Điện Bàn đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế
Năm 2025, thị xã Điện Bàn đặt mục tiêu tăng thu ngân sách, phấn đấu giá trị sản xuất toàn nền kinh tế tăng 11% trở lên; thu nhập bình quân đầu người hơn 70 triệu đồng/năm. Hiện thực điều này nhiều giải pháp sẽ được triển khai đồng bộ, quyết liệt, bám sát trọng tâm trọng điểm.
Kế sách tăng thu ngân sách
Ông Nguyễn Minh Hiếu - quyền Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, năm 2025 Điện Bàn đặt ra nhiều mục tiêu trọng tâm phải hoàn thành.
Cụ thể, bên cạnh củng cố, sắp xếp các phòng, ban theo chủ trương của Trung ương, của tỉnh, thị xã sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp.
Tập trung giải quyết các vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; đẩy nhanh triển khai tiến độ các dự án trên địa bàn, dự án trọng điểm liên quan đến phát triển đô thị. Đồng thời đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, giải quyết hồ sơ thủ tục trong nhân dân...
Đặc biệt, thị xã sẽ tập trung theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt việc tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương. Trong đó, chú trọng giải quyết những vướng mắc của các dự án đô thị giúp các dự án sớm hoàn thành, nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách.
“Trước mắt, sẽ kiểm tra, hoàn thiện tất cả dự án khai thác do thị xã làm chủ đầu tư; triển khai thủ tục hồ sơ đấu giá khai thác quỹ đất. Riêng với một số dự án không có kinh phí thực hiện đầu tư, thị xã đã làm việc với Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam ứng vốn tập trung công tác giải phóng mặt bằng và triển khai thủ tục hồ sơ đầu tư xây dựng. Ngoài ra, Điện Bàn cũng đẩy mạnh tăng nguồn thu liên quan đến các khoản thuế, phí, lệ phí...” - ông Hiếu thông tin.
Nguồn thu sử dụng đất tại thị xã Điện Bàn chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng nguồn thu ngân sách của địa phương. Tuy nhiên, các năm 2023, 2024 nguồn thu này hầu như không đạt.
Đồng bộ giải pháp
Mặc dù năm 2024 tổng giá trị sản xuất toàn nền kinh tế tăng 7,52% so với năm 2023 nhưng cũng mới chỉ đạt 97,75% kế hoạch. Do đó, mục tiêu phát triển kinh tế năm 2025 khá nặng nề.
Theo ông Nguyễn Minh Hiếu, hiện thực hóa kết quả trên, thị xã đã đề ra từng nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Như rà soát, điều chỉnh quy hoạch cục bộ một số cụm công nghiệp; tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các cụm công nghiệp, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, thu hút nhà đầu tư.
Tiếp tục triển khai các bước thực hiện dự án đầu tư lập mới Quy hoạch phân khu ven biển, điều chỉnh quy hoạch phân khu gồm Khu đô thị Điện Thắng, Khu đô thị Phương An; điều chỉnh quy mô Khu đô thị Tây 607.
Hoàn chỉnh nội dung Chương trình phát triển đô thị Điện Bàn đến năm 2030 và năm 2045. Thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Thực hiện và kiểm soát chặt chẽ quy trình, thủ tục thu hồi đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, theo dõi quá trình quản lý sử dụng đất đúng quy định của pháp luật.
Tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tìm đầu ra cho sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, thế mạnh tại địa phương.
Đồng thời chú trọng các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch. Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả liên kết du lịch Điện Bàn - Hội An - Duy Xuyên. Thực hiện tốt việc chuyển đổi số trong ngành du lịch nhằm phù hợp với xu thế phát triển.
Đặc biệt, tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc phát hiện, xử lý vi phạm trên lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng. Điều hành chặt chẽ thu, chi ngân sách, làm tốt công tác dự báo, dự toán thu - chi ngân sách, tăng cường chỉ đạo công tác thu ngân sách nhà nước, tổ chức đầu tư có trọng điểm, đồng thời quản lý chặt chẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư.
Năm 2025, Điện Bàn đặt mục tiêu giá trị sản xuất toàn nền kinh tế so với năm 2024 tăng 11% trở lên. Trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 11% trở lên (riêng công nghiệp tăng 10% trở lên); nông - lâm - ngư nghiệp tăng 2% trở lên; thương mại - dịch vụ tăng 13% trở lên; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 12% trở lên; thu nội địa trên địa bàn tăng 29% trở lên; tỷ lệ đô thị hóa 64% trở lên; thu nhập bình quân đầu người hơn 70 triệu đồng/người/năm…