Giảm nghèo - An sinh

Thơm ngát hương rừng

KHÁNH NGUYỄN 08/01/2025 09:20

Bằng tinh thần trách nhiệm, nhiều năm qua, các đảng viên trẻ ở miền núi đã giúp hàng chục hộ đồng bào khó khăn vươn lên thoát nghèo...

eef623062eca9494cddb.jpg
Hồ Văn Dấu (trái) bên mô hình “Vườn sâm kết đoàn”. Ảnh: NVCC

Tặng sâm người khó khăn

Chuyện đã nhiều năm nhưng Hồ Văn Dấu - Bí thư Đoàn xã Trà Linh (Nam Trà My) vẫn không thể nào quên cảm xúc của một hộ thanh niên khó khăn tại địa phương được vợ chồng anh nhận giúp đỡ bằng những cây sâm giống Ngọc Linh để phát triển kinh tế.

Từ nghĩa cử cao đẹp của chàng trai Xê Đăng 32 tuổi này, đến nay đã giúp hàng chục hộ đồng bào khó khăn vươn lên thoát nghèo, tiếp tục tham gia mô hình “Vườn sâm kết đoàn” được khởi xướng từ năm 2019.

Gia đình may mắn có vườn sâm Ngọc Linh, sau nhiều năm chăm sóc, anh Dấu bàn với vợ chia sẻ sâm giống với những hoàn cảnh khó khăn trong thôn để cùng giúp nhau thoát nghèo. Chuyện vừa nói ra, không ngờ vợ anh lập tức đồng ý.

Suốt nhiều năm thực hiện, hàng trăm gốc sâm giống được chia cho hộ thanh niên khó khăn, mới tách ở riêng, ốm đau, bệnh tật... cổ vũ tinh thần thoát nghèo cho cộng đồng địa phương. Câu chuyện tặng sâm của anh Dấu được triển khai từ chính thôn 3, nơi vợ chồng anh sinh sống, sau đó mở rộng dần sang các thôn lân cận.

“Là đảng viên, lại làm công tác đoàn nên mình phải làm gương trong việc giúp dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Mới đây, vào tháng 6/2024, vợ chồng tôi tặng 200 gốc sâm giống loại 1 tuổi cho 10 hộ thanh niên khó khăn trong nhóm hộ trồng sâm Ngọc Linh ở thôn 3. Vợ chồng tôi còn tặng 20 cây sâm giống loại 2 tuổi cho hộ bà Hồ Thị Huân thuộc diện khó khăn của xã” - Hồ Văn Dấu chia sẻ.

Nhiều năm trở lại đây, với vai trò Bí thư Đoàn xã, anh Dấu sáng kiến ý tưởng thành lập mô hình “Vườn sâm kết đoàn”, giúp hàng trăm hộ thanh niên vượt qua khó nghèo.

3a0a04f7093bb365ea2a.jpg
Hoạt động tặng sâm luôn được Hồ Văn Dấu và các thành viên duy trì, giúp hàng trăm hộ thanh niên khó khăn vươn lên thoát nghèo. Ảnh: NVCC

Để hướng dẫn người dân chuyển đổi phương thức sản xuất hiệu quả từ sâm Ngọc Linh, anh Dấu thành lập các tổ, nhóm trồng sâm, hình thành tổ trực chốt bảo vệ sâm Ngọc Linh của cộng đồng, tạo quỹ sâm giống chia sẻ cho thanh niên khó khăn.

Sau 5 năm triển khai mô hình, vườn sâm tại các chi đoàn thôn huy động nhiều hộ thanh niên tham gia, với phương châm “ai có gốc góp gốc, có hạt góp hạt, có công góp công. Góp bao nhiêu, sau khi thu hoạch chi đoàn sẽ hoàn vốn và lãi bấy nhiêu”.

Nhờ vậy, từ quy mô ban đầu khoảng 100 gốc sâm, đến nay vườn sâm tại các chi đoàn thôn 2, thôn 3 (xã Trà Linh) đạt hơn 1.000 gốc từ 1-5 tuổi, ước trị giá hơn 1 tỷ đồng.

Nhờ làm tốt vai trò kết nối, tập hợp thanh niên trồng dược liệu, giai đoạn 2021 - 2023, toàn xã Trà Linh có gần 200 hộ thanh niên đăng ký thoát nghèo, tiếp tục tham gia và chia sẻ sâm giống vào “quỹ sâm” của các chi đoàn địa phương.

Cùng cộng đồng thoát nghèo

Cho đến một ngày, đồng bào Cơ Tu ở xã Ga Ry (Tây Giang) không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến các loại nông sản được trồng trên rẫy của địa phương mình lại có mặt tại hội chợ thương mại lớn nhất TP.Đà Nẵng.

2-1712334857.jpg
Coor Thị Nghệ - người đưa nông sản vùng cao xuống phố. Ảnh: NVCC

Và càng ngạc nhiên hơn, người kết nối đưa sản vật miền núi xuống tiếp cận thị trường đồng bằng, không ai khác là Coor Thị Nghệ (SN1990), người con của làng A Ting, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp sinh thái Rừng xanh rau sạch Tây Giang.

Nhưng ít ai biết rằng, hành trình đưa sản vật của núi rừng xuống phố là cả một câu chuyện chông gai. Hôm nọ, gặp nhau ở hội chợ kết nối tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp thanh niên miền núi, vẫn gương mặt cũ, Coor Thị Nghệ tất bật giới thiệu với khách những sản phẩm núi rừng “xanh, sạch và thuần tự nhiên”. Bằng nỗ lực của mình, Coor Thị Nghệ đã từng bước đưa “giấc mơ xuống phố” nông sản người dân Cơ Tu Tây Giang đầy triển vọng.

Coor Thị Nghệ kể, hơn 10 năm trước, sau khi tốt nghiệp trung cấp sư phạm Tiu học nhưng không tìm được việc làm, chị đã nảy ra ý tưởng đưa sản phẩm nông sản của người dân địa phương xuống núi.

Bắt đầu công việc bằng hành trình thu gom rau, củ quả từ các làng biên giới giáp Lào, lúc có cô gái Cơ Tu một mình lặn lội đường rừng hàng chục cây số. Được chồng đồng hành, sau vài năm tất bật gầy dựng cơ sở, căn nhà của Nghệ trở thành nơi cung ứng hàng nông sản cho thị trường lân cận.

3-1712334905.jpg
Nhiều gian hàng quảng bá sản phẩm được Coor Thị Nghệ kết nối với thị trường thành phố lớn. Ảnh: NVCC

Để hình thành mô hình HTX, Nghệ mạnh dạn vay ngân hàng hơn 600 triệu đồng để đầu tư hệ thống máy sấy và trồng hơn 2ha cam bản địa, cùng 1ha táo mèo và 1ha bưởi da xanh. Sau đó, thu mua nông sản, dược liệu của người dân, kết nối thành viên phát triển... với sự giúp sức của chính quyền địa phương.

“Đến nay, HTX Nông nghiệp sinh thái Rừng xanh rau sạch có 23 thành viên hoạt động, mở hướng đi mới giúp tiêu thụ hiệu quả sản phẩm nông sản của đồng bào địa phương” - Coor Thị Nghệ cho hay.

Với vốn điều lệ 1 tỷ đồng, sau thời gian hoạt động, mỗi năm doanh thu của HTX Nông nghiệp sinh thái Rừng xanh rau sạch hàng trăm triệu đồng, giúp thu nhập bình quân cho các lao động làm việc thường xuyên hơn 3,5 triệu đồng/ tháng.

Cùng cộng đồng tìm hướng thoát nghèo, mới đây, Coor Thị Nghệ vinh dự được kết nạp vào Đảng, trở thành gương mặt tiêu biểu trong phong trào khởi nghiệp của địa phương Tây Giang.

KHÁNH NGUYỄN