Hồ sơ - Tư liệu

Giao thông tình báo trên biển

Truyện ký của PHẠM THÔNG 08/01/2025 09:30

Năm 1962, Cục Nghiên cứu (Cục Tình báo) tuyển các ông Đoàn Phu, Nguyễn Hoảnh, Nguyễn Hiệp, Võ Mai, Đoàn Huy - người cùng làng biển Tỉnh Thủy, xã Tam Thanh, Tam Kỳ, Quảng Nam vào ngành tình báo trên biển.

Vừa xong lớp tập huấn ngắn ngày, Nguyễn Hoảnh, Nguyễn Hiệp, Võ Mai, Đoàn Huy được đưa về đơn vị B4 đóng ở Diễn Châu, Nghệ An cùng với Trần Tấn Mới quê Thăng Bình và Trần Cân quê Hội An cùng là người Quảng Nam thành lập một đơn vị mang biệt danh Tiền Phong. Tiền Phong là đơn vị độc lập, mỗi đội có một một chi bộ Đảng. Trần Tấn Mới làm Đội trưởng, Võ Mai làm Bí thư.

Biển Tỉnh Thủy. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Biển Tỉnh Thủy. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Cũng trong năm 1962, chuyến đi đầu tiên của Đội Tiền Phong khởi hành từ Diễn Châu gặp gió nồm già thổi ngược, thuyền buồm phải bẻ lái, trở buồm vất vả chạy theo hình “chữ chi”, dân biển gọi là “chạy giác” để tránh đối diện trực tiếp hướng gió mới có thể đưa thuyền về phía trước.

“Chạy giác” như vậy nên từ Diễn Châu vào tới Kỳ Anh, Hà Tĩnh mất hai ngày trời. Nguyễn Hiệp say sóng nằm liệt, ông Mới xét thấy Nguyễn Hiệp chịu đựng không nổi, quyết định cho thuyền vào bờ tự tìm đường trở về nơi xuất phát ở Diễn Châu.

Khi xuống thuyền Nguyễn Hiệp bỏ quên giấy tờ tùy thân, trong khi vật vờ trên bãi gặp dân quân canh tuần đón hỏi. Nghe ông nói giọng miền Nam, họ nghi biệt kích bên kia giới tuyến “đánh” ra, bắt giao nộp công an.

Giữ đúng nguyên tắc, Nguyễn Hiệp không nói rõ thân phận, ông chỉ trình báo: “Tôi ở đơn vị B4 thuộc Tỉnh ủy Nghệ An”. Công an Kỳ Anh gọi Văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An hỏi lai lịch ông Hiệp. Văn phòng Tỉnh ủy trả lời: “Ở đây không có Nguyễn Hiệp”. Nhận được thông tin như vậy, Công an Kỳ Anh càng nghi Nguyễn Hiệp là gián điệp, canh giữ chặt hơn.

Công an giữ Nguyễn Hiệp gần nửa tháng, hỏi cung, thử đủ cách thấy ông rất rành chuyện phe ta. Họ lại gọi điện Nghệ An lần nữa. Lần này gặp may, trực ban B4 ở đầu dây bên kia cầm máy. Nguyễn Hiệp lập tức được tự do với một ít tiền đi xe về Diễn Châu…

Thuyền bây giờ chỉ còn 5 người, phải thay đổi bộ giấy thông hành khác. Giấy tờ trên thuyền phải hợp lệ, số người có tên trong giấy tờ phải trùng khớp số người có thực.

Thay giấy không khó, khi đi đã chuẩn bị sẵn nhiều bộ giấy tờ có chữ ký và con dấu khống chỉ do Cơ quan Quản lý ngư nghiệp và Cảnh sát Đà Nẵng cấp. Thế là bỏ giấy cũ, thay giấy mới. Thuyền tiếp tục chạy vào Nam.

Đã là thuyền đánh cá thì phải xuất phát từ một làng biển nhất định nào đó. Vì thế trong giấy tờ hợp pháp với địch thì tất cả họ đều phải là người cùng quê Thọ Quang, Đà Nẵng - nói giọng Quảng. Cấp trên đã tính điều này nên đã rút cùng lúc người làng biển Tỉnh Thủy bố trí về đơn vị B4 để cùng đi trên một “thuyền đánh cá”.

Đoàn Phu có trình độ học vấn cao hơn, được cấp trên giữ lại Hà Nội học vô tuyến điện. Về B4 chỉ 4 người, không đủ số lượng lao động bố trí cho loại thuyền đánh cá này, cấp trên rút hai người tình báo trên biển lâu năm giàu kinh nghiệm là Trần Tấn Mới và Trần Cân cho đủ người và vững vàng hơn.

Giấy tờ tùy thân của từng người phải phù hợp với lứa tuổi, dáng người. Trên thuyền bao gồm những người sinh từ năm 1922 - 1932, lính già từ kháng chiến chống Pháp ở chiến trường Khu 5, đều quá tuổi quân dịch, chỉ cần giấy căn cước do Ty cảnh sát Đà Nẵng cấp.

Riêng Đoàn Phu còn rất trẻ, đúng lứa tuổi quân dịch. Học xong lớp vô tuyến điện, nếu được bố trí vào Nam thì anh ta phải có giấy xuất ngũ, khi trình giấy tờ nếu có phỏng vấn phải trả lời vanh vách: Đi quân dịch thuộc đơn vị nào, đóng quân ở đâu, chỉ huy đơn vị là ai, giải ngũ năm nào…

Trên tàu các đồng chí liên hệ với Bộ chỉ huy tình báo bằng vô tuyến một chiều qua radio bán dẫn. Người làm nhiệm vụ cơ yếu dò sóng, bắt sóng, dịch mật mã ngay trên thuyền. Thuyền chỉ nhận lệnh từ Hà Nội, không phát sóng ngược lại. Phát sóng từ thuyền là lộ ngay…

Đoàn Phu ở lại Hà Nội là để chuẩn bị cho vai trò này. Sau khi thay giấy tờ mới, 5 người tiếp tục điều khiển thuyền chạy vào Quảng Bình, đâm ngược ra phía đông dựa theo vùng biển quốc tế giương cờ ba sọc, vượt vĩ tuyến 17 chạy vào Nam.

Trên vùng biển quốc tế thường chỉ có tàu của Mỹ qua lại, hầu như không có tàu Hải quân Sài Gòn. Tàu Mỹ cho ca nô cập thuyền “đánh cá” kiểm tra sơ sài, các ông khá dễ dàng vượt qua vùng biển thuộc lãnh hải các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam - Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận.

(Còn nữa)

Truyện ký của PHẠM THÔNG