Bài học từ di thực sâm Ngọc Linh
Việc di thực sâm Ngọc Linh đến các địa phương khác, cuối cùng đã có kết luận là không đạt.
Vấn đề này, ở góc nhìn muốn thay đổi đời sống kinh tế, nhân rộng mô hình phát triển của loại cây đặc biệt quý hiếm này, là hoàn toàn đúng về mục đích.
Bởi nếu nó thích hợp và cho kết quả tốt, thì rõ ràng sẽ tạo ra sức bật cho những vùng ngoài Ngọc Linh, mở đường cho những toan tính khác để tạo ra điểm sáng bức tranh kinh tế vùng cao vốn còn nhiều gian khó. Nhưng cũng từ chuyện cây sâm Ngọc Linh “từ chối” định cư chỗ khác, cho thấy mấy việc.
Một, đặc hữu trên rõ ràng không thể tùy tiện đưa đi chỗ khác, bởi nó sống trên vùng đặc biệt, mà chỉ có vùng đó mới thích ứng tốt. Hai, thử nghiệm là chuyện bình thường trong khoa học, nhưng ở đây khi nó thất bại, thì chắc chắn phải quay ngược lại việc xác định trước đây đầy đủ và kỹ càng chưa về chu trình sống và cho củ. Ba, càng không ở được nơi khác, thì nó càng giá trị cao. Vấn đề còn lại là đẩy mạnh hơn việc trồng, bảo quản, chế biến, phát triển đúng tiềm năng và hiệu quả nó mang lại, chứ không thể như hiện nay.
Cách đây 2 năm, người viết có phỏng vấn TS.Lê Tiến Dũng (nguyên Trưởng khoa Nông học, Trường Đại học Nông lâm Huế), ông nói: “Tôi nghe Viện Công nghệ - sinh học Đại học Huế nuôi cấy mô và di thực sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My, tôi thách làm được đó, bởi tôi mấy lần lên đó rồi, dứt khoát khẳng định nó chỉ sống được ở Ngọc Linh, đừng cố làm đem đi nơi khác!”. Nhớ lại, trước đây một số nơi ở vùng cao, khí hậu lạnh như Tây Bắc, đã đem giống cá từ ngoài đó về thả, nhưng cuối cùng cũng không thành công.
Việc xác định khả năng thích ứng với cây, con thuộc loại đặc biệt, thì không thể làm theo phong trào, cảm tính, bởi tự nhiên đã sản sinh ra, đặt để chỗ đó, không phải không có lý do. Nhân rộng ra, chắc chắn phải trải qua quy trình biến đổi gen khi có sự can thiệp của khoa học, thì nó mới thích ứng và không phải một sớm một chiều.
Việc nhân giống, nuôi cấy mô từ phòng thí nghiệm ra thực địa, hoặc di thực cây sâm Ngọc Linh, cuối cùng cho kết quả là âm, có lẽ là bài học không riêng gì cho cây sâm mà còn cho các cây, con đặc biệt khác, khi môi trường sống thay đổi. Lắng nghe ý kiến khách quan của những chuyên gia uy tín, là điều hết sức đáng để lên hàng đầu.
Và khoảng trống cây sâm Ngọc Linh để lại ở các địa phương, lại dấy lên câu hỏi: Vậy thì nên trồng gì đây? Phải chăng, mỗi địa phương có một thế mạnh khác nhau, thì cần tư duy lại cách làm để phát triển cây chủ lực, góp phần thay đổi đời sống, kinh tế - xã hội trong điều kiện tiến bộ khoa học kỹ thuật, vốn, đường sá… bây giờ đã thuận lợi rất nhiều.