Du lịch

Hoạch định chiến lược cho du lịch Mỹ Sơn

HOÀI NHI (thực hiện) 10/01/2025 13:18

Năm 2024, Khu di tích Mỹ Sơn trở thành trung tâm bảo tồn, phát triển du lịch - dịch vụ ở vùng Tây xứ Quảng. Đầu năm mới 2025, PV Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với ông Đặng Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên về thành quả đã đạt được và chiến lược phát triển du lịch Mỹ Sơn trong thời gian tới.

a1.jpg
Ông Đặng Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên. Ảnh: H.N

Những kết quả ấn tượng

- Thưa ông, năm 2024, thành quả nổi bật của du lịch Mỹ Sơn là gì?

* Ông Đặng Hữu Phúc: Nhiều năm qua, Khu di tích Mỹ Sơn ngày càng khẳng định là hình mẫu trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa phát triển văn hóa và kinh tế. Nhiều dự án hợp tác quốc tế trong việc bảo tồn, trùng tu được xác lập và mang lại kết quả ấn tượng.

Năm 2024, bên cạnh những sản phẩm truyền thống, Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn làm mới các sản phẩm, chương trình biểu diễn nghệ thuật, các loại hình thuyết minh đa ngôn ngữ phù hợp với nhu cầu của du khách.

Hiện tại, ban quản lý đang phục vụ du khách bằng 8 ngôn ngữ, gồm Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Anh, Italia và Tây Ban Nha, thể hiện 40 câu chuyện tương ứng với 40 điểm dừng chân tại quần thể di tích.

Với cách tiếp cận mới mẻ này, các nguồn khách truyền thống, chất lượng cao như Úc, Bắc Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ quay trở lại mạnh mẽ, tương đương với lượng khách đỉnh cao của những năm chưa xảy ra dịch COVID-19.

Lượng khách tham quan Khu di tích Mỹ Sơn trong năm 2024 ước đạt 446 nghìn lượt, trong đó có 405 nghìn lượt khách quốc tế, chiếm tỷ lệ 90%. Tổng doanh thu xấp xỉ 72 tỷ đồng, đạt 120% so với năm 2023.

z6207108065452_77a72005fff01cb3333d45883e15ccba.jpg
Năm 2024, lượng khách du lịch tham quan Khu di tích Mỹ Sơn tăng mạnh. Ảnh: H.N

- Để tiếp tục phát huy giá trị di sản, thời gian tới Mỹ Sơn đề ra chiến lược gì?

* Ông Đặng Hữu Phúc: Trước hết là tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực, trong đó chú trọng xây dựng, củng cố bộ máy tổ chức khoa học, cơ cấu hợp lý.

Bên cạnh đào tạo đội ngũ nhân lực phục vụ cho công tác bảo tồn thì Mỹ Sơn tuyển chọn, đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn cao, khả năng tham gia hiệu quả xúc tiến du lịch, kết nối liên hoàn các sản phẩm để tạo nên chuỗi giá trị thiết thực.

Đồng thời Mỹ Sơn tiếp tục ứng dụng hiệu quả nền tảng số, phát triển mạnh công nghiệp văn hóa như các nơi đã làm. Điều này giúp phát huy tối đa giá trị Mỹ Sơn nhưng ít tác động đến di sản.

Ngoài ra tăng cường liên kết với các di sản, điểm đến du lịch trong khu vực để tạo cú hích phát huy giá trị di sản. Bởi lẽ, Mỹ Sơn có vị trí chiến lược trên con đường di sản miền Trung.

z6201870452651_623a6eb59113b13a163c7be3be1342db.jpg
Khách nước ngoài đến Mỹ Sơn ngày càng tăng cao. Ảnh: H.N

Bảo vệ nghiêm ngặt vùng lõi

- Đối với vùng lõi Mỹ Sơn, địa phương đề ra giải pháp bảo vệ như thế nào, thưa ông?

* Ông Đặng Hữu Phúc: Mỹ Sơn tiếp tục bảo vệ nghiêm ngặt vùng lõi, kiểm soát chặt chẽ vùng cảnh quan quanh di sản, bao gồm cả một tổng thể cảnh quan Hòn Đền, Núi Chúa, vùng phụ cận xung quanh, cùng những giá trị văn hóa hiện hữu hoặc còn tiềm ẩn.

Trong đó, chúng tôi tính đến cả yếu tố liên kết bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế rừng. Quan tâm thực hiện hiệu quả các đề án “Bảo tồn đa dạng sinh thái rừng đặc dụng Mỹ Sơn”, “Xác lập khu rừng bảo vệ cảnh quan tại di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn” và hỗ trợ sinh kế người dân vùng di sản.

Những vấn đề này được triển khai đồng bộ để vừa nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân, du khách về giá trị quan trọng của việc chung tay gìn giữ màu xanh Mỹ Sơn, vừa khai thác phục vụ du lịch, nhất là du lịch văn hóa kết hợp sinh thái, góp phần cải thiện chỉ số du lịch xanh.

Mặt khác, Mỹ Sơn chú trọng triển khai nhanh, hiệu quả, chất lượng công tác lập quy hoạch, quản lý quy hoạch Khu di tích Mỹ Sơn để làm cơ sở cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích theo hướng tăng cường liên doanh, liên kết, thu hút xã hội hóa mạnh mẽ đảm bảo phù hợp với quy định.

4.jpg
Khách quốc tế check mã QR bằng điện thoại để tìm hiểu thông tin về di sản. Ảnh: PV

- Vấn đề xã hội hóa trong hoạt động du lịch tại Mỹ Sơn được xúc tiến ra sao?

* Ông Đặng Hữu Phúc: Vấn đề xã hội hóa là cần thiết nhưng phải hài hòa, tuân thủ cam kết với UNESCO, đảm bảo đúng Luật Di sản nhằm phát huy giá trị di sản.

Mục tiêu hướng đến là cái gì thuộc Nhà nước quản lý, bảo vệ thì phải được Nhà nước hoạch định và thực hiện tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành; cái gì cần liên doanh, liên kết, thu hút nguồn lực đầu tư xã hội hóa để cùng nhau khai thác, phát huy lợi thế, tiềm năng của di sản thì cần được khuyến khích mạnh mẽ, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, du lịch phù hợp với tính chất của di sản.

- Du lịch Mỹ Sơn phải hướng đến cộng đồng, quan điểm của ông về vấn đề này?

* Ông Đặng Hữu Phúc: Những năm qua, việc bảo tồn, gìn giữ di sản Mỹ Sơn có sự chung tay, đóng góp của cộng đồng, góp phần làm cho di tích vượt qua thời kỳ đổ nát và phục sinh từng ngày.

Là di sản của nhân loại, chính quyền huyện Duy Xuyên cùng ban quản lý tiếp tục quan tâm, mở rộng phát triển hoạt động du lịch ra các khu vực phụ cận để cộng đồng dân cư tận dụng tiềm năng, lợi thế của di sản, chủ động tạo ra các sản phẩm dịch vụ phù hợp nhu cầu, thị hiếu du khách... Từ đó, tạo được mối quan hệ tương hỗ bền chắc, cùng nhau hưởng lợi, cùng nhau phát triển.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

HOÀI NHI (thực hiện)