Thành cổ Quảng Nam qua Di sản Mộc bản Triều Nguyễn
(VHQN) - Thành cổ Quảng Nam được quy hoạch cụ thể và có quy mô khá lớn trong số những tòa thành được xây dựng ở đơn vị hành chính cấp tỉnh dưới triều Nguyễn.
Qua ghi chép của khối Mộc bản Triều Nguyễn - Di sản Tư liệu thế giới, chúng ta có thể hiểu hơn về quá trình xây dựng cũng như quy mô, kiến trúc của tòa thành Quảng Nam.
Chuyện đắp thành
Lịch sử thành tỉnh Quảng Nam được ghi lại, ban đầu dựng trấn dinh ở “xã Thanh Triêm, huyện Diên Phước, sau nhân biến loạn phải bỏ. Khi mới trung hưng, thu phục Quảng Nam, tạm đặt ở Hội An…”.
Năm Đinh Mão (1807), vua Gia Long lại cho dời đắp đến xã Thanh Chiêm, huyện Diên Phước. Năm Quý Tỵ (1833), nhận thấy địa thế cũ không còn thích hợp trong việc xây dựng thành trì, vua Minh Mạng đã cho dời chuyển thành Quảng Nam qua một vị trí khác.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 90, mặt khắc 18 ghi chép sự kiện này như sau: “Thành cũ ở xã Thanh Chiêm, địa thế chật hẹp và thấp. Vua nghĩ nên dời đi chỗ khác. Trước hết sai viên giám thành đi xem địa thế, chọn được một chỗ ở xã La Qua (Thanh Chiêm và La Qua đều thuộc Diên Phước) đồng bằng rộng rãi, đường sá trung độ, lại gần sông, chuyên chở tiện lợi (...) Vua liền xuống dụ sai thự lý Tuần phủ Đỗ Khắc Thư, thuê 6.000 người làm. Lại cho rằng xây thành là công việc to lớn, nên đặc cách sai Vũ lâm Tả dực Thống chế là Nguyễn Văn Trọng, đi trông nom mọi việc”.
Đến tháng 6, năm ấy, thành tỉnh Quảng Nam đã được xây đắp xong. Vua Minh Mạng vui mừng xuống dụ ban thưởng cho những người có liên quan: “Việc xây thành Quảng Nam, Quảng Trị và Hà Tĩnh đã xong, thưởng cho Đổng lý Tống Phước Lương và Tôn Thất Bằng do Kinh phái đi và từ Đốc, Phủ, Quản vệ trở xuống đều được gia cấp, kỷ lục, tấm sa và bạc có thứ bậc khác nhau. Lại sai các tỉnh thần (quan tỉnh - NV) lấy tiền kho ra thưởng cho dân phu làm thuê: Quảng Trị 4.000 quan, Quảng Nam và Hà Tĩnh mỗi tỉnh 6.000 quan”.
Vai trò của thành cổ
Cũng như nhiều tỉnh thành khác, thành tỉnh Quảng Nam được xây dựng dựa theo kiểu thành Vô băng (Vauban) - một dạng kiến trúc quân sự thiên về phòng thủ, vốn thịnh hành ở Pháp và Tây Âu vào thế kỷ 17, 18.
Về quy mô và kiến trúc của thành cổ Quảng Nam, Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 209, mặt khắc 30 còn biên chép: “Thành tỉnh Quảng Nam ở huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, chu vi 489 trượng 6 thước, cao 1 trượng 1 thước 3 tấc, xây tường đá ong, 4 cửa, 1 kỳ đài. Hào rộng 4 trượng 5 thước, dựng năm Minh Mạng 14”.
Sau khi được xây dựng, thành cổ Quảng Nam giữ vị trí đặc biệt quan trọng về quân sự, chính trị, không chỉ riêng đối với tỉnh Quảng Nam mà còn nằm trong tuyến phòng thủ bảo vệ kinh đô Huế.
Dưới triều vua Thiệu Trị, thành tỉnh Quảng Nam vẫn giữ nguyên hiện trạng như thời vua cha Minh Mạng. Chỉ đến triều vua Tự Đức, vào năm Canh Tuất (1850), vua đã cho sửa lại thành tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, việc tu sửa lần này không thấy được ghi lại chi tiết mà chỉ ghi ngắn gọn trong Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ, quyển 5, mặt khắc 6 rằng: “Sửa thành tỉnh Quảng Nam”.
Đến năm Bính Dần (1866), Phạm Phú Thứ, một người con của quê hương Quảng Nam đã tâu lên vua Tự Đức rằng, tỉnh Quảng Nam mất mùa mấy năm luôn, có người nói “vì cớ tỉnh thành ở chỗ thấp trũng không tốt, xin tìm đất đặt tỉnh ra chỗ khác”.
Tháng 4 năm Ất Hợi (1875), vua Tự Đức mới sai người đến khám xét địa điểm để di dời thành tỉnh Quảng Nam.
Sự kiện này được Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ, quyển 53 ghi lại, xin trích một đoạn: “Sai Lang trung Cao Hữu Sung đem 2 người thợ vẽ giám thành cùng với Linh đài lang Mã Trinh đến Quảng Nam hội khám đường sông tỉnh thành ấy.
Trước đấy Phạm Phú Thứ nói: Hạt ấy đặt tỉnh thành, đào sông Vĩnh Điện không hợp phong thủy, dân vật kém yên. Sơn phòng sứ Quảng Nam Nguyễn Tạo dâng sớ xin dời đặt tỉnh thành ở địa phận Quế Sơn hoặc Duy Xuyên. Lại xin lấp sông Vĩnh Điện, khai sông Ái Nghĩa...”.
Tuy nhiên, ý định chuyển dời thành cổ Quảng Nam ra nơi khác dưới thời vua Tự Đức đã không thực hiện được. Thành tỉnh Quảng Nam vẫn đóng tại địa điểm nơi vua Minh Mạng chọn trước đây.
Trải nhiều thăng trầm của lịch sử, thành cổ Quảng Nam đến nay đã hoàn toàn bị tiêu thổ. Tuy dấu tích chỉ còn lưu lại trong sử sách và một ít phế tích nhưng đủ để chúng ta có thể hoài niệm về một tòa thành đặc biệt, có kiến trúc vững chãi được đóng trên vùng đất Quảng Nam xưa.