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và metan của ngành giao thông vận tải, phát triển giao thông xanh, nhằm đưa phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050.

Chương trình đã đưa ra các giải pháp cụ thể cho 5 chuyên ngành giao thông vận tải quốc gia và giao thông đô thị, bao gồm: Phát triển hệ thống đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, đường sắt quốc gia điện khí hóa, phát triển cảng xanh và lộ trình chuyển đổi phương tiện sang sử dụng điện và năng lượng xanh.

Việc các tuyến metro tại 2 đô thị lớn Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đi vào vận hành là nỗ lực hiện thực hóa về mô hình phát triển đô thị bền vững, đô thị TOD.

Những ngày này, người dân TP.Hồ Chí Minh háo hức đặt chân lên tuyến metro để trải nghiệm cảm giác đi từ Bến Thành đến Suối Tiên chỉ mất chưa đầy 30 phút.

Trước đây, hành trình này phải mất gấp đôi thời gian bởi tình trạng kẹt xe, ùn ứ tại nhiều tuyến đường. Việc chính thức vận hành tuyến metro lần này được đông đảo người dân hưởng ứng, vì cho rằng đây là biện pháp hiệu quả nhất về chống kẹt xe, giảm tai nạn giao thông, tiết kiệm sức khỏe và thời gian đi lại.

Phát triển giao thông xanh

Mới nhất, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, dự kiến trình cấp thẩm quyền ban hành trước năm 2026 đã có những điều khoản cụ thể về phát triển giao thông xanh, giao thông công cộng.

Trong đó, hướng dẫn quy trình kỹ thuật lắp đặt trạm/trụ sạc điện bảo đảm an toàn công trình hiện hữu; các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến hạ tầng công trình giao thông đô thị dành cho phương tiện giao thông xanh cũng được đặt ra.

471375850_616389154292935_2362801871456459712_n.jpg
Nhà ga metro. Ảnh: M.H

Phát triển giao thông xanh là nền tảng quan trọng để xây dựng nền kinh tế xanh. Tại nhiều thành phố lớn, các tuyến xe buýt điện đã được đưa vào sử dụng.

Tại Quảng Nam, tháng 11/2016, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án thí điểm sử dụng xe điện 4 bánh đưa đón khách trong nội thị Hội An. Các phương tiện được đưa vào hoạt động bảo đảm các điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, được đăng ký, đăng kiểm theo quy định và lắp đặt đầy đủ thiết bị giám sát hành trình.

Năm 2023, Quảng Nam cũng đưa ra kế hoạch thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh, theo lộ trình cụ thể.

Ở giai đoạn 2023-2030, Quảng Nam sẽ thúc đẩy chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện; mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Phát triển hạ tầng trạm sạc cho xe điện đáp ứng cơ bản nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; khuyến khích các bến xe, trạm dừng nghỉ trên địa bàn tỉnh chuyển đổi theo tiêu chí xanh.

Sau khi nhiều dòng ô tô điện ra đời với chi phí phải chăng, ngày càng nhiều người dân đô thị lựa chọn, trong đó có cư dân của TP.Tam Kỳ. Tiện lợi, an toàn và tiết kiệm, cộng với tiêu chí bảo vệ môi trường, ô tô điện trở thành phương tiện được các gia đình trẻ ở đô thị ưu tiên.

Nhiều sáng kiến về giao thông xanh đã được một số đô thị vận hành, như khuyến khích di chuyển bằng xe đạp, tham gia các phương tiện công cộng, lựa chọn xe điện... Đây cũng là những nỗ lực để từng bước phát triển giao thông xanh, hướng đến một đô thị bền vững và thân thiện cùng môi trường.

LÊ QUÂN