Giáo dục - Việc làm

Quy định mới về dạy thêm, học thêm:Liệu có khả thi?

CHÂU NỮ 06/01/2025 09:48

Vấn đề dạy thêm, học thêm luôn được toàn xã hội quan tâm. Vì thế nên khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo thông tư quy định về hoạt động dạy thêm, học thêm nhằm thu thập rộng rãi ý kiến đóng góp (từ ngày 22/8/2024 - 22/10/2024), đã có rất nhiều ý kiến góp ý, trong đó có cả đề nghị “cấm tuyệt đối dạy thêm, học thêm”.

tiểu học
Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT quy định không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học (trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống). Ảnh: C.N

Những quy định về dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024 vừa được Bộ GD-ĐT ban hành được cho là phù hợp và nhận được nhiều sự đồng tình so với quy định trước đó tại Thông tư 17/2012 của Bộ GD-ĐT.

Tuy nhiên, Thông tư 29 không cấm những nhu cầu có thực và chính đáng của cả người dạy thêm lẫn người học thêm mà chỉ cấm những hiện tượng tiêu cực trong dạy thêm, học thêm. Đây được xem là quy định phù hợp với tình hình thực tế và bỏ được tư duy “không quản được thì cấm” trong việc xây dựng các quy định của pháp luật.

Ngay khi Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 29, báo điện tử Vnexpress.net đã có cuộc khảo sát về quy định “cho giáo viên dạy thêm nhưng cấm thu tiền học sinh chính khóa”, hơn 50% số người khảo sát ủng hộ quy định này; cũng có người cho rằng “quy định đó là vô lý” và một số ít đề nghị quản lý dạy thêm, học thêm bằng cách khác.

Là người có con trong độ tuổi đi học, tôi cho rằng, với chương trình giáo dục phổ thông 2018, thì dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thực. Vấn đề quan trọng là cách tổ chức, quản lý việc dạy thêm, học thêm như thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình dạy thêm, học thêm nhằm tạo công bằng cho học sinh; tạo điều kiện để giáo viên được dạy thêm một cách “danh chính ngôn thuận”, không bị tai tiếng.

Học sinh có nhu cầu học thêm để cải thiện kết quả học tập; phụ huynh không có thời gian kèm cặp, quản lý nhưng có điều kiện về tài chính thì có thể cho con em mình học thêm. Giáo viên cũng có nhu cầu dạy thêm để tăng thu nhập một cách chính đáng. Đó là những nhu cầu có thật.

Đáng tiếc, lâu nay nhiều hiện tượng tiêu cực trong dạy thêm, học thêm đã xảy ra và được nhận diện: học sinh tiểu học học bán trú đã học cả ngày ở trường, tan học lại tiếp tục đến nhà giáo viên để học thêm, các em không có thời gian vui chơi giải trí; giáo viên dạy trên trường qua loa lấy lệ, ép điểm học sinh để dạy thêm; dạy thêm, học thêm đã làm gia tăng áp lực tài chính cho phụ huynh khi nhiều gia đình phải cố gắng chắc bóp cho con đi học thêm vì sợ con mình không bằng bạn bằng bè, sợ bị giáo viên “trù dập”…

Những điểm mới đáng chú ý của Thông tư 29 là quy định về những trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm. Trong đó, quy định không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học (trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống) được cho là rất phù hợp.

Ngoài ra, giáo viên đang dạy học tại trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang dạy tại trường. Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

Nhà trường, tổ chức, cá nhân không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm; không cắt giảm nội dung dạy học ở trường để đưa vào dạy thêm.

Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các trường hợp: học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch của nhà trường. Các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh…

Bước đầu có thể thấy những quy định về dạy thêm, học thêm theo Thông tư 29 hợp lý hơn so với trước đây. Nếu thực hiện đúng quy định tại Thông tư 29, những vấn đề tiêu cực về dạy thêm, học thêm sẽ được ngăn chặn. Vấn đề là khi thông tư có hiệu lực (từ ngày 14/2/2025), việc tổ chức, thực hiện, quản lý, giám sát, xử lý vi phạm… có đúng như quy định hay không mà thôi. Hãy chờ xem!

CHÂU NỮ