Thăm nóc Ông Quang, nhớ Trà Tak Zút
Theo chủ trương của Ban cán sự đảng và Ủy ban Kháng chiến hành chính Trà My, cuối năm 1947, Trại sản xuất ở La Minh do Phan Quang Trọng chỉ huy, được thành lập, nhằm tự túc một phần lương thực cho cán bộ, bộ đội địa phương. Sau đó, các đồng chí Nguyễn Công Tắc, Nguyễn Lang được phân công phụ trách Trại sản xuất tự túc.
Xây dựng cơ sở đảng
Năm 1948, các đảng viên ở Trại La Minh thành lập Tổ đảng. Do ở gần xã Tam Hiệp, Tổ đảng của Trại La Minh tham gia sinh hoạt trong Chi bộ Hà Huy Tập.
Chi bộ giao nhiệm vụ cho Tổ đảng tuyên truyền xây dựng cơ sở đảng và tổ chức phong trào dạy và học văn hóa cho đồng bào xã Zút. Chi bộ Hà Huy Tập do đồng chí Trần Sỹ Huề - Chi ủy viên, phụ trách công tác tổ chức, giúp Tổ đảng mở lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng cho 10 thanh niên dân tộc ở các nóc Hố Trung, Hố Thượng, Hố Hạ… của xã Zút.
Ngày 12/10/1948, Tỉnh ủy quyết định tách phần đất thuộc 2 tổng của châu Trà My, sáp nhập cùng với 6 xã: Liên Giang, Vinh Quang (huyện Quế Sơn), Song An, Phú Toàn (huyện Tiên Phước), Tráng Sơn và Thăng Phước (huyện Thăng Bình) để thành lập huyện Phước Sơn. Phần đất hình thành huyện Trà My gồm 14 xã là: Trà Tak Zút, Trà Tak Nú, Trà Văn Đốc, Trà Ngok Tập, Trà Tak Riềng, Trà Ngok Tu, Trà Tak Bền, Trà Tak Kót, Trà Tak Pui, Trà Tak Leng, Trà Kiếp Cang, Trà Tak Poa, Trà Tak Rây.
Ngày 28/10/1949, Đảng bộ huyện Trà My được thành lập, tập trung lãnh đạo công tác xây dựng Đảng và tổ chức học tập, quán triệt chính sách dân tộc của Đảng cho cán bộ, đảng viên. Công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số được chú trọng.
Nhiều chi bộ đảng mới được thành lập như Chi bộ Nú, Zút, Kót... Sau thời gian hoạt động lâm thời, tháng 3/1951, Đảng bộ Trà My tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ I tại xã Trà Giang, có 30 đại biểu tham dự; đồng chí Trần Huệ được bầu làm Bí thư Huyện ủy.
Sau Hiệp định Giơnevơ 1954, Huyện ủy Tam Kỳ bị đứt liên lạc với Tỉnh ủy. Đến năm 1955, một số đồng chí lãnh đạo của huyện Tam Kỳ lên Trà My và qua Huyện ủy Trà My, nối lại liên lạc với Tỉnh ủy.
Đầu năm 1956, địch khủng bố gắt gao ở đồng bằng, một trăm cán bộ, đảng viên Tam Kỳ phải lên dựa vào xã Zút và giữa năm đó thì được tập kết ra miền Bắc. Cuối năm 1959, Huyện ủy Tam Kỳ chuyển cơ quan lên vùng giáp ranh Tam Kỳ - Trà My và dựa vào các nóc Hố Thượng, Hố Trung, Đá Rỗ, ông Bin… Từ cứ địa này, Huyện ủy Tam Kỳ rút thanh niên đưa lên xã Zút luyện tập quân sự và tổ chức lực lượng vũ trang của huyện...
Sát cánh cùng phong trào cách mạng
Địch đánh phá ác liệt, Huyện ủy Bình Sơn không thể trụ bám được ở địa phương, phải chuyển cơ quan lên xã Zút. Từ đây cán bộ Huyện ủy Bình Sơn trở về địa phương móc nối xây dựng cơ sở, nắm tình hình và chỉ đạo quần chúng chống địch. Chỉ trong 2 đợt tố cộng, từ tháng 5/1955 đến tháng 7/1956, địch đã bắt hơn 10.000 lượt người của Tam Kỳ vào các trại giam.
Chúng tra hỏi, thanh lọc, phân loại, có đến 247 người bị tra tấn đến chết, giam cầm biệt xứ và thủ tiêu mất xác. Trước tình hình địch khủng bố trắng trợn ở đồng bằng, hàng trăm cán bộ, đảng viên Tam Kỳ, Quảng Nam phải chạy lên núi, dựa vào bà con xã Zút. Đây là thời kỳ ông Quang làm Bí thư xã Zút - Trà Thượng. Từ đó có nóc Ông Quang.
Sau tháng 7/1954, ông Đào Đắc Trinh (Sáu Trinh, Sáu Bạc) được Tỉnh ủy bố trí về làm Bí thư Tiên Phước. Cuối năm 1959, ông là Tỉnh ủy viên phụ trách cánh nam của tỉnh (Trà My, Tiên Phước, Tam Kỳ), đã cùng với Huỳnh Thiện - Bí thư Trà My, tổ chức in truyền đơn chuyển về Tiên Phước.
Sau khi bàn bạc, các ông nhất trí chọn xã Zút đặt cơ sở in truyền đơn, địa điểm là một cái hang đá nằm trong vòm cây, bên con suối Tà Con - là vùng giáp ranh với thôn 4 xã Tam Lãnh, nơi đầu nguồn con sông Tiên. Có ba loại truyền đơn được in là: truyền đơn kêu gọi đồng bào vùng lên đấu tranh chống Mỹ - Diệm; truyền đơn kêu gọi các đảng viên, cơ sở cũ trở lại hoạt động; truyền đơn kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền quay về với nhân dân.
Để có thể chuyển truyền đơn về đến Tiên Phước, các ông lấy ống lồ ô, bỏ truyền đơn vào trong ống, lấy sáp ong khằn lại, hoặc bỏ truyền đơn vào trong bao ny lon thả xuống sông Tiên, trôi qua các thôn 3, thôn 4 xã Tam Lãnh, trôi xuống các xã Tiên Hiệp, Tiên Lộc, Tiên Kỳ và quận lỵ Tiên Phước.
Đồng bào các nơi vớt được truyền đơn, chuyền cho nhau đọc và truyền miệng những nội dung đề cập trong các tờ truyền đơn, qua đó, bà con biết được cách mạng đã xuất hiện. Trong khi đó, ngụy quân, ngụy quyền ở Tiên Phước, Tam Kỳ rất tức giận, vừa lo sợ.
Để chặn đứng một chủ trương lớn của Việt cộng mà bọn chúng đoán già, đoán non, liền cho quân lên xã Zút, bắt tất cả 45 người, trong đó có cả cán bộ, đảng viên về Hội đồng hương chính xã Kỳ Sơn tra hỏi. Trong số bị bắt có ông Năm Tuyền là cán bộ của huyện và một số đảng viên bị đưa xuống giam ở nhà giam Hội An, sau đó đày Côn Đảo.
Những lá truyền đơn xuất hiện một cách bất ngờ ấy là báo hiệu cho việc xuất hiện công khai của cán bộ nằm vùng và cũng là sự chuẩn bị sớm nhất cho “Chiến dịch vượt sông Tiên” sau này. Địa bàn Tiên Phước một thời gian dài bị Quốc dân đảng gây nhiều khó khăn, Sáu Trinh phải dựa vào địa bàn phía tây huyện Thăng Bình và bắc Tam Kỳ để tiếp cận với huyện Tiên Phước.
Thực thi Nghị quyết 15, Liên Khu ủy 5 chọn thôn Tứ Mỹ xã Kỳ Sanh làm một trong những điểm vũ trang tuyên truyền phát động quần chúng nhân dân nổi dậy phá ấp chiến lược, giải phóng nông thôn, giành quyền làm chủ, xây dựng làng chiến đấu chống địch.
Liên Khu ủy 5 thành lập Đảng ủy Mặt trận mang ký hiệu 32A, đưa một tổ công tác xuống đứng ở nóc Ông Quang để trực tiếp chỉ đạo thí điểm phát động quần chúng “đồng khởi”, nhằm rút ra bài học cho toàn Liên khu 5. Huyện Tam Kỳ là một trong các trọng điểm của 4 huyện đồng bằng Quảng Nam, đầu tiên là thôn Tứ Mỹ xã Kỳ Sanh.
Sau năm 1975, sáp nhập xã Trà Tak Zút và Trà Ngươi thành Trà Thượng. Từ đây cái tên Tak Zút biến mất. Năm 1978, do yêu cầu xây dựng công trình Đại thủy nông Phú Ninh, một bộ phận nhân dân xã Kỳ Yên, Kỳ Trà chuyển lên sống với đồng bào xã Zút và lập nên xã Tam Trà, huyện Núi Thành.