Tòa soạn & bạn đọc

Đón đọc ấn phẩm Văn hóa Quảng Nam xuân Ất Tỵ - 2025:Mùa xuân quê nhà

BÁO QUẢNG NAM 10/01/2025 09:33

Dưới cội mai vàng, hai lão nông xứ Quảng thong dong nhấp ngụm trà xuân, nghiệm đôi câu đối. Xa xa, hình ảnh trẻ con chơi đùa...

z6212020044338_80a6bbea63c7461a5994be61f06a9c4c.jpg
ấn phẩm "Văn hóa Quảng Nam" Tết Ất Tỵ 2025.

Đó là thời khắc của “mùa xuân quê nhà” xứ Quảng.

Và đó, cũng là không gian của Tết mà những người làm Báo Quảng Nam muốn gởi đến bạn đọc, qua ấn phẩm chuyên đề “Văn hóa Quảng Nam”. Giữ một nếp nhà, giữ những nếp tết, giữ mùa xuân đẹp nhất trong tâm tưởng đời người...

Có người xứ Quảng nào mà ký ức không đôi ba lần bừng thức chuyện ở những “bến sông quê”? Bến sông - đời người. Bến đò, bến chợ, bến gốm, bến đợi. Là không gian của hạnh ngộ, gạch nối bắt đầu cho những giấc mơ trong cuộc thiên di.

Giáo sư Trần Quốc Vượng trong các nghiên cứu về địa - văn hóa xứ Quảng, nhận chân vùng đất này “lấy sông làm tuyến chính với các trung tâm thánh địa, thành, cảng thị và tiền cảng thị của một tiểu vùng/ tiểu vương quốc”. Theo mạch đó, chúng tôi thử dựng lại bằng ngôn từ về những “Bến sông quê” - nơi neo đậu, nơi bắt đầu để gợi chuyện bạn đọc nhẩn nha ngày tết.

Đó là sự chưng cất, gạn lọc rồi kể về những dòng sông xứ sở. Dấu ấn sông Lớn, Thu Bồn, Trường Giang, Bà Rén trong bia ký Chăm; “huyền sử những bến sông trên lối về cố quốc” của công chúa Huyền Trân. Những vệt khói sóng sông Thu gói mùi hương xứ sở theo chân đàn bà gánh mỳ Phú Chiêm. Phiên chợ gốm trong tâm tưởng kẻ trung niên... Tết, là hoài niệm về nơi ta bắt đầu, để “tìm hướng cho lòng tìm bến mơ”.

Chuyện về dòng sông sẽ miên miết theo từng đợt sóng nước, khi thử lắng nghe “tiếng thở khẽ của những dòng sông” - để cảm nhận về văn hóa vùng đất. Chuyện những dòng sông kể cuộc đổi dời của xứ được mệnh danh đất ba sông. Hay nương theo dòng chảy nghe câu vọng cổ trên chợ Cái Răng (Cần Thơ) rồi theo dòng kinh Xáng Ngã Năm xuôi về phương Nam, bụng dạ nhớ nhung da diết thứ thanh âm miệt sông nước Nam Bộ...

Mùa xuân, mùa của những cuộc trở về. Xa quê mới hay có chuyện “vọng quê”. Càng già, lá càng rụng về cội cũng vì lẽ đó. Vọng quê mùa tết lại hay nhớ đến hương vị. Thịt heo bó mo cau - vị xưa tết cũ. Mấy ổ bánh tổ “vun mặt nhiễu” trang trọng trên ban thờ tổ tiên ba ngày tết. Mùi bánh mứt thơm lừng gian bếp của ngoại. Người xưa nói “Ăn tết”, âu vì lẽ này...

Tết Ất Tỵ, tết năm con rắn. “Loài vật mang theo những biểu tượng phức tạp và đầy đối lập”, vừa dũng mãnh vừa huyền bí, vừa trí tuệ vừa ma mãnh... được khắc họa cặn kẽ trong điện ảnh, trong điêu khắc, văn hóa dân gian... Những chuyện kể kỳ thú về linh vật, khơi gợi trong mỗi người những triết lý thâm sâu.

Chuyện xưa chưa vãn, tích trà đà châm thêm nước. Bên cội mai vàng, gió xuân vừa lay...

Mời bạn, cùng nhẩn nha với “Văn hóa Quảng Nam” số Tết Ất Tỵ 2025, phát hành vào 11/1/2025 (12/12 Â.L).

BÁO QUẢNG NAM