Thế giới

Nhật Bản hỗ trợ "khai thác mỏ đô thị" tại ASEAN

QUỐC HƯNG 01/01/2025 10:00

(QNO) - Nhật Bản sẽ tăng cường nhập khẩu thiết bị điện tử đã qua sử dụng từ 5 thành viên trong Hiệp hội Các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) gồm Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển "khai thác mỏ đô thị".

shimbun.jpg
Công ty tái chế ở Tokyo (Nhật Bản) thu gom thiết bị gia dụng và điện tử đã qua sử dụng. Ảnh: Shimbun

"Khai thác mỏ đô thị" (urban mining) là thuật ngữ chỉ việc thu hồi vật liệu hữu ích như đồng và kim loại hiếm từ bảng mạch của thiết bị điện tử đã qua sử dụng như máy tính, điện thoại thông minh. Sau đó, những vật liệu này có thể được tái chế và sử dụng.

Nhật Bản - quốc gia nghèo tài nguyên nên phụ thuộc rất lớn vào việc nhập khẩu nhiều loại kim loại hiếm, sử dụng các công nghệ tiên tiến để loại bỏ tạp chất và thu hồi các kim loại cần thiết để thúc đẩy việc thu gom và tái chế rác điện tử.

Năm 2019, Nhật Bản tái chế 361 nghìn tấn rác điện tử, nhiều hơn bất kỳ quốc gia thành viên nào khác của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nhưng vẫn giữ nguyên số lượng kể từ đó.

Bởi vậy, Nhật Bản hy vọng sẽ tăng tổng khối lượng bằng cách tăng cường hệ thống nhập khẩu vật liệu từ các nước thành viên ASEAN và có kế hoạch thúc đẩy thương mại giữa các quốc gia ASEAN và công ty của Nhật Bản trong lĩnh vực liên quan.

Tuy nhiên, hiện nhiều nước ASEAN thiếu hệ thống pháp lý liên quan đến việc thu gom và xử lý rác điện tử cũng như trang bị công nghệ để tháo dỡ vật liệu giảm thiểu gây ô nhiễm đến môi trường.

Adobe Stock
Rác thải điện tử tại Đông Nam Á. Ảnh: Adobe Stock

Chính phủ Nhật Bản bắt đầu cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các nước ASEAN kể từ năm tài chính 2024 cũng như sẽ cung cấp hỗ trợ pháp lý cho 5 quốc gia ASEAN gồm Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Việt Nam sớm nhất là vào năm tài chính 2025.

Nhật Bản đồng thời có kế hoạch bắt đầu nhập khẩu thiết bị điện tử đã qua sử dụng từ các quốc gia trên vào năm tài chính 2028.

Hiện tại, khoảng 60% rác thải điện tử Nhật Bản nhập khẩu đến từ châu Âu và Bắc Mỹ. Nhưng hiện châu Âu tăng cường tái chế, Nhật Bản cũng có lý do an ninh kinh tế để coi ASEAN là nguồn nhập khẩu thay thế.

Nhật Bản đang vạch ra kế hoạch chi tiết về xuất khẩu các sản phẩm làm từ kim loại tái chế và hướng tới mục tiêu chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, trong đó tài nguyên và sản phẩm được sử dụng hiệu quả và giảm thiểu phát sinh chất thải.

Theo Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) và Viện Nghiên cứu và đào tạo Liên hiệp quốc (UNITAR), khối lượng rác thải điện tử trên toàn thế giới lên tới 62 triệu tấn vào năm 2023, bao gồm hơn 12 triệu tấn tại khu vực Đông Nam Á, gây lãng phí với số tiền ước tính lên đến 91 tỷ USD và gây ô nhiễm khi thải ra môi trường.

QUỐC HƯNG