Chính trị

Quảng Nam nỗ lực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

HỒ QUÂN 30/12/2024 14:55

(QNO) – Từ sự tăng cường quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách và thanh tra, kiểm tra, nhất là lĩnh vực có nguy cơ cao xảy ra sai phạm, Quảng Nam đã tiết kiệm được khoản kinh phí lớn trong năm 2024. Đây là tiền đề để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiếp tục phát huy hiệu quả, đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra trong thời gian tới.

FLYCAM QUANG NAM 1

Quản lý, sử dụng tài nguyên hiệu quả

Năm 2024, UBND tỉnh đã thu, nộp, quản lý, sử dụng các loại phí liên quan đến tài nguyên thiên nhiên kịp thời vào ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành. Đồng thời xem xét 8 dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng giai đoạn 2016 - 2021 theo Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội.

TIET KIEM 1
Bí thư Tỉnh uỷ Lương Nguyễn Minh Triết kiểm tra việc triển khai các dự án trên địa bàn TP.Tam Kỳ. Ảnh: H.Q

Trong đó, có 4 dự án vẫn chưa triển khai xây dựng để đưa dự án vào hoạt động gồm Công ty TNHH Du lịch Thủy Long (Hội An), Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Thanh Phong (Duy Xuyên), Công ty TNHH Thịnh Thuận (Thăng Bình), Công ty TNHH Xây dựng và Mua bán thiết bị Hùng Hậu (Núi Thành), do đó đã được kiến nghị thu hồi.

Riêng với công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên rừng, UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương và các chủ rừng chủ động thực hiện các giải pháp trọng tâm nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn, chiếm đất rừng, cháy rừng… hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về rừng.

TIET KIEM 2
Công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên rừng được lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Ảnh: H.Q

Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt 4 phương án khai thác tận dụng gỗ rừng tự nhiên trên diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và trên diện tích tạm sử dụng rừng với diện tích khai thác tận dụng gỗ là 15,2ha, tổng sản lượng gỗ, củi 1.683,7m3.

Ngoài ra, UBND tỉnh phê duyệt phương án tác động và phục hồi đối với diện tích rừng tự nhiên bị ảnh hưởng khi làm công trình, dự án với tổng diện tích 3,69ha, tổng khối lượng gỗ, củi là 622m3; thanh lý rừng trồng bị thiệt hại do thiên tai gây ra và tận thu lâm sản với diện tích 53,79ha, tổng khối lượng gỗ là 939,2m3.

tiet-kiem-3(1).jpg
Lực lượng chuyên trách tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: H.Q

Trong năm, lực lượng kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng tổ chức hơn 2.320 đợt tuần tra, truy quét; qua đó đã phát hiện và lập biên bản 179 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước hơn 885 triệu đồng.

Trong năm 2024, tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương đối với các đơn vị dự toán thuộc ngân sách tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố là hơn 375,1 tỷ đồng.

Tiết kiệm 5% dự toán chi thường xuyên năm đối với các đơn vị dự toán thuộc ngân sách tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố gần 91 tỷ đồng.

Trong quá trình thẩm định dự toán, đã cắt giảm các nội dung lập sai chế độ, sai đối tượng, sai tiêu chuẩn, định mức, số tiền hơn 6,7 tỷ đồng.

Các cơ quan, đơn vị đã tiết kiệm do thực hiện cơ chế khoán chi, giao quyền tự chủ với số tiền hơn 48,4 tỷ đồng; tiết kiệm chi quản lý hành chính, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, nghiên cứu khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế... với hơn 36,6 tỷ đồng.

Đối với việc quản lý tài chính đầu tư xây dựng cơ bản, đã tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước gần 459,4 tỷ đồng. Trong đó, tiết kiệm qua công tác thẩm định thiết kế, dự toán gần 35, 9 tỷ đồng; tiết kiệm qua công tác đấu thầu, chào hàng cạnh tranh hơn 400,7 tỷ đồng; tiết kiệm qua công tác thẩm tra phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành hơn 22,7 tỷ đồng.

Thu hồi tài sản sau thanh tra đạt thấp

Theo UBND tỉnh, trong năm 2024, toàn ngành tiến hành 251 cuộc thanh tra hành chính tại 392 đơn vị. Qua đó đã phát hiện sai phạm hơn 37,6 tỷ đồng và hơn 10.601m2 đất; kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước 16.847,3 triệu đồng và 2.523,4m2 đất; kiến nghị chấn chỉnh, giảm trừ giá trị quyết toán, xử lý khác gần 20,9 tỷ đồng và hơn 8.078m2 đất; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm 192 tập thể, 335 cá nhân. Đồng thời chuyển hồ sơ vụ việc cho Công an tỉnh 1 trường hợp; chuyển thông tin vụ việc sang Công an tỉnh 3 trường hợp và Công an huyện Thăng Bình 1 trường hợp để xem xét theo thẩm quyền.

anh doi thoai 1
Hiện nay việc thu hồi tiền, tài sản xử lý sau thanh tra đạt tỷ lệ thấp. Ảnh: N.Đ

Riêng với công tác thanh tra chuyên ngành, đã tiến hành 330 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 831 tổ chức, 928 cá nhân. Qua đó, phát hiện và xử lý 157 tổ chức, 356 cá nhân vi phạm, với tổng số tiền hơn 21,3 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước hơn 20,7 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính hơn 6,6 tỷ; chuyển Công an TP.Tam Kỳ 1 vụ với 3 đối tượng.

Công tác thanh tra, kiểm tra đã góp phần tác động tích cực đến nhận thức, hành động của đơn vị và người đứng đầu các đơn vị về công tác điều hành quản lý tài chính, ngân sách, quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tuy nhiên, tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản xử lý sau thanh tra chưa cao.

SAI PHAM
Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra tại một đơn vị. Ảnh: H.Q

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Kỳ họp thứ 28, HĐND tỉnh khóa X vừa qua, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hà đề nghị HĐND tỉnh tăng cường công tác giám sát, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là thu hồi tiền, tài sản từ các vụ án kinh tế tham nhũng hiện nay đạt tỷ lệ rất thấp. Tổng cộng 12 việc nhưng mới thực hiện 1 việc, chỉ thu hồi 433 triệu đồng/95 tỷ đồng.

Đối với vụ án kinh tế hiện chỉ mới thực hiện 12 việc, thu hồi 538 triệu đồng; còn 33 việc với 24 tỷ đồng chưa thu hồi được. Các kết luận thanh tra, kiểm toán nhà nước, tỷ lệ thu hồi tiền, đất đạt tỷ lệ thấp, tồn đọng qua nhiều năm.

Chống lãng phí trong giải ngân

Theo Sở KH-ĐT, đến giữa tháng 12, Quảng Nam đã giải ngân hơn 62% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, tương ứng gần 5.659 tỷ đồng trên tổng số gần 9.096 tỷ đồng. Cụ thể, nguồn ngân sách trung ương giải ngân đạt 53,9%, nguồn ngân sách địa phương đạt 63,8%. Hiện, lãnh đạo tỉnh đang chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, song kết quả giải ngân vẫn còn xa mục tiêu hoàn thành 95% kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao.

CAU TAN BINH 1
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng kiểm tra tiến độ giải ngân tại huyện Hiệp Đức. Ảnh: H.Q

Nguyên nhân giải ngân chậm là do Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, song đến ngày 27/2/2024, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 24 về hướng dẫn thi hành luật. Do đó, trong 3 tháng đầu năm 2024, việc phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu rất hạn chế, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung.

Cạnh đó, ở nhiều địa phương, công tác chỉ đạo thiếu quyết liệt; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài. Tình trạng thiếu đất đắp nền và cát xây dựng, nên các đơn vị thi công tiếp cận với giá thành cao hơn so với đơn giá lập dự toán, dẫn đến một số nhà thầu triển khai thi công cầm chừng chờ đợi điều chỉnh chỉ số giá xây dựng phù hợp với đơn giá thị trường. Năng lực đơn vị trúng thầu không được tốt, dẫn đến việc triển khai chậm hơn so với kế hoạch.

[VIDEO] - Các huyện miền núi khó khăn trong giải ngân các tháng cuối năm do mưa lớn, nguy cơ sạt lở cao:

Đặc thù Quảng Nam có 9 huyện miền núi, trong khi đó giai đoạn từ tháng 10 - 12 hằng năm điều kiện thời tiết phức tạp, mưa kéo dài, nguy cơ sạt lở đất rất cao nên việc triển khai thi công bị gián đoạn, đặc biệt là các dự án giao thông.

Đối với các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài giải ngân chậm do công tác xem xét và chấp thuận của nhà tài trợ đối với các thủ tục đầu tư, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ rút vốn thường rất lâu nên việc giải ngân các dự án sử dụng nguồn vốn ODA chậm.

GIAI NGAN 1
Tiến độ giải ngân nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm tại nhiều địa phương. Ảnh: H.Q

Đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, về giải phóng mặt bằng chậm do vướng đất rừng, vướng quy hoạch nên một số dự án triển khai chậm. Nhiều văn bản của các cơ quan Trung ương ban hành để triển khai thực hiện chương trình chưa được đồng bộ, một số nội dung còn chồng chéo. Luật Đấu thầu quy định nguồn vốn sự nghiệp trên 100 triệu đồng phải tổ chức đấu thầu, nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của các chương trình.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng, Quảng Nam hiện còn 94 dự án, công trình đầu tư chậm tiến độ, kéo dài nhiều năm. Trong năm 2025, Quảng Nam sẽ tập trung quyết liệt cho 94 công trình này.

Chống lãng phí là lĩnh vực Trung ương đang chỉ đạo rất quyết liệt. Quảng Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí tỉnh. Thời gian tới, chúng tôi sẽ rà soát toàn bộ những dự án, công trình, cơ sở tài sản công, nếu lãng phí sẽ kiên quyết khắc phục triệt, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng

KHOAN SAN
UBND tỉnh sẽ tập trung thực hiện công tác cấp phép và quản lý hoạt động khoáng sản. Ảnh: H.Q

Về nhiệm vụ lớn năm 2025, lãnh đạo tỉnh sẽ theo dõi tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư, tích cực đôn đốc hoàn trả số dư tạm ứng vốn đầu tư đúng thời gian quy định. Tập trung thực hiện các giải pháp hiệu quả để nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, kinh phí sự nghiệp chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm có tác động lan tỏa. Đi kèm với đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là bảo đảm chất lượng công trình, dự án, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí.

UBND tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác số hóa quy trình theo dõi, giám sát và quản lý vốn đầu tư công. Đồng thời, tiếp tục thực hiện công tác cấp phép và quản lý hoạt động khoáng sản phù hợp với chiến lược quy hoạch khoáng sản; đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đây là cơ sở để gỡ khó địa phương, đơn vị thi công về vật liệu xây dựng cơ bản trong thi công các công trình, dự án.

HỒ QUÂN