Băn khoăn chọn một bản Kiều
Truyện Kiều, tất nhiên không xa lạ với bất cứ người Việt nào. Học giả Phạm Quỳnh từng viết: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn.
Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, khi mảng sách đọc bị tác động hỗn loạn, việc tìm đọc được những bản in Truyện Kiều có chất lượng lại đang có vấn đề.
Chị Đoàn Thị Cảnh, cán bộ Phân viện Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam ở TP.Hồ Chí Minh chia sẻ, mới đây, khi đứa con gái chị xin một quyển Truyện Kiều, chị đã tìm kiếm ở các hiệu sách trung tâm thành phố.
“Truyện Kiều, hóa ra thấy vô vàn bản. Bản Đào Duy Anh là tôi có, nhưng cũ quá; bản Kiều Oánh Mậu - Kiều Thu Hoạch giá lại mắc quá. Lại thấy nào các loại bản của Trần Trọng Kim - Bùi Kỷ, An Chi, Nguyễn Quảng Tuân, rồi thêm vài nhân vật nữa mà mình không biết là ai” - chị Cảnh chia sẻ.
Bỗng nhận ra, công sức người phiên âm, chú thích làm văn bản, hình như không được để tâm. Một quyển sách như Truyện Kiều, theo chị Cảnh, cần ghi rõ là bản chữ Nôm nào, ai là người phiên âm chú giải, thì người đọc mới có ý thức đọc sách phải biết là công sức của ai, trí tuệ của ai.
Tâm tư của chị Đoàn Thị Cảnh, thật ra cũng sẽ gặp ở rất nhiều phụ huynh khác, khi vào nhà sách, chọn mua một quyển Truyện Kiều. Cách đây chưa lâu, tôi cũng lục tìm một bản Kiều cần thiết cho tủ sách nhà mình, để con cái trong nhà đọc, mà chọn mãi không biết lấy quyển nào.
Trên kệ nhà sách, những tập Kiều được in ấn sang trọng, bìa dày bìa mỏng, khổ to khổ nhỏ đều đủ, nhưng ghi chú đều không rõ ràng. Người viết chọn mãi, đành lấy bản Truyện Kiều của Nhà xuất bản Văn học, do ông Lê Văn Hòe là người hiệu đính, chủ giải, và bình luận.
Chọn rồi, về đọc, vẫn thấy ngang ngang trong lòng, chưa thoải mái với câu hỏi, thật sự chúng ta cần có một bản Kiều ra sao cho xứng đáng với tầm vóc tác phẩm?
Với 2.381 dòng thơ của Nguyễn Du đều viết bằng chữ Nôm - chữ vay mượn chữ Hán để biểu đạt tiếng Việt, nên để đọc được, không phải ai cũng đủ kiến thức về chữ Hán mà thấu hết.
Những bản chữ Nôm của Truyện Kiều, cũng qua nhiều lần in ấn, nhiều bản tra lục mà có sự khác nhau, “nào bản Kinh, nào bản Phường” như nhiều học giả đã phải tâm sự tư luận. Cho đến nay, sự hiện hữu một bản chữ Nôm thật sự đúng là của Nguyễn Du, vẫn có nhiều tranh luận trong văn đàn.
Vậy thì, từ thứ chữ Nôm như xa lạ với đông đảo người Việt hôm nay, văn tài Nguyễn Du đã phải “giảm xuống một mức” khi thể hiện qua chữ quốc ngữ, phải được một người nào đó hiệu đính, chú giải lại.
Với tình trạng những nhà xuất bản cùng nhau in ấn các bản Kiều đã chú giải qua chữ quốc ngữ, nhưng không ghi rõ người nào đảm nhận việc đó, quả là cần có sự xem xét lại cho kỹ lưỡng.
Trong rất nhiều bản Kiều đã “Latinh hóa”, giới học thuật cũng cần phân định rõ, những bản nào ra sao, nên đặt ở góc cạnh, đối tượng độc giả nào thì phù hợp.
Nhất là với những bản Kiều cho học sinh phổ thông, giới trẻ nhà trường đọc, càng cần phải ghi rõ những người biên tập, hiệu đính, chú giải cho chính xác, vừa để minh bạch độ tin cậy của văn bản đến đâu, vừa tôn trọng quyền lợi, công sức của những người làm công tác học thuật.
“Truyện Kiều còn, tiếng ta còn”. Nhưng nếu “tiếng ta” ấy dùng sai bản gốc, cũng không rõ do công sức của ai mà có, thì như chị Đoàn Thị Cảnh tâm sự, “chúng ta có lỗi với tiền nhân lắm”, khi phải băn khoăn chọn một bản Kiều.