Tác phẩm, tác giả

"Quê hương và tôi" - hồi ức của Hồ Thanh Hải

TRẦN TRUNG SÁNG 05/01/2025 08:48

“Quê hương và tôi” là tác phẩm của Hồ Thanh Hải, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2024. Đây là tập hồi ký về quê hương vùng đông Thăng Bình của tác giả.

20241212_153706.jpg
Tập sách "Quê hương và tôi" của Hồ Thanh Hải

Trong lời giới thiệu của tập sách, nhà văn Hồ Sĩ Bình cho rằng, “tập hồi ký “Quê hương và tôi” đã góp phần vào kho tư liệu, sách vở về lịch sử chiến tranh kháng chiến của Quảng Nam thêm phong phú, đặc biệt trên mặt trận tuyên truyền, cổ vũ, vận động văn hóa, đường lối chính sách…”.

Chương đầu với tên gọi “Quê hương tôi”, tác giả kể lại khá chi tiết về miền quê hương thơ ấu nằm sát bờ biển: xã Bình Hải, huyện Thăng Bình. Miền quê nghèo xơ xác, là nơi người dân từng chiến đấu dũng cảm ngoan cường trước mũi lê, họng súng quân thù xâm lược cả thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Cha đi tập kết, rồi hoàn cảnh khách quan, mẹ đi thêm bước nữa, cậu bé Hải đã lớn lên trong hoàn cảnh nghiệt ngã, thiếu thốn tình thương… Dù vậy, tuổi thơ của tác giả cũng có những ngày tháng êm đềm dưới mái trường làng, cùng những kỷ niệm bên sông Trường Giang.

Thế rồi, trận lụt lịch sử năm Giáp Thìn (1964) đã tàn phá nặng nề cả người và tài sản khắp các tỉnh miền Trung, trong đó Quảng Nam có nhiều làng xã nhà cửa, trường học... bị cuốn trôi, xóa sạch.

Cũng thời điểm đó, vào những ngày tháng 9/1964, Bình Hải cùng nhiều xã vùng đông Thăng Bình hoàn toàn giải phóng, hệ thống chính quyền, giáo dục cách mạng bắt đầu hoạt động.

Bình Hải đã có trường cấp 2, nhưng không trụ được bao lâu, vì địch liên tiếp đánh phá, càn quét, tác giả phải bỏ học, tham gia làm liên lạc cho du kích xã.

Cuối năm 1967, khi đoàn văn công Khu 5 về vùng đông Thăng Bình, họ tình cờ gặp và phát hiện cậu bé Hồ Thanh Hải thích ngâm thơ, có chất giọng thích hợp với dân ca bài chòi. Hải đã được giới thiệu và tuyển chọn vào đoàn văn công huyện Thăng Bình.

Hồ Thanh Hải được nhận vai diễn đầu tiên ở vở “Đội kịch chim chèo bẻo”. Từ đó, đoàn kịch đi đến đâu biểu diễn cũng được bà con đến xem đông như hội.

Sau chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, vùng đông Thăng Bình bị địch tăng cường đánh phá ác liệt, lấn chiếm vùng giải phóng.

Tháng 9/1968, đoàn kịch “Chim chèo bẻo” phải giải thể. Hồ Thanh Hải được điều động về nhận nhiệm vụ tại Ban Binh vận Huyện Thăng Bình, với công việc cụ thể: “Hằng ngày đi học văn hóa một buổi và một buổi đi học lớp viết li-tô ( viết chữ ngược trên bản đá cẩm thạch) để in truyền đơn, nhưng ưu tiên cho việc học in li-tô”.

Anh vẽ cả tranh minh họa, rồi ngồi in hàng ngàn lá truyền đơn và đóng gói gởi cho các đội công tác mang vào vùng địch phát tán... Cho đến ngày đất nước thống nhất, tác giả trải qua nhiều nhiệm vụ ở vùng đông Thăng Bình.

Điều thú vị, tập hồi ký “Quê hương và tôi” có dành phần phụ lục Dân ca bài chòi, do chính Hồ Thanh Hải sáng tác. Điều này thể hiện sự say mê, yêu thích của tác giả với bài chòi - bộ môn nghệ thuật truyền thống...

TRẦN TRUNG SÁNG