Nhà nước và cử tri

Kỷ niệm 79 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội (6/1/1946 - 6/1/2025)Phát huy trách nhiệm vì sự phát triển Quảng Nam

NHO TUẤN 03/01/2025 07:30

Năm 2024 khép lại, với tinh thần trách nhiệm trước Nhân dân, cử tri và đồng hành với sự phát triển của tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Nam đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, sát sườn với những đòi hỏi của thực tiễn, tích cực tham gia các hoạt động chung của Quốc hội và đạt được nhiều kết quả.

dscf7591.jpg
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Dương Văn Phước giải đáp ý kiến của cử tri xã Tiên Sơn (Tiên Phước). Ảnh: H.Đ

Giám sát những vấn đề nóng

Những năm qua, tình trạng khan hiếm cát sỏi, vật liệu xây dựng thông thường, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản đặt ra nhiều vấn đề đáng quan tâm, làm ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng trên địa bàn, tác động trực tiếp đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Xuất phát từ thực tiễn đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã lựa chọn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2017 - 2023”. Đây là nội dung thực sự nóng, khó và phức tạp, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức giám sát trực tiếp tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan, cũng như đi khảo sát, nắm bắt tình hình thực tế.

Qua giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chỉ ra được những hạn chế, bất cập trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản và đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất đối với Trung ương và chính quyền tỉnh Quảng Nam. Trong đó, kiến nghị sớm ban hành luật mới thay thế Luật Khoáng sản năm 2010 có nhiều nội dung không còn đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, minh bạch thông tin trong quản lý nhà nước đối với tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, quy mô nhỏ lẻ, khoáng sản tận thu; tăng mức ký quỹ bảo vệ, phục hồi môi trường; tiếp tục rà soát, bổ sung các khu vực có trữ lượng khoáng sản vào quy hoạch thăm dò, khai thác…

Những vấn đề này được ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận, tranh luận, cũng như chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, thứ 8 Quốc hội khóa XV, góp ý trực tiếp vào việc hoàn thiện và thông qua dự án Luật Địa chất và khoáng sản.

Năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh còn triển khai 3 đoàn giám sát chuyên đề khác. Bao gồm: thực hiện Nghị quyết số 43 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023; thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023.

Đây cũng là những vấn đề hết sức thời sự, bám sát các chương trình hoạt động của Quốc hội, góp phần vào việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Kiên trì kiến nghị vì sự phát triển

Tại các diễn đàn kỳ họp Quốc hội năm 2024, ĐBQH tỉnh Quảng Nam đã có hơn 100 lượt phát biểu đóng góp xây dựng pháp luật, hoàn thiện chính sách và đặc biệt là kiên trì kiến nghị những vấn đề bức xúc từ thực tiễn Quảng Nam, vì sự phát triển của tỉnh.

tiep-xuc-cu-tri-tien-son-3.jpg
Cử tri kiến nghị với ĐBQH về các chính sách về an sinh xã hội. Ảnh: H.Đ

Kỳ họp thứ 8, Chính phủ trình Quốc hội quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với nhiều định hướng phát triển hết sức quan trọng. Song qua rà soát thì không gian biển của Quảng Nam gần như chưa được đề cập, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của tỉnh trong tương lai.

Theo đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tích cực thảo luận, từ thảo luận tổ đến thảo luận tại hội trường, kiên trì kiến nghị, cùng với đó là ban hành văn bản kiến nghị bổ sung Cù Lao Chàm và Khu kinh tế mở Chu Lai vào quy hoạch.

Mục tiêu tiếp tục củng cố quốc phòng, an ninh, kết hợp phát triển kinh tế biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch; hình thành các trung tâm công nghiệp trọng điểm ven biển của vùng và cả nước. Với sự kiên trì này, chủ tọa kỳ họp đã tiếp thu, bổ sung Cù Lao Chàm và Khu kinh tế mở Chu Lai vào Nghị quyết quy hoạch không gian biển quốc gia và được Quốc hội thông qua.

Cũng tại các kỳ họp, đại biểu Quảng Nam đã mang được tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri tỉnh đến với diễn đàn Quốc hội.

Đơn cử như đề nghị sớm khắc phục tình trạng cán bộ sợ sai, né tránh trách nhiệm trong thực thi công vụ; cơ cấu lại các chương trình mục tiêu quốc gia, tăng thẩm quyền, đẩy mạnh phân cấp cho địa phương thực hiện phân bổ, điều chuyển vốn thực hiện các tiểu dự án cho phù hợp với thực tiễn; sớm quan tâm đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; sớm sửa đổi Luật Đấu thầu theo hướng nâng mức đặt cọc theo lũy tiến khi đấu giá quyền khai thác khoáng sản; sớm ban hành nghị định quy định về việc tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giáo dục, tiền lương, phụ cấp và các chính sách khác (nếu có) trên địa bàn các xã khu vực III, khu vực II, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khi xã đạt chuẩn nông thôn mới…

Nhiều nội dung kiến nghị tuy không mới, nhưng là đòi hỏi bức thiết từ thực tiễn kinh tế - xã hội của tỉnh, các đại biểu luôn kiên trì, thể hiện trách nhiệm trước cử tri, vì sự phát triển của Quảng Nam.

Gắn bó chặt chẽ với cử tri

Để lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, ĐBQH Quảng Nam đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong các hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, đi cơ sở và thực hiện công tác xã hội…

Năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức 4 đợt tiếp xúc cử tri định kỳ tại 20 điểm trên địa bàn 100 xã, phường, thị trấn của các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH tỉnh còn tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử theo đối tượng là cán bộ, đoàn viên, công nhân, lao động; tiếp xúc và đối thoại với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục.

Sau các đợt tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp và chuyển 129 kiến nghị đến các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và trả lời cử tri; nhiều nội dung kiến nghị của cử tri được ĐBQH phát biểu tại các diễn đàn Quốc hội.

Công tác tiếp công dân cũng được ĐBQH duy trì nghiêm túc vào ngày làm việc đầu tiên hằng tháng. Năm 2024, ĐBQH Quảng Nam đã tiếp 22 lượt/22 vụ việc/158 công dân (trong đó có 9 đoàn đông người). Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiếp nhận 142 đơn (28 đơn khiếu nại, 19 đơn tố cáo, 95 đơn kiến nghị, phản ánh).

Nội dung khiếu nại, phản ánh, kiến nghị của công dân chủ yếu liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công tác bồi thường thiệt hại, tái định cư và lĩnh vực tư pháp. Thông qua công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, ĐBQH Quảng Nam đã hiểu hơn về những bức xúc, trăn trở của người dân. Từ đó thiết thực đồng hành, gắn bó với người dân và chính quyền để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Năm 2024, Quốc hội tổ chức 6 kỳ họp (trong đó có 4 kỳ họp bất thường), thông qua 31 luật, 60 nghị quyết và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai; sửa đổi các luật về thuế; ban hành nhiều dự án luật liên quan đến quản lý dữ liệu, chuyển đổi số, tháo gỡ những vướng mắc trong đầu tư công, quản lý tài chính ngân sách; quy hoạch không gian biển quốc gia; quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, về phòng chống ma túy; quyết định đầu tư các tuyến cao tốc đường bộ Bắc - Nam, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; điều chỉnh mức lương cơ sở... Quốc hội tiếp tục kiện toàn các chức danh quan trọng của Nhà nước.

NHO TUẤN