Giảm nghèo - An sinh

Năm 2024, Quảng Nam bứt phá giảm nghèo bền vững

DIỄM LỆ 03/01/2025 10:19

Năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của Quảng Nam đã giảm mạnh, góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh.

20240513_170420.jpg
Người dân miền núi được hỗ trợ sắp xếp dân cư, làm nhà ở để ổn định cuộc sống. Ảnh: D.L

Giảm 4.397 hộ nghèo

Theo kết quả khảo sát, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh năm 2024 là 20.272 hộ (tỷ lệ 4,56%), số hộ nghèo giảm 4.397 hộ so với mục tiêu đề ra là giảm 2.900 hộ nghèo; hộ cận nghèo còn 7.955 hộ (tỷ lệ 1,79%). Trong đó, khu vực đồng bằng còn 4.695 hộ nghèo (tỷ lệ 1,32%), khu vực miền núi còn 15.577 hộ nghèo (tỷ lệ 17,53%).

Số hộ nghèo còn ở khu vực đồng bằng phần lớn là hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội, già yếu neo đơn, còn lại hộ nghèo chủ yếu tập trung ở khu vực miền núi của tỉnh. So với chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Quảng Nam là giảm từ 0,3 - 0,4%/năm, thì Quảng Nam đã giảm được 1,01% so với năm 2023.

Theo bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững gắn với phong trào thi đua “Quảng Nam chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025 được các cấp, ngành, địa phương trong toàn tỉnh chung tay thực hiện để hỗ trợ hộ nghèo, thôn nghèo, xã nghèo, huyện nghèo.

Bà Lộc cho biết: “Các địa phương, đơn vị tùy theo điều kiện đã phát động nhiều phong trào về giảm nghèo, đa dạng về hình thức, nội dung thực hiện. Điển hình như nhận hỗ trợ, giúp đỡ, đỡ đầu hộ nghèo, hộ cận nghèo về nguồn lực, khoa học kỹ thuật và tinh thần để phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần phát huy tính sáng tạo, tự nguyện, tự giác của địa phương, của cộng đồng dân cư và của hộ nghèo, hộ cận nghèo.

20240513_160420.jpg
Trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số những năm gần đây được hỗ trợ nhiều mặt để cải thiện chất lượng cuộc sống. Ảnh: D.L

Thông qua hoạt động thông tin, tuyên truyền, đối thoại, cán bộ các cấp và người dân đã cơ bản tiếp cận, nắm bắt được chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo và tích cực hưởng ứng tham gia.

Chính sự vươn lên của mỗi hộ nghèo, cùng với sự hỗ trợ dài hơi từ các chính sách của cả giai đoạn đã giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững hơn, đặc biệt là hộ nghèo khu vực miền núi”.

Từ các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, toàn tỉnh đã triển khai được 150 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng trên địa bàn các huyện, với 3.391 hộ dân tham gia.

Ngoài ra, còn hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp với 66 dự án, có 1.750 hộ dân tham gia. Các dự án ở lĩnh vực phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững vùng nghèo, vùng khó khăn, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo... đã giúp cho hàng nghìn hộ nghèo được tiếp cận chính sách, an cư, ổn định công việc, tạo sinh kế bền vững.

Nỗ lực thực hiện chương trình mục tiêu

Tổng kế hoạch vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh năm 2024 (bao gồm vốn 2022 và 2023 kéo dài sang năm 2024) hơn 1.273 tỷ đồng; trong đó ngân sách trung ương hơn 1.109 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 183,8 tỷ đồng.

z5429304827215_2928940c383e81f5fd9dd40216d2bcb4.jpg
Các địa phương, cơ quan, đơn vị có nhiều cách hỗ trợ sinh kế để giúp hộ nghèo thoát nghèo. Ảnh: D.L

Trước khi có Nghị quyết số 111 ngày 18/1/2024 của Quốc hội, Quảng Nam gặp nhiều khó khăn trong giải ngân nguồn vốn từ các chương trình MTQG, trong đó có giảm nghèo bền vững.

Sau khi có Nghị quyết 111, Sở LĐ-TB&XH đã tổng hợp, phối hợp với các sở tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh điều chỉnh, điều chuyển dự toán nguồn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn của Quảng Nam.

Từ nguồn vốn của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều dự án hỗ trợ giảm nghèo. Cụ thể, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Có 6 huyện nghèo đã thực hiện đầu tư xây dựng mới và thanh toán khối lượng hoàn thành 224 công trình/dự án giao thông, giáo dục, thủy lợi, nước sinh hoạt, khu chăn nuôi tập trung...

Bà Lộc cho biết: “Trong quá trình triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững có nhiều khó khăn, vướng mắc, tỉnh và các địa phương nỗ lực tháo gỡ để thực hiện đạt hiệu quả.

Đích đến cuối cùng không gì khác là hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bền vững, cùng quyết tâm đạt mục tiêu năm 2025 hỗ trợ thêm 3.000 hộ nghèo của tỉnh thoát nghèo bền vững, hoàn thành mục tiêu cả giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh”.

DIỄM LỆ