Khoảng trống trong làng
Nhiều năm nay, hàng trăm người dân ở Nam Trà My, chủ yếu là phụ nữ đã lựa chọn tham gia xuất khẩu lao động sang các nước Hàn Quốc, Nga, Ả Rập Xê-út...
Họ đi, mang theo nhiều hy vọng. Nhưng tránh sao được khoảng trống trong tim người ở lại. Làng nóc nơi họ ngụ cư, thiếu những bước chân đàn bà sớm chiều...
“Làng không vợ”
Làng Tăk Nầm (thôn 3, xã Trà Don) nằm phơi mình trên đỉnh núi. Người dân xã Trà Don hay gọi vui Tăk Nầm là “làng không vợ”. Cả làng có 21 hộ, thì 13 hộ có phụ nữ đi xuất khẩu lao động. Tôi lên làng, mơ hồ về những trống trải và khó khăn, mà cánh mày râu làng này đang nếm trải.
“Đi lên giờ ni sợ không có ai” - anh Hồ Văn Núi, trưởng thôn 3 nói. Phần lớn thời gian trong ngày, người làng đi lên rẫy, hoặc làm công trình, đến tối họ mới về.
Làng vắng. Thoảng trong gió chỉ có tiếng rì rào của dòng suối xa. Mấy sào đồ trước ngõ toàn quần áo của con nít và đàn ông. “Nhìn vô là biết nhà mô không có phụ nữ ở nhà, anh Núi hỉ!” - tôi cười, rồi chúng tôi bất giác bước vào căn nhà hiếm hoi đang mở cửa.
Những người đàn ông ngồi quanh mâm cơm. Anh Núi lên tiếng:
- Chu choa, vợ không có nhà là tụ tập vui vẻ hỉ!
- Mấy anh em mới đi phát quế về, ghé nhà em ăn cơm chớ có tụ tập chi đâu - chủ nhà Nguyễn Văn Lưu phân trần.
Vợ anh Lưu, chị Trương Thị Bé mới sang Hàn Quốc hồi đầu tháng 11/2024, để làm nghề hái dâu tây. Trong nhà bây giờ, duy chỉ có quầy tạp hóa nhỏ đã phủ bụi, còn mọi thứ vẫn tinh tươm. Trước nhà, bên kia vệ đường, căn chòi để nấu rượu vẫn nghi ngút khói.
“Nhớ vợ không?” - tôi hỏi.
“Nhớ chứ, ở nhà có vợ có chồng. Giờ hắn qua bên đó ở một mình, đau ốm không ai chăm sóc. Hôm trước gửi ảnh về, thấy bên đó tuyết phủ đầy. Biết rứa bữa đi bảo hắn gói thêm áo ấm”, Lưu nói như ứa nước mắt. Không khí đang vui, chợt chùng xuống. Căn nhà lúc ấy toàn đàn ông!
Hơn một tháng vợ vắng nhà, anh Lưu vẫn chu toàn mọi việc. Buổi sáng thức dậy, cơm nước cho con xong, anh chở con đi học. Tối đón các con về nhà, anh lo việc tắm rửa rồi cho con ngủ.
Vợ vắng nhà, anh Lưu chỉ thiếu đi người đầu ấp tay gối. Còn hai bếp rượu, anh thay vợ nấu mỗi ngày. Hèm thừa, rau chuối, anh nuôi ba con heo, chưa kể nghề chính là bảo vệ rừng bán chuyên trách. Tiền vay ngân hàng 30 triệu đồng, vợ đi chưa đầy một tháng, anh ở nhà gói ghém tằn tiện trả trước được 10 triệu đồng.
“Làng ni phụ nữ họ đi nhiều, chồng phải làm được việc nhà, chăm được con, vợ mới yên tâm đi làm, 8 tháng ngó rứa chứ nhanh lắm. Chừ chủ yếu lo cho con, với coi ngó nhà cửa, kiếm thêm việc để trả cho xong nợ vay ngân hàng” - anh Lưu nói.
Vắng mẹ, các con anh Lưu tối ôm bố, ngày nương tựa lớp, trường. Bọn trẻ trên vùng cao này, ít khi chia sẻ cảm xúc với ai. Chỉ nghe anh Lưu kể, lâu lâu mẹ gọi về, thì mấy mẹ con chỉ biết nhìn nhau khóc. Anh cũng khóc theo, nhưng vẫn gắng để động viên vợ con.
Anh Núi nói, thôn 3 này phụ nữ đi xuất khẩu lao động nhiều. Nhất Tăk Nầm, nhì Tăk Tố, cả thôn năm nay “vắng” gần ba chục người. Một phần nhờ công tác tuyên truyền của chính quyền, phần do người dân thấy được hiệu quả sau chuyến đi của vài người đầu tiên. Rồi cứ vậy, họ lần lượt rời làng, với ước mơ thay đổi cuộc sống gia đình.
Rời Tăk Nầm, niềm tin mãnh liệt về tương lai tươi sáng cho những cộng đồng làng, thúc giục tôi muốn thấy thêm không khí ở những làng khác. Cho đến khi gặp cậu nhóc Khang bên đường dẫn vào làng C72 (thôn 4, xã Trà Cang)...
Kết quả khảo sát về lao động nữ di cư tại các khu công nghiệp, chế xuất do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố năm 2023 cho thấy, tỷ lệ ly hôn ở lao động nữ di cư là 10%, cao gấp gần 5 lần so với tỷ lệ 2,1% ở nữ giới nói chung (theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019).
Khoảng trống vô hình
“Thằng cu đó, mẹ nó đi xuất khẩu lao động đó!”, tôi mừng rỡ nhìn theo cái chỉ tay của người làng C72. Khang thoáng xuất hiện ngang qua trước mặt tôi, chân bước đi thoăn thoắt, rồi mất hút sau khúc cua của con đường rợp bóng keo.
Căn nhà Khang đang ở, đúng theo lối kiến trúc truyền thống của người Xơ Đăng. Bên trong, ngoài căn bếp nguội lạnh, chỉ có đôi võng treo ở hai góc nhà, là chỗ ngủ của Khang và ông ngoại. “Ba mẹ con đi hết hả, rồi cơm nước răng?”. “Có bữa con nấu, có bữa ông ngoại. Gạo mẹ con gửi cậu Dương mua đem qua”.
“Mà bữa ni thứ Ba, răng con không đi học?”, tôi hỏi dò, nhưng thằng bé chỉ đáp lại bằng nụ cười gượng. Bao nhiêu đáp án cứ nhảy trong đầu tôi, rằng có thể Khang bị ốm, hay nhà thằng bé có việc... Nhưng sai hết. Thằng bé nghỉ học giữa chừng.
Anh Hồ Văn Dương - cậu của Khang nói tôi biết thế. “Khang không muốn học, hồi ba mẹ còn ở nhà, chuyển trường hai lần, nó vẫn trốn. Ba nó đánh miết, mà ép quá sợ nó nghĩ quẩn, nên đành để nó tự làm theo ý mình” - anh Dương nói.
Hơn một năm nay, chị Hộp, mẹ Khang đi xuất khẩu ở Ả Rập Xê-út, mỗi lần gọi về đều khuyên răn đủ điều, nhưng Khang vẫn không nghe. Chán nản, ba Khang cũng vào Lâm Đồng kiếm việc.
Khang nói, em trông mẹ về, nhưng rất sợ mẹ mắng. Nỗi nhớ mong và sợ khi gặp mẹ, trở thành mâu thuẫn thường trực trong đứa trẻ chưa đầy 12 tuổi. Thường ngày, Khang chỉ tiếp xúc với ông ngoại và đám trẻ cùng lứa trong làng. Kể cả với cậu Dương, nhà ngay đối diện, em vẫn có một khoảng cách nhất định.
Thương chị, anh Dương ở nhà phụ trông hai đứa em của Khang. Ngoài Khang đã nghỉ học từ lớp 5, chị Hộp còn đứa con út học lớp 3 và đứa con nuôi đang học lớp 4.
“Mình làm được chi thì làm, vợ mình cũng từng đi xuất khẩu lao động, nên mình rất hiểu tâm trạng mấy đứa cháu bây giờ. Chỉ mong thằng Khang nó thay đổi suy nghĩ, chịu đi học để ba mẹ nó bớt lo” - anh Dương nói.
“Đừng để con cái mình phải bơ vơ” là câu nói được bà Hồ Thị Huệ - Trưởng thôn 4, xã Trà Cang nhắc đến nhiều tại các cuộc họp thôn. Không riêng bà Huệ, nếu trước đây, các bí thư chi bộ, trưởng thôn cảm thấy tự hào việc người dân đi xuất khẩu lao động, thì nay, lại phát sinh nhiều vấn đề khiến họ băn khoăn.
Tuổi phụ nữ đi xuất khẩu lao động thường còn khá trẻ, tập trung từ 21- 45 tuổi. Tập quán người Xơ Đăng trước đây có vợ có chồng thuận theo tự nhiên, nhiều cặp không đăng ký kết hôn. Nên một số phụ nữ khi lựa chọn cơ hội việc làm ở nước ngoài, trước nhiều sự... săn sóc ở xứ lạ, khi hết hạn hợp đồng, họ đã không lựa chọn trở về vùng đất của mình.
Theo bà Huệ, đi xuất khẩu lao động được nhiều cái lợi, người dân bỏ được rượu, học hỏi được thêm nhiều điều mới mẻ, tiến bộ, có tiền gửi về hằng tháng. Nhưng cũng gặp nhiều khó khăn, bất tiện trong giữ lửa hạnh phúc gia đình, chăm lo cho con cái.
“Chi bộ, trưởng thôn phải thường xuyên theo dõi, nhắc nhở họ, phải nghĩ đến cái mục đích chính của xuất khẩu lao động, để phấn đấu” - bà Huệ nói.
Tạm biệt tôi, bà Huệ chỉ về phía làng thủy điện (thuộc thôn 4), nơi có 7 hộ dân sinh sống. Ở đó cũng có một hộ có phụ nữ đi xuất khẩu lao động, chồng ở nhà chăm hai con nhỏ và gởi gắm niềm tin chờ ngày vợ về.