Giảm nghèo - An sinh

Hướng đến phát triển bền vững, Quảng Nam tìm giải pháp đảm bảo an sinh xã hội

VINH ANH 31/12/2024 08:06

Trên hành trình phát triển, Quảng Nam luôn xác định, đảm bảo an sinh xã hội là điều kiện quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: TÂM ĐAN
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VINH ANH

Nhằm phục vụ công tác xây dựng văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXIII (nhiệm kỳ 2025 - 2030), Thường trực HĐND tỉnh vừa tổ chức hội thảo “Nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội (ASXH) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”.

Từ những con số “biết nói”

Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh, quán triệt quan điểm, chủ trương của Trung ương về chính sách ASXH, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII đã đề ra chủ trương: “Quan tâm giải quyết việc làm, cải thiện sinh kế, đảm bảo ASXH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân...”.

Những năm qua, việc thực hiện các chính sách ASXH trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật như chủ trương sắp xếp, ổn định dân cư miền núi; chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất; phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại và dược liệu, sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch cộng đồng...

Sở NN&PTNT cho biết, từ năm 2017 - 2024, tổng số vốn giải ngân thực hiện hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 576 tỷ đồng. Tổng số hộ thực hiện sắp xếp di dời chỗ ở là 9.557 hộ.

Bên cạnh đó, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Quảng Nam đã ban hành rất nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm...

Về đô thị hóa, có nhiều xã ngủ một đêm là thành phường, thị trấn, nhưng kiểm tra lại, nhiều nơi, gần 2/3 người dân ở đó sống như nông thôn; hạ tầng nhếch nhác”.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh

Theo bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, từ năm 2020 đến nay, sở đã tham mưu UBND tỉnh phân bổ 10.580 tỷ đồng để thực hiện các chương trình, cơ chế, chính sách giảm nghèo.

Kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm đạt và vượt mục tiêu Thủ tướng Chính phủ và Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao/năm (bình quân giảm 1,01%/năm, tương ứng giảm 4.229 hộ nghèo). Năm 2024, toàn tỉnh giảm được 4.171 hộ nghèo, qua đó giảm hộ nghèo toàn tỉnh còn 20.498 hộ, tương ứng tỷ lệ 4,61%.

Cũng từ năm 2020 đến nay, Sở LĐ-TB&XH tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và đề nghị các cấp có thẩm quyền công nhận mới cho 2.814 trường hợp người có công với cách mạng.

Toàn tỉnh hiện có 280 mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời. Có khoảng 45.300 lượt người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng đối với người có công với cách mạng và trợ cấp tuất đối với thân nhân của người có công với kinh phí chi trả bình quân khoảng 99 tỷ đồng/tháng...

Từ năm 2021 đến nay, bình quân hằng năm, các đơn vị, địa phương đã thực hiện trợ giúp xã hội hàng tháng đối với khoảng 97.300 đối tượng bảo trợ xã hội và 15.600 hộ gia đình đang trực tiếp nuôi dưỡng chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng; tổng kinh phí thực hiện trong 5 năm khoảng 3.300 tỷ đồng.

Ông Văn Phú Quân - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Quảng Nam thông tin: số lao động tham gia BHXH, bảo hiểm tai nạn tại Quảng Nam tính đến 31/12/2023 hơn 227.000 người (tăng gần 105.000 người so với năm 2013). Độ bao phủ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2023 hơn 96%, trong khi bình quân chung cả nước khoảng 93%.

Nhận diện khó khăn

Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác ASXH vẫn còn một số hạn chế. Đó là, điều kiện kinh tế - xã hội ở các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Mức độ bao phủ của hệ thống ASXH chưa rộng, đối tượng thụ hưởng còn hẹp. Kết quả giảm nghèo thiếu bền vững...

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh phát biểu đề dẫn hội thảo. Ảnh: ĐÔNG ANH
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh phát biểu đề dẫn hội thảo. Ảnh: VINH ANH

Nhận diện về những hạn chế trong công tác đảm bảo ASXH, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho rằng, bài toán giải quyết việc làm còn lúng túng; tỉnh chưa khai thác tốt dư địa để tạo ra mô hình sản xuất kinh doanh tạo việc làm mà còn quá lệ thuộc vào thị trường lao động.

Đây là vấn đề mấu chốt của ASXH. Thứ hai, chưa có giải pháp căn cơ đủ mạnh để phòng ngừa rủi ro, tác động của thiên tai luôn rình rập. Thứ ba là bộ phận người dân thụ động, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà thiếu ý chí vươn lên...

Phân tích về những khó khăn, thách thức trong công tác ASXH của Quảng Nam, TS. Phạm Đi (đến từ Học viện Chính trị khu vực III) chỉ ra 4 vấn đề chính.

Bao gồm sự chênh lệch vùng miền, phân hóa, phân tầng trong tiếp cận các chính sách an sinh xã hội; nhân tố tác động từ thiên tai, biến đổi khí hậu; sự thiếu hụt các nguồn lực trong thực thi chính sách ASXH; chất lượng lao động thấp, cơ cấu lao động còn tồn tại nhiều bất cập.

Theo TS. Phạm Đi, Quảng Nam là tỉnh có sự phân hóa sâu sắc giữa các khu vực đồng bằng và miền núi, dẫn đến những khác biệt rõ rệt về tiếp cận và thụ hưởng các chính sách ASXH. Chính điều này sẽ dẫn đến những hệ lụy khi thực hiện chính sách ASXH ở Quảng Nam như gia tăng bất bình đẳng xã hội; rủi ro tái nghèo cao; mất cân bằng lao động...

“Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Từ việc nhận diện những hạn chế, các đại biểu phát biểu ý kiến và trình bày tham luận tại hội thảo đã đề xuất nhiều giải pháp căn cơ nhằm đảm bảo ASXH tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Quang - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TÂM ĐAN
Đồng chí Nguyễn Ngọc Quang - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VINH ANH

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị quan tâm đến những vấn đề tác động đến cuộc sống người dân như giải phóng mặt bằng, tái định cư, xây dựng nhà ở xã hội, đô thị, nông thôn mới...

Đối với công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cả dự án đầu tư công và đầu tư tư nhân, việc thực hiện “giải tỏa trắng” đã phát sinh nhiều vấn đề. Do đó, cần đánh giá kỹ về khả năng giải phóng mặt bằng để có phương án phù hợp.

Trong xây dựng nông thôn mới, đô thị, đừng quá chạy theo thành tích, cần nghiêm túc chỉ đạo để gắn với thực tiễn, gắn với quản lý quy hoạch, kiến trúc...

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang đề xuất, tỉnh nên căn cứ Chỉ số phát triển con người (HDI) để rà soát và có sự lựa chọn ưu tiên thực hiện tại Quảng Nam trong 5 năm tới.

“Phát triển kinh tế phải gắn với ASXH. Khi mình làm ra 10 đồng thì nên tính dành cho ASXH bao nhiêu, tỷ lệ dành cho ASXH phải ngày càng tăng lên” - ông Quang chia sẻ.

Ông Bling Mia - Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho rằng: “Giao thông sẽ giải quyết các vấn đề ASXH. Ở miền núi, cứ chỗ nào có đường giao thông là nơi đó đời sống người dân phát triển. Như Tây Giang, đến nay 62/63 thôn có đường cho xe ô tô vào đến nơi”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đề xuất tiếp tục nghiên cứu, có chính sách phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội để không bị động trong giải quyết các vấn đề ASXH phát sinh. Để đảm bảo tính liên kết giữa các chế độ chính sách với ASXH thì việc ban hành nghị quyết, chính sách nên gom theo nhóm, không nên xé lẻ, phân tán.

Khẳng định các ý kiến phát biểu tại hội thảo là những bài học kinh nghiệm quý báu để Quảng Nam tiếp tục hoàn thiện chủ trương, chính sách về nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, đảm bảo ASXH trên địa bàn tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đức Dũng đề nghị các địa phương, đơn vị trong tỉnh thường xuyên rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành các chính sách đặc thù của tỉnh trên các lĩnh vực ASXH phù hợp quy định của Trung ương, tình hình thực tiễn và đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân. Thời gian đến, các cấp, ngành, địa phương ưu tiên tăng tỷ lệ đầu tư thực hiện các chương trình ASXH với quan điểm “đầu tư cho ASXH là đầu tư cho phát triển”.

VINH ANH