Hồ sơ - Tư liệu

Xã Khúc Lũy trong vài tư liệu Hán - Nôm

PHẠM HOÀNG QUÂN 02/01/2025 08:50

(VHQN) - Sử liệu về xã Khúc Lũy và Cúc Lũy khá liền lạc, đủ đáp ứng cho những mong muốn tìm hiểu hoặc soạn lịch sử địa phương...

kl1.jpg
Vườn xuân trong một căn nhà ở làng Khúc Lũy. Ảnh: LÝ ĐỢI

Lần giở từ Ô Châu cận lục

Dương Văn An trong Ô Châu cận lục (1555), ghi lại: “Huyện Điện Bàn (thuộc phủ Triệu Phong) có 66 xã: […], Hoài Phố, Cẩm Phố, Bàn Cố, Kim Lũ, Nhơn Chiêm, Uất Lũy (欎壘), Duyên Đồ, Cẩm Lệ, Cúc Lũy (菊壘), Lỗ Giản, Thạc Giản, Vân Dương, Kim Quất…”.

Như tư liệu trên, thì Uất Lũy và Cúc Lũy là tên 2 xã thuộc huyện Điện Bàn, đã có từ thế kỷ 16. Bàn về nghĩa tên, Uất, có một nghĩa là hưng thịnh, trù phú; Lũy có một nghĩa là gò đất, có thể tên xã Uất Lũy ban đầu được lấy theo nghĩa “Vùng đất cao trù phú”.

Cúc Lũy, theo nghĩa đen thì là “Gò đất nhiều hoa cúc”.

Lời tán của Dương Văn An về địa danh: “Uất Lũy rừng già rậm rạp, cổ thụ một màu xuân; Nha Nghi đất rộng thênh thang, ba mặt nước quanh thành (林叢欎壘古樹一邊春; 地闊衙儀苑城三面水);…

…Liên Trì đầy ngọc, mùa hè giương cao lọng che mưa; Cúc Lũy phô vàng, trời đông chẳng đổi ngạo cành sương (玉满蓮池九夏高張擎兩蓋; 黄鋪菊壘三冬不改傲霜枝)”.

kl2.jpg
Đường làng Khúc Lũy ngày Tết. Ảnh: LÝ ĐỢI

Ông An có chú cuối bài tán: “Lúc rảnh coi bản đồ đất nước và tên các làng xã trong hai phủ Tân Bình và Triệu Phong, mới tùy hứng viết bài này. Đại để lấy tên xã thôn để gợi ý, vì tuy theo ý nghĩa tên gọi nhưng chẳng phải là sự thật, chỗ đúng chỗ không, không khỏi gò ép. Xin chờ các bậc quân tử học rộng biết nhiều lưu tâm bổ chính cho”.

Lời chú này cho thấy ông An chưa trải qua thực địa, nên việc xã Uất Lũy nằm trong khu rừng rậm hay xã Cúc Lũy có nhiều hoa cúc đến độ trở thành đặc trưng hay không cũng chưa rõ.

Một mặt, có thể đặt nghi vấn về tên Cúc Lũy. Cúc Lũy (菊壘) có thể do chép sai từ tên Cát Lũy (葛藟), Cúc với Cát có tự dạng khá gần, hai chữ Lũy (bộ thổ, bộ thảo) đồng âm, khả năng chép nhầm rất cao.

Chữ Cát Lũy (葛藟) xuất hiện thời cổ xưa, trong Kinh Thi, thiên Vương Phong - Cát lũy: “Miên miên cát lũy, tại hà chi hử” [詩‧王風‧葛藟:“綿綿葛藟,在 河 之滸。(Dây sắn dài không dứt, bên bờ sông kia)]; và thiên Chu Nam- Cù mộc “Nam hữu cù mộc, cát lũy luy chi” [詩‧周南‧樛木: “南有樛木,葛藟纍之”(Phương nam có cây cù [si], rễ cành quấn quýt như dây sắn)]. Cát lũy còn có tên Thiên tuế lũy, loài thân bụi cành leo, lá tròn thuôn elip, mùa hạ ra hoa, hoa thuôn nhọn như đầu bút, quả màu đen, là một loại dược liệu.

Vấn đề tên Cúc Lũy có thể biến thể từ gốc tên cây Cát Lũy, nêu ra đây chờ tìm hiểu thêm, nếu thực địa có còn tồn tại loài cây Cát Lũy, có thể tăng phần trăm cho phỏng định.

Đặt vấn đề này, tôi nghĩ mình có khi theo kiểu ông Dương Văn An, chưa qua thực địa, chỉ dựa theo tên gọi mà đoán định, phần trúng cũng ầu ơ lắm, mong người địa phương đọc qua thì thể tất mà tùy cơ gia giảm!

kl3.jpeg
Canh tác bãi bồi là một trong vài nguồn thu nhập chính của làng Khúc Lũy. Ảnh: LÝ ĐỢI

Theo Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục (1776), mục Huyện Diên Khánh (thuộc phủ Điện Bàn, xứ Quảng Nam), có 2 tổng, là tổng Uất Lũy và tổng Mông Lãnh.

Tư liệu trên cho thấy, gần cuối thế kỷ 18, tên Uất Lũy được lấy làm tên tổng, đồng thời cũng là tên xã, mặt chữ các đời đều chép giống nhau là “欎壘”.

Còn tên Khúc Lũy lại có nhiều tự dạng, dị tự dị nghĩa, hoặc dị tự đồng âm đồng nghĩa. Ô Châu cận lục (1555) chép là Cúc Lũy (菊壘) (dị tự dị nghĩa); Phủ biên tạp lục (1776)) chép là Khúc Lũy, với chữ Khúc (麴) có nghĩa men rượu, tức tên xã có nghĩa đen là “Vùng gò làm men rượu”; còn Địa bạ (1815) và Đại Nam nhứt thống chí (1909) thì chép chữ Khúc là “麯”, đồng nghĩa với “麴” (men rượu).

kl5.jpg
Gần như tộc họ nào ở làng Khúc Lũy cũng có nhà thờ tộc. Ảnh: LÝ ĐỢI

Vị trí và địa thế xã Khúc Lũy

Địa bạ tỉnh Quảng Nam lập năm 1814-1815, phần huyện Diên Khánh (phủ Điện Bàn), tổng Hạ Nông Trung (21 xã), chép:

“Xã Khúc Lũy (麯壘社): Đông giáp xã La Qua, xã Uất Lũy (鬱壘社) cùng tổng, và giáp xã Chợ Quán (tổng An Nhơn Trung); tây giáp xã Câu Nghê (tổng An Nhơn Trung), xã La Qua, thôn Tam Giáp xã Châu Đương, cùng tổng; nam giáp xã Câu Nghê, xã Chợ Quán (tổng An Nhơn Trung), châu Giới Phiên, thuộc Phú Châu (tổng Phú An Thượng), xã La Qua bản tổng; bắc giáp xã La Qua, Uất Lũy.”

“Xã Uất Lũy (欎壘社): Đông giáp các xã Khúc Lũy, La Qua cùng tổng, giáp xã Phú Chiêm, Thanh Chiêm (tổng An Nhơn Trung), xã Cổ Lưu (tổng An Nhơn Hạ); tây giáp các xã Câu Nghê, Thanh Chiêm, các xã Câu An, Khúc Lũy, La Qua, thôn Tam Giáp xã Châu Đương, xã Cổ Lưu; nam giáp các xã La Qua, Khúc Lũy, xã Phú Chiêm, Thanh Chiêm; bắc giáp xã La Qua, xã Thanh Chiêm, Phú Chiêm, xã Cổ Lưu”.

kl4.jpeg
Gần như tộc họ nào ở làng Khúc Lũy cũng có nhà thờ tộc. Ảnh: LÝ ĐỢI

Qua mô tả vị trí trong Địa bạ, có thể nhận biết, xã Uất Lũy giáp ranh với xã Khúc Lũy.

Xã Khúc Lũy trong suốt thời Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức có vị thế chỉ đứng sau xã La Qua (nơi đặt lỵ sở tỉnh Quảng Nam).

Lỵ sở phủ Điện Bàn đặt ở xã Khúc Lũy từ năm 1826 đến 1862. Mặt khác, Đàn Xã Tắc của tỉnh lại đắp ở đất xã Khúc Lũy, cũng cần hiểu là, nơi chọn đặt Đàn Xã Tắc của tỉnh thường được chọn lựa kỹ lưỡng theo những tiêu chí phong thủy thời ấy.

Xã (社) tức Thần Đất, Tắc (稷) tức Thần Nông, ở Kinh đô- ngang với Đàn Nam Giao - Đàn Xã Tắc được xếp vào bậc tế tự cao nhất. Đàn này là nơi tâm linh về mặt kinh tế nông nghiệp của cả tỉnh, tế lễ hằng năm xuân thu nhị kỳ với ước vọng quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Đàn Xã Tắc, luôn là khu đất công, theo đoán định cá nhân của người viết, có thể ở vào vị trí Nhà Văn hóa thôn Khúc Lũy (phường Điện Minh) hiện nay.

Cả hai xã Uất Lũy và Khúc Lũy nay là tên khu phố (thôn) thuộc phường Điện Minh, thị xã Điện Bàn hiện nay.

PHẠM HOÀNG QUÂN