Tài chính - Thị trường

Hoạt động thương mại Quảng Nam chờ... "cú hích" phát triển

NGUYỄN QUANG 09/01/2025 09:30

Hoạt động thương mại Quảng Nam thời gian qua đã tạo nên những bước phát triển nhưng cũng bộc lộ không ít hạn chế. Tạo cú hích phát triển thương mại bằng đồng bộ các giải pháp là rất cấp thiết.

tm4.jpg
Người dân mua sắm ở chợ Hội An. Ảnh: Q.VIỆT

Đa dạng hoạt động thương mại

Tết Ất Tỵ 2025 đang đến gần, nhu cầu mua sắm của của người dân tăng cao. Theo đó, các siêu thị, cửa hàng, nhà phân phối, chợ truyền thống dự trữ nhiều chủng loại hàng hóa thiết yếu… Các siêu thị đang triển khai chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng. Hàng hóa được bày bán tại các chợ rất phong phú, đa dạng.

Chị Phan Thu Thảo - tiểu thương ở chợ Hội An cho biết: “Mấy ngày qua tôi bán được nhiều gạo, nếp, mâm ngũ quả, đồ trang trí bàn thờ, các loại gia vị... Sức mua của người dân năm nay cao hơn cùng kỳ năm trước”.

Theo bà Đỗ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), cùng với các hoạt động thương mại truyền thống, thương mại điện tử (TMĐT) đã ra đời và tạo dấu ấn trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động của TMĐT đã hỗ trợ các hộ sản xuất đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên các sàn TMĐT, tránh ùn ứ sản phẩm khi tới mùa thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian.

tm2.jpg
Thanh toán không dùng tiền mặt ở siêu thị Co.opMart Tam Kỳ. Ảnh: Q.VIỆT

TMĐT đã cung cấp cho người tiêu dùng những thông tin hữu ích về thị trường, xu hướng tiêu dùng nên thuận lợi trong mua sắm hàng hóa.

Ông Lê Vũ Thương - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, thời gian qua, ngành công thương đã tập trung gắn kết giữa sản xuất, lưu thông, cung ứng hàng hóa. Mô hình này giúp người dân chuyển từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Gắn kết sản xuất, lưu thông, cung ứng hàng hóa đã nâng cao thu nhập cho doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân.

“Công tác xúc tiến thương mại được Sở Công Thương triển khai các chương trình “Tự hào hàng Việt Nam”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chương trình kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản, giao thương hàng hóa được triển khai thông qua hội chợ khắp các tỉnh, thành cả nước. Ngành công thương hỗ trợ, tư vấn giúp doanh nghiệp, người dân nắm thông tin thị trường, kết nối giao thương, khơi thông thị trường” - ông Thương nói.

Tạo cú hích phát triển

Theo Sở Công Thương, hoạt động thương mại Quảng Nam đang gặp không ít khó khăn. Số doanh nghiệp được kêu gọi đầu tư thương mại còn chưa đạt kỳ vọng.

Người dân mua sắm hàng hóa ở siêu thị Co.opMart Tam Kỳ. Ảnh: Q.VIỆT
Quảng Nam cần áp dụng đồng bộ giải pháp để tạo cú hích phát triển thương mại. Ảnh: Q.VIỆT

Tình hình gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung cầu khiến các doanh nghiệp khó có đơn hàng mới, thị trường tiêu dùng thu hẹp, chi phí sản xuất tăng cao, các đơn hàng xuất khẩu giảm sút. Cơ sở hạ tầng phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt phân bố chưa đều, nhất là khu vực miền núi còn rất hạn chế.

Quảng Nam gặp khó về chuyển đổi mô hình quản lý chợ. Nguồn nhân lực quản lý nhà nước về TMĐT còn hạn chế, đa số hoạt động quản lý theo chế độ kiêm nhiệm. Nguồn kinh phí để đầu tư phát triển TMĐT còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Để tạo cú hích phát triển mạnh thương mại thời gian tới, ông Lê Vũ Thương cho rằng, cần huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng thương mại. Ngành công thương sẽ khai thác hiệu quả các công trình thương mại đã đầu tư; thúc đẩy thương mại ở khu vực đô thị mới.

Sở Công Thương đẩy nhanh quảng bá, giới thiệu hàng hóa trên sàn giao dịch TMĐT của tỉnh; kết nối các kênh bán hàng trực tuyến; hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia các hội nghị, diễn đàn về hợp tác quốc tế, các chương trình phổ biến các hiệp định thương mại tự do, kết nối giao thương với đối tác trong, ngoài nước để xuất khẩu hàng hóa.

“Ngành công thương phối hợp với các cơ quan của tỉnh tập trung thu hút đầu tư thương mại; hướng dẫn, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư để các dự án thương mại đi vào hoạt động” - ông Thương nói.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình cho rằng, Nghị quyết số 13 ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy về phát triển thương mại Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là cơ sở để ngành công thương triển khai đồng bộ giải pháp phát triển bền vững thương mại trên địa bàn tỉnh.

Ngành công thương chú trọng nghiên cứu sâu về điều kiện thực tế tại các chợ để hướng dẫn các địa phương, ban quản lý chợ chuyển đổi mô hình quản lý hiệu quả.

Sở Công Thương cần thúc đẩy kết nối trong chuỗi cung ứng hàng hóa; kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ngành công thương hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển TMĐT, kết nối cung cầu sản phẩm miền núi theo Nghị quyết số 12 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cùng với đó thu hút đầu tư các dự án quan trọng tại vùng tây góp phần phát triển thương mại của tỉnh cũng như các huyện miền núi.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 ước đạt gần 72,6 nghìn tỷ đồng (tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023). Sở Công Thương đặt mục tiêu năm 2025 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 93.150 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ năm 2024).

NGUYỄN QUANG