Chính quyền - đoàn thể

Bước chuyển của Quảng Nam trong giải quyết thủ tục hành chính

TÂM ĐAN 10/01/2025 13:05

Năm 2024, công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, tạo sự an tâm, hài lòng cho các tổ chức, cá nhân khi đến thực hiện thủ tục hành chính.

Tặng giấy khen các tập thể hoàn thành tốt công tác tiếp nhận và giải quyết TTHC năm 2024. Ảnh: TÂM ĐAN
Khen thưởng các tập thể hoàn thành tốt công tác tiếp nhận và giải quyết TTHC năm 2024. Ảnh: TÂM ĐAN

Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), dịch vụ công (DVC) trên môi trường điện tử theo Quyết định số 766 của Thủ tướng Chính phủ gồm 5 chỉ số thành phần: Công khai, minh bạch; tiến độ, kết quả giải quyết; số hóa hồ sơ; cung cấp DVC trực tuyến; mức độ hài lòng. Theo bộ chỉ số này, đến ngày 23/12/2024, tỉnh Quảng Nam đạt 84.2 điểm (đạt loại tốt), đứng vị trí 16/63 tỉnh, thành.

Hồ sơ giải quyết trước và đúng hạn tăng

Năm 2024, huyện Bắc Trà My tiếp tục dẫn đầu xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) khối UBND các huyện miền núi. Đây là năm thứ 3 liên tiếp huyện duy trì vị trí này.

Ông Đỗ Đức Mạnh - Phó Văn phòng UBND huyện Bắc Trà My chia sẻ, trong kết quả CCHC nói chung, công tác cải cách TTHC được huyện xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương.

Tại Bộ phận một cửa huyện Bắc Trà My hiện có 2 cán bộ, công chức và 3 nhân viên bưu điện tham gia tiếp nhận, giải quyết TTHC. Năm 2024, huyện triển khai “Ki-ốt DVC” giúp người dân tiết kiệm thời gian trong giải quyết TTHC.

Nhân viên Bưu điện tỉnh Quảng Nam hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện TTHC. Ảnh: TÂM ĐAN
Nhân viên Bưu điện tỉnh Quảng Nam hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện TTHC. Ảnh: TÂM ĐAN

Bố trí đội ngũ tình nguyện viên hướng dẫn, hỗ trợ công dân thực hiện DVC trực tuyến. Số điện thoại đường dây nóng và email công vụ được công khai để hỗ trợ và tiếp nhận góp ý, phản ánh, kiến nghị công dân...

“Năm 2024, 80% TTHC phát sinh tại Bộ phận một cửa huyện được số hóa; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 71,6%. Huyện đã triển khai sử dụng biên lai điện tử để thu phí, lệ phí trên hệ thống phần mềm một cửa điện tử.

Người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC không phải cung cấp các loại thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công TTHC. Trong năm, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước, đúng hạn ở cấp huyện đạt 97,5%, cấp xã đạt 95,7%” - ông Mạnh cho hay.

Theo báo cáo của Trung tâm Phục vụ hành chính công (HCC) tỉnh năm 2024, công tác tiếp nhận và giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, tạo sự an tâm, hài lòng cho các tổ chức, cá nhân khi đến thực hiện TTHC.

Nổi bật là hồ sơ TTHC trả đúng và trước hạn tăng dần qua các năm. Số lượng TTHC được nộp trực tuyến, thanh toán trực tuyến tăng. Số lượng hồ sơ TTHC trễ hạn giảm nhiều, các trường hợp trễ hạn, quá hạn đã có thư xin lỗi và hẹn lại thời gian trả kết quả...

Khắc phục hồ sơ trễ hạn cấp huyện

Kết quả công tác tiếp nhận, giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa các cấp có đóng góp tích cực từ phía Bưu điện tỉnh Quảng Nam.

z6207659520025_e9a0d9df84c0a8ec421e4edcce8d755d.jpg
Cần có giải pháp khắc phục tình trạng hồ sơ TTHC trễ hạn ở cấp huyện. Ảnh: TÂM ĐAN

Theo báo cáo, Bưu điện tỉnh Quảng Nam đang bố trí 93 nhân viên (cấp tỉnh 17 người, cấp huyện 57 người, cấp xã 19 người) tham gia tiếp nhận TTHC tại Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh và bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã.

Trong năm 2024, nhân viên bưu điện đã tiếp nhận 94.118 hồ sơ tại Trung tâm phục vụ HCC tỉnh (trong đó hồ sơ trực tuyến chiếm 92,3%). Tại bộ phận một cửa cấp huyện, bưu điện tiếp nhận 125.106 hồ sơ (trong đó hồ sơ trực tuyến chiếm 65.1%).

Đánh giá về công tác tiếp nhận, giải quyết TTHC năm 2024, Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh cũng chỉ ra nhiều hạn chế cần khắc phục; trong đó có tình trạng hồ sơ trễ hạn ở cấp huyện còn cao.

Theo ông Trương Hồng Giang - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, tỷ lệ hồ sơ trễ hạn cao hơn 6% đã ảnh hưởng lớn đến kết quả CCHC cấp huyện năm 2024. Theo đó, trong năm, có 4 huyện chỉ được xếp hạng “trung bình” về CCHC (Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh, Duy Xuyên), do tỷ lệ hồ sơ TTHC trễ hạn hơn 5%.

Ông Lê Ngọc Quảng - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh cho rằng, tỷ lệ hồ sơ trễ hạn ở cấp huyện cao có nguyên nhân khách quan, nhưng phần lớn do lỗi chủ quan của các đơn vị. Đó là, cán bộ tiếp nhận đầu vào trên hệ thống nhưng không tiếp tục xử lý dẫn đến treo trên hệ thống và trễ hạn, mặc dù hồ sơ đã giải quyết.

Thực hiện thư xin lỗi, giải trình khi giải quyết hồ sơ trễ hạn chưa đầy đủ theo quy định. Trong đó, hồ sơ TTHC trễ hạn tập trung chủ yếu ở vực đất đai thuộc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện và các lĩnh vực tài nguyên - môi trường, tài chính - kế hoạch thuộc các phòng chuyên môn cấp huyện.

Nguyên nhân chủ yếu do bộ phận chuyên môn nhập hồ sơ nhưng không xử lý hoặc xử lý chậm, các cơ quan phối hợp chưa được cấu hình, hoàn thiện vào quy trình giải quyết dẫn đến hồ sơ trễ hạn và bị treo trên hệ thống.

Để khắc phục những hạn chế trong công tác tiếp nhận, giải quyết TTHC, Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh đề nghị Sở TT-TT chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện, xử lý triệt để các vướng mắc, kiến nghị của sở, ban, ngành, địa phương về Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh.

Đảm bảo hệ thống được kết nối, đồng bộ với hệ thống bộ, ngành trung ương; số liệu thống kê chính xác, đồng bộ với Cổng DVC quốc gia và hoạt động thông suốt, an ninh an toàn thông tin, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, để khuyến khích người dân sử dụng DVC trực tuyến trong giải quyết TTHC, tỉnh cần lựa chọn những nhóm TTHC gắn trực tiếp với người dân, thiết yếu, phát sinh nhiều để tập trung triển khai tiếp nhận trực tuyến toàn trình, phi địa giới hành chính đảm bảo thực chất, thuận lợi, kịp thời, hiệu quả; đẩy mạnh thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt, cung cấp chữ ký số cá nhân và cài đặt các ứng dụng thanh toán số...

Tính đến ngày 23/12/2024, tổng số TTHC đang thực hiện tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh và bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã là 1.927 thủ tục. Tổng số DVC cấu hình trên Cổng DVC tỉnh là 1.772 DVC (954 DVC toàn trình và 818 DVC một phần); đã tích hợp 1.113 DVC trực tuyến vào Cổng DVC quốc gia.

Từ ngày 15/12/2023 đến ngày 14/12/2024, tổng số hồ sơ TTHC đã tiếp nhận ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là 390.402 hồ sơ. Tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết đúng hạn ở 3 cấp lần lượt là 99,76%, 93,92% và 98,31%.

TÂM ĐAN