Lao động - Việc làm

Đào tạo nghề ở Đông Giang: Hướng đến giải quyết việc làm tại chỗ

NGỌC VY 06/01/2025 17:30

(QNO) - Với mục tiêu giảm nghèo, tăng cơ hội tìm việc làm cho người dân, những năm qua, huyện Đông Giang đã chú trọng công tác đào tạo nghề sát với nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương nhằm giải quyết việc làm tại chỗ, giảm tỷ lệ hộ nghèo, từng bước nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân.

Học viên được hướng dẫn thực hành các món ăn
Học viên được hướng dẫn chế biến món ăn. Ảnh: N.V

Đào tạo nghề gắn với nhu cầu cải thiện cuộc sống

Đào tạo nghề ở huyện Đông Giang ban đầu như hoạt động trải nghiệm nghề, phải gắn với hoạt động sống hằng ngày của người dân. Các thao tác kỹ thuật cơ bản như trồng trọt, chăn nuôi, pha chế đồ uống, chế biến món ăn… hay thao tác trộn vữa - xây gạch. Từ đó, qua hướng dẫn người dân có thể tự ứng dụng vào đời sống hoặc tự tạo việc làm, tham gia vào thị trường lao động.

Ông Đinh Ngọc Thanh - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đông Giang cho biết: “Chúng tôi hướng đến mục tiêu giảm nghèo cho người dân, tăng cơ hội việc làm cho thanh niên địa phương. Nhưng trước hết, đào tạo nghề được xác lập trên nền tảng hoạt động kinh tế, lao động hằng ngày của người dân địa phương, như các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi để họ có thể làm kinh tế ngay trên khu vườn của mình. Cạnh đó, huyện cũng chú trọng đào tạo những nghề có nhiều cơ hội việc làm cho thanh niên như kỹ thuật pha chế đồ uống, may mặc, nề hoàn thiện… Chúng tôi hy vọng người được đào tạo nghề có thể tự tạo sinh kế ngay trên mảnh đất của mình hoặc có thể tham gia vao thị trường lao động”.

Được biết, năm 2024 từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và về dân tộc thiểu số - miền núi, huyện Đông Giang đã tổ chức 18 lớp đào tạo nghề cho 613 lao động, với kinh phí trên 1,6 tỷ đồng. Các lớp nghề này được tổ chức ngắn hạn và trang bị kỹ năng nghề về chế biến món ăn, nuôi cá nước ngọt trong ao, nuôi bò vỗ béo, trị bệnh ở gà, cách sử dụng thuốc thú y và nghề thợ xây (thợ nề)...

Anh Arất Hùng, học viên vừa hoàn thành lớp thợ xây hoàn thiện ở xã A Rooi cho biết: “Tôi từng đi phụ hồ, hiện nay nhu cầu xây nhà ở, công trình nhiều nên tôi thấy ở đâu cũng cần thợ xây. Tôi ao ước được cầm cái bay để có thể tự xây ngôi nhà cho gia đình mình. Sau hơn 3 tháng học nghề, giờ đây tôi đã có chứng chỉ nghề nề. Tôi cùng các thanh niên địa phương có thể nhận xây nhà cấp 4, các công trình đơn giản cho bà con ở xã hoặc có thể đi xin việc các nơi khác”.

Thanh niên xã Mà Cooih học nghề thợ xây. Video: N.V

Ấp ủ sinh kế

Thông qua các lớp đào tạo nghề kỹ thuật chế biến món ăn, chị Phạm Như Mai (thị trấn Prao) đã tìm được việc làm đầu bếp tại Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang với mức lương 8 - 9 triệu đồng/tháng. Cạnh đó, hàng chục học viên ở địa phương được nhận vào làm việc tại Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang với mức lương từ 5 - 6 triệu đồng/tháng.

Tương tự, mô hình sản xuất chổi đót cũng tạo việc làm cho 70 lao động, thu nhập bình quân của người lao động từ 1,2 - 1,7 triệu đồng/tháng; một số lao động học nghề chăn nuôi, nuôi bò vỗ béo ở các địa phương tự tạo việc làm tại chỗ, tuy nhiên thu nhập chưa ổn định.

Ông A Vô Tô Phương - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết để thanh niên trong độ tuổi lao động có việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thời gian qua, huyện Đông Giang đã phối hợp tư vấn, định hướng nghề nghiệp trên 10.000 đoàn viên thanh thiếu niên trên địa bàn, qua đó giúp 350 thanh niên tìm kiếm được việc làm có thu nhập ổn định. Riêng năm 2024, huyện Đông Giang phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Nam tổ chức sàn giao dịch việc làm năm 2024. Hơn 600 đoàn viên thanh niên và người lao động, trong đó có nhiều người thuộc diện hộ nghèo, được tư vấn, cung cấp thông tin tuyển dụng, chính sách hỗ trợ... để tìm kiếm việc làm phù hợp. Từ năm 2022 đến nay, Đông Giang có gần 400 thanh niên được đào tạo nghề có việc làm ổn định.

Mô hình nuôi heo đen đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân Đông Giang
Học nghề chăn nuôi, nhiều hộ dân Đông Giang đã xây dựng mô hình nuôi heo đen, cho thu nhập cao. Ảnh: N.V

Nhờ công tác đào tạo nghề xuất phát từ hơi thở cuộc sống theo phương châm “đào tạo đến đâu, giải quyết việc làm đến đó” nên đã đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân miền núi Đông Giang. Tuy vậy, để “hành nghề”, tìm kế mưu sinh, và tham gia thị trường lao động như một sinh kế là một câu chuyện dài.

Theo ông Đỗ Tuấn Dũng, chuyên gia tư vấn thiết kế xây dựng - giảng viên Lớp nghề nề hoàn thiện xã A Rooi và xã Mà Cooih, hiện nhu cầu xúc tiến việc làm, thúc đẩy lao động lành nghề tham gia vào thị trường lao động đang gặp nhiều khó khăn, nhất là lao động miền núi. Việc truyền lửa nghề để người lao động tự tạo việc làm, tự vận dụng kiến thức vào làm kinh tế gia đình để mưu sinh tại quê nhà… là câu chuyện đang bị bỏ ngỏ.

“Chúng tôi đang chọn lựa những học viên ưu tú, lành nghề để xúc tiến thành lập Tổ hợp tác thanh niên, đủ tư cách pháp nhân để tham gia các hoạt động xây dựng chuyên nghiệp tại địa phương nhằm tạo sinh kế cho học viên của Tổ hợp tác. Qua đó giúp học viên được truyền lửa nghề, yêu nghề và hành nghề, tạo nguồn sống bền vững cho họ” - ông Dũng cho hay.

Trao chứng chỉ nghề nề cho các học viên
Trao chứng chỉ nghề nề cho các học viên. Ảnh: N.V

Huyện Đông Giang phấn đấu trong năm 2025 đào tạo nghề cho 330 lao động, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 65%, qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ 35%.

“Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh việc đào tạo nghề, huyện sẽ chọn lựa những nghề thực sự cần đào tạo để phục vụ yêu cầu trước mắt và lâu dài của địa phương. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục tăng cường liên doanh, liên kết, hợp tác giữa các cơ sở đào tạo nghề với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm giải quyết việc làm cho người lao động sau khi học nghề” - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang A Vô Tô Phương nhấn mạnh.

NGỌC VY