Việt Nam - Lào hướng tới quan hệ thương mại bền vững, lâu dài
(QNO) - Theo Thông tấn xã Lào (KPL), chuyến thăm Lào và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trong hai ngày 9 và 10/1/2025 kỳ vòng góp phần tạo bước đột phá trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Việt Nam và Lào có chung đường biên giới dài hơn 2.300km đi qua địa giới hành chính 10 tỉnh, thành phố của mỗi bên, là khu vực có tiềm năng phát triển và vị trí chiến lược trên trục Hành lang kinh tế Đông Tây.
Thương mại của hai nước hưởng lợi từ việc giảm thuế suất thuế quan xuống 0% đối với hầu hết mặt hàng theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Lào và Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Lào.
Hơn nữa, thị trường Lào không đặt ra yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm và hầu hết người tiêu dùng Lào đều đánh giá tốt về sản phẩm Việt Nam.
Trong buổi làm việc gần đây với Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthvanh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên nêu bật những kết quả nổi bật trong quan hệ thương mại Việt Nam - Lào năm 2024 với kim ngạch thương mại song phương ước đạt 2,2 tỷ USD - tăng gần 34% so với năm 2023 và lần đầu tiên vượt mốc 2 tỷ USD.
Về Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào, Bộ Công Thương Việt Nam và Lào hoàn tất các thủ tục cần thiết để Chính phủ hai nước phê duyệt, ký kết vào ngày 8/4/2024 và sẵn sàng triển khai.
Về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản - hai trụ cột đóng vai trò then chốt trong quan hệ kinh tế Việt Nam - Lào đạt nhiều kết quả rất tích cực trong năm 2024.
Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthvanh chia sẻ quan điểm với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về những thành tựu ấn tượng mà hai nước Việt Nam - Lào đạt được trong thời gian gần đây, về sự tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu và ngành công nghiệp của Việt Nam.
Hàng hóa của hai nước không chỉ cạnh tranh mà còn bổ sung cho nhau. Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu sang Lào các mặt hàng hóa chất, xăng dầu, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận tải, sản phẩm sắt thép trong khi nhập khẩu từ Lào các mặt hàng cao su, than, gỗ và sản phẩm gỗ, phân bón, quặng và khoáng sản.
Đáng chú ý, nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động, bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước Lào, đặc biệt trong lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, trồng và chế biến cao su, sản xuất lương thực.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, tính đến tháng 12/2024, có 417 dự án của Việt Nam tại Lào với tổng giá trị đạt hơn 4,9 tỷ USD. Trong đó, các dự án do Việt Nam đầu tư 100% vốn đăng ký là 4,6 tỷ USD, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp (680 triệu USD), điện (980 triệu USD) và khai thác khoáng sản (1 tỷ USD).