Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng: Quảng Nam sẽ xây dựng đề án chuyển đổi nghề cho ngư dân
(QNO) - Sáng nay 31/12/2024 tại trụ sở Ban tiếp công dân tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng chủ trì tiếp công dân định kỳ.
Tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp đại diện các ngư dân hành nghề lưới kéo vùng biển ven bờ trên địa bàn các xã Tam Tiến, Tam Hòa, Tam Quang, Tam Hải (huyện Núi Thành) theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu tại các xã và huyện Núi Thành.
Đại diện ngư dân Tam Quang cho biết, ngư dân hiện nay làm một nghề còn không đủ sống, làm sao nuôi con ăn học. Vì vậy, tỉnh cấm không cho hành nghề lưới kéo (giã cào) vùng biển ven bờ khiến cuộc sống càng thêm khó khăn. Do đó, kiến nghị tỉnh tạo điều kiện tiếp tục cho ngư dân địa phương vươn khơi bám biển.
Đại diện ngư dân xã Tam Hải nói, người dân đồng ý chủ trương cấm biển nhưng nhà nước cần có định hướng nghề nghiệp để ngư dân có điều kiện làm ăn, sinh sống. Đề nghị tỉnh nghiên cứu cho ngư dân hoạt động hành nghề trở lại để sinh sống; đồng thời mong muốn có chính sách chuyển hướng nghề nghiệp khác và hỗ trợ cho người dân.
Giải đáp băn khoăn của ngư dân, đại diện Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết hiện nay toàn quốc cấm việc giã cào gần bờ, và đến năm 2030 cấm luôn giã cào ngoài khơi.
Còn theo đại diện Sở NN&PTNT, việc chuyển đổi nghề phải chờ Trung ương ban hành quy định để ngành chức năng tham mưu tỉnh có chính sách hỗ trợ, chuyển đổi nghề.
Theo Chủ tịch UBND huyện Núi Thành - Lê Văn Sinh, vấn đề giã cào đã cấm từ 2017 và ngư dân kiến nghị nhiều lần tại các cuộc tiếp xúc cử tri. Địa phương cũng tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm quy định của pháp luật. "Đề nghị tỉnh và ngành nông nghiệp cần nghiên cứu quy hoạch nuôi trồng thủy sản, cơ chế chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân" - ông Sinh nói.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 3/12 tại trụ sở Ban tiếp công dân tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở NN&PTNT và Ban tiếp công dân tỉnh tiếp 46 ngư dân của huyện Núi Thành kiến nghị về việc cho phép tiếp tục hành nghề lưới kéo vùng biển ven bờ hoặc hỗ trợ chuyển đổi nghề phù hợp.
Trả lời người dân, các cơ quan chức năng khẳng định, theo quy định hành nghề lưới kéo vùng biển ven bờ là vi phạm quy định sử dụng ngư cụ cấm khai thác thủy sản. Vì vậy, không được phép tiếp tục hành nghề lưới kéo, vùng biển ven bờ.
Sau khi nghe ý kiến của ngư dân, trả lời của đại diện cơ quan chức năng, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng chia sẻ khó khăn với bà con ngư dân và cho rằng nghề nghiệp từ bao đời nay nhưng giờ không được đánh bắt thủy sản, không có thu nhập và thiệt hại tài sản tàu thuyền, nhất là dịp gần tết. Vì vậy, huyện Núi Thành và các xã quan tâm, tìm hiểu đời sống của ngư dân, không để bất cứ người dân nào gặp khó khăn dịp tết.
Khẳng định đây là chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc chống đánh bắt không đúng quy định để gỡ "thẻ vàng" thủy sản cho Việt Nam, ông Dũng mong bà con chấp hành, đoạn tuyệt với lưới cào. Tỉnh cũng đã nhiều lần chỉ đạo, giao cho Bộ đội Biên phòng kiểm soát nghiêm ngặt, không để tái diễn.
Nhấn mạnh những mong muốn, kiến nghị của người dân là hoàn toàn chính đáng, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT và các ngành chức năng xây dựng đề án chuyển đổi nghề cho ngư dân (cả tỉnh có khoảng 122 hộ), trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.
"Nghiên cứu có thể ủy thác qua ngân hàng cho người dân vay chuyển đổi nghề; tính toán quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản" - ông Dũng gợi ý.