Quy hoạch - Đầu tư

Tam Kỳ và động lực phát triển từ dự án hoàn thiện đường Hùng Vương

THÀNH CÔNG 31/12/2024 07:45

Giải quyết bài toán ngập lụt cục bộ của đô thị, đáp ứng yêu cầu về hạ tầng, mỹ quan đô thị trên toàn tuyến Hùng Vương (TP.Tam Kỳ) là những yêu cầu đang được đặt ra.

z6170201647468_dbaeca3c13c41683c5c7880e74544b79.jpg
Dự án hoàn thiện đường Hùng Vương có vốn đầu tư lên đến 450 tỷ đồng. Ảnh: T.C

Được đánh giá là dự án giữ vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng khu vực trung tâm tỉnh Quảng Nam, dự án Hoàn thiện đường Hùng Vương, TP.Tam Kỳ vừa được lấy ý kiến phản biện rộng rãi.

Dự án cấp thiết

Ông Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Ban Quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh thông tin, tuyến đường Hùng Vương được xây dựng từ năm 1997.

Đến nay, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên đường Hùng Vương lớn, mặt đường bị xuống cấp gây khó khăn cho việc đi lại. Hệ thống vỉa hè, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật nhiều đoạn hư hỏng, xuống cấp gây mất mỹ quan đô thị.

Hệ thống thoát nước mưa của tuyến đường xuống cấp, mương đá hộc xây bị hư hỏng, bồi lấp, khẩu độ không đảm bảo thoát nước nên thường xuyên bị ngập nước vào mùa mưa, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tới an sinh xã hội.

“Đầu tư tuyến đường là cần thiết nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, phục vụ đi lại thuận lợi cho người dân, tạo cảnh quan thành phố, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Tam Kỳ nói riêng và Quảng Nam nói chung” - ông Thường nói.

z6170201580365_7988992d57cbad83b5fe0d85f9bd42f4.jpg
Dự án hoàn thiện đường Hùng Vương có tổng chiều dài hơn 5,6km với mặt cắt ngang 40m. Ảnh: T.C

Ông Phạm Tấn Công - Phó Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình giao thông 5 (TECCO 5), đại diện liên danh tư vấn cho hay, sẽ triển khai dự án trên tổng chiều dài 5,634km, mặt cắt ngang 40m, là một trong những dự án trọng điểm của TP.Tam Kỳ.

Với tổng mức đầu tư lên đến 450 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, dự án sẽ hoàn thiện toàn bộ tuyến đường, bao gồm cả hệ thống thoát nước, vỉa hè, cây xanh và các công trình phụ trợ khác.

Dự án sẽ áp dụng các công nghệ xây dựng hiện đại, đảm bảo chất lượng công trình và tuổi thọ cao. Đơn vị tư vấn cũng cho hay, quá trình thiết kế dự án được tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo hài hòa với cảnh quan đô thị và đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2027.

Những lưu ý từ chuyên gia

Tại hội nghị góp ý, phản biện dự án, PGS-TS. Nguyễn Chí Công (đến từ Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng) không đồng tình với nhiều nội dung trong báo cáo nghiên cứu khả thi được đưa ra.

TS Công
PGS-TS. Nguyễn Chí Công cho rằng phải làm mới toàn bộ hệ thống cống ngầm bằng bê tông vì tuyến cống cũ đã hết sứ mệnh trong việc thoát nước cho đô thị. Ảnh: T.C

Tham gia nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến giải pháp chống ngập đô thị Tam Kỳ, PGS-TS. Nguyễn Chí Công cho rằng, hệ thống thoát nước có nhiều đoạn được xây bằng đá hộc, liên kết bằng vữa, tuổi thọ kém và nhiều đoạn đã sập. Do đó, phương án giữ lại một đoạn cống ngầm sẽ không giải quyết dứt điểm câu chuyện thoát nước, chống ngập cho đường Hùng Vương.

“Quá trình nghiên cứu, tôi phát hiện nhiều hố ga đã không còn đảm nhiệm được chức năng, một số đoạn cống đã sập. Phải làm mới bằng bê tông toàn bộ hệ thống này vì đường cống thoát nước cũ đã hết sứ mệnh. Đoạn cuối tuyến, đường cống bé hơn đoạn đầu, tạo ra thắt nút cổ chai.

Tuyến đường Hùng Vương cũng xuất hiện nhiều điểm đen về ngập lụt, nên có giải pháp để khắc phục va chạm ở các điểm đen này, và phải giải quyết đồng bộ. Về cây xanh, nên tính toán để khắc phục tình trạng va chạm với không gian ngầm phía dưới của một số loại cây lớn, tránh lãng phí khi đặc thù của miền Trung thường xuyên đối diện với mưa bão” - PGS-TS. Nguyễn Chí Công đề cập.

Dự án sẽ mở rộng thêm mỗi bên 1 làn xe rộng 3m, thu hẹp dải phân cách giữa hiện trạng từ 13m xuống còn 7m. Ảnh: T.C
Dự án sẽ mở rộng thêm mỗi bên 1 làn xe rộng 3m, thu hẹp dải phân cách giữa hiện trạng từ 13m xuống còn 7m. Ảnh: T.C

Một ý kiến đáng chú ý tại hội nghị phản biện được ông Hoàng Văn Sừ - nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng nêu, liên quan đến hệ thống giao thông tĩnh trên tuyến.

Là người đề xuất đặt tên đường Hùng Vương, tạo được quỹ đất dự trữ rất lớn ở dải phân cách đường phục vụ mục tiêu phát triển hiện nay, ông Hoàng Văn Sừ bày tỏ sự thống nhất, ủng hộ rất lớn với dự án lần này. Ông Sừ cho hay, báo cáo nghiên cứu khả thi có nhược điểm là chưa đề cập đến hệ thống giao thông tĩnh.

“Tôi nhận thấy báo cáo không đề cập các bến bãi đỗ xe. Nếu không tính đến giao thông tĩnh, sau khi cắt dải phân cách để mở rộng làn xe, làn thứ ba vừa mở ra sẽ trở thành nơi ô tô đậu đỗ, xe thô sơ phải lách ra làn giữa. Như thế, sẽ vô hiệu hóa 450 tỷ bỏ ra để mở rộng đường Hùng Vương, điển hình của việc phát triển nhưng không bền vững.

picture1.jpg
Phương án thiết kế nút giao Hùng Vương - Phan Bội Châu lấy ý tưởng "ngũ phụng tề phi" do liên danh tư vấn đưa ra. Ảnh chụp màn hình.

Tôi không tán thành mặt cắt đường như đơn vị tư vấn đưa ra. Tiêu chuẩn giao thông tĩnh hiện nay là 2m2/người ở mặt tiền đường, nhưng hiện nay cả tuyến chưa có mét vuông nào cho bãi đỗ xe. Giải pháp có thể sẽ khiến kinh phí đội lên, nhưng phải tính đến là xây dựng các vịnh đỗ xe sát vào vỉa hè, đáp ứng tính bền vững trong tương lai” - ông Hoàng Văn Sừ nói.

Ngoài việc lưu ý hệ thống giao thông tĩnh, ông Hoàng Văn Sừ còn đề nghị phải hết sức chú ý nút giao đường Hùng Vương với đường Thanh Hóa hiện tại. Đây là nút kết nối Khu kinh tế mở Chu Lai và cao tốc, tương lai mật độ giao thông sẽ rất lớn, phải dự trữ để khi cần thiết tổ chức nút giao thông lập thể.

Về kiến trúc cảnh quan, ông Sừ đề nghị nên chia thành nhiều đoạn để tạo nên các tuyến phố đặc trưng, ví dụ phố bằng lăng, phố hoa phượng... Dải phân cách ở giữa nên trồng thảm hoa thay cho các loại cây bụi, cây lớn có thể che khuất tầm nhìn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Thi tuyển ý tưởng tại các nút giao

Ông Lê Văn Sinh - Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, nguyên Giám đốc Sở GTVT cũng bày tỏ nhiều ý kiến tâm huyết về chuyên môn, liên quan đến báo cáo khả thi của liên danh tư vấn.

441a9473.jpg
Đại diện liên danh tư vấn báo cáo nghiên cứu khả thi tại hội nghị lấy ý kiến phản biện dự án. Ảnh: T.C

“Quá trình thiết kế bản vẽ thi công phải tính toán kỹ kết cấu nền, mặt đường, hệ thống thoát nước. Trong đó, nút giao Hùng Vương - Lê Duẩn theo quy hoạch là nút giao ngã tư, đã xây dựng nhánh phía đông theo trục Lê Duẩn, nhánh phía Tây đã có dự án nhưng chưa có điều kiện đầu tư. Ở vị trí này phải thiết kế theo hình thức nút ngã tư, đảm bảo khớp nối theo quy hoạch” - ông Sinh nói.

Lưu ý chủ đầu tư phải thực hiện đánh giá tác động môi trường do dự án có tác động rất lớn đến toàn thành phố, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu đánh giá đúng tầm vóc, vị trí, ý nghĩa của đường Hùng Vương đối với sự phát triển của TP.Tam Kỳ, giải quyết bài toán trước mắt và lâu dài.

“Quá trình triển khai, cần tích hợp với đề án chống ngập đô thị Tam Kỳ để đảm bảo mục tiêu góp phần giải quyết tình trạng ngập lụt cục bộ. Về hệ thống hạ tầng ngầm, phải chú ý để đảm bảo không đào lên lấp xuống nhiều lần, đi gom tiết kiệm không gian và tránh xung đột với cây xanh.

Đặc biệt, phải tính toán lại phương án thiết kế kiến trúc 4 nút giao lớn giữa đường Hùng Vương với các tuyến Phan Bội Châu, Trần Quý Cáp, Nguyễn Tất Thành và Tôn Đức Thắng. Nên tổ chức thi tuyển ý tưởng kiến trúc, xác định đó là điểm nhấn đô thị có tính mạch lạc, liên kết, chuyển tải được truyền thống Quảng Nam thông qua các biểu tương” - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh đề cập.

THÀNH CÔNG