Năm thứ hai, tín dụng ngành ngân hàng Quảng Nam có mức tăng dưới 2 con số
(QNO) - Chiều 10/1/2025, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam đã tổng kết hoạt động ngành ngân hàng Quảng Nam năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, tổng huy động vốn trên địa bàn đạt 97.788 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm.
Đến cuối năm 2024, dư nợ cho vay đạt 114.742 tỷ đồng, tăng 7,38% so năm trước với 264.278 khách hàng còn dư nợ (2.409 khách hàng pháp nhân và 244.294 khách hàng thể nhân) đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, người dân để duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần đóng góp và tăng trưởng kinh tế xã hội (GRDP tỉnh tăng 7,1%).
Cụ thể, dư nợ theo kỳ hạn: tín dụng ngắn hạn chiếm tỷ trọng 64% (2023: 60,96%), tín dụng trung dài hạn chiếm 36% trong tổng dư nợ (2023: 39,04%). Cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tăng tỷ lệ dư nợ ngắn hạn, giảm tỷ trọng dư nợ dài hạn. Dư nợ theo ngành: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 11,1% (12.736 tỷ đồng), công nghiệp và xây dựng chiếm 22,95% (26.333 tỷ đồng), thương mại và dịch vụ chiếm 61,71% (70.807 tỷ đồng) và các lĩnh vực khác chiếm 4,24 % (4.836 tỷ đồng). Dư nợ các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng chính sách xã hội đạt 8.060 tỷ đồng, tăng 9,4% so với đầu năm, hoàn thành 100% kế hoạch với 141.283 khách hàng còn dư nợ.
Nợ quá hạn và nợ khoanh toàn chi nhánh chiếm 0,18% trên tổng dư nợ. Tín dụng ngân hàng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dư nợ cho vay các lĩnh vực ưu tiên chiếm tỷ trọng lớn và có mức tăng cao so tốc độ tăng chung của tín dụng toàn địa bàn. Tỷ trọng dư nợ: cho vay nông nghiệp, nông thôn (27,89% và tăng 14,29%), xuất khẩu (1,13%), doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 13,07% và tăng 2,75%) và công nghiệp hỗ trợ (6,1%, tăng 50,99%).
Ngoài ra, năm 2024, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh đã tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn để gặp gỡ, nắm bắt những vướng mắc trong công tác tiếp cận vốn của doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Đồng thời, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tổ chức 88 hội nghị, buổi làm việc với 739 khách hàng đã tiếp cận. Đến nay, dư nợ cho vay thông qua chương trình này đạt 8.598 tỷ đồng, chiếm 7,87% dư nợ cho vay tại địa bàn. Doanh số cho vay lũy kế từ đầu năm đạt gần 5 ngàn tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay mới chiếm 99,97% dư nợ chương trình, cơ cấu nợ thông qua chương trình chiếm 0,03%.
Theo ông Phạm Trọng - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, năm 2024, ngành ngân hàng Quảng Nam đã chủ động tham mưu UBND tỉnh, phối hợp với các sở ngành để truyền thông chính sách tín dụng, xử lý những kiến nghị có liên quan đến ngành để ổn định hoạt động ngân hàng trên địa bàn đảm bảo an toàn, hạn chế những ý kiến trái chiều. Các tổ chức tín dụng luôn đồng hành khách hàng, chia sẻ khó khăn, tạo điều kiện để khách hàng tiếp cận vốn. Lãi suất cho vay giảm đáng kể so năm trước. Nguồn vốn luôn sẵn sàng đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, công tác thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số được triển khai tích cực, hiệu quả…
Tuy nhiên, mức tăng trưởng dư nợ thấp, chưa đạt chỉ tiêu tín dụng được giao từ đầu năm (đạt 93,46% kế hoạch), chỉ có 4/34 đơn vị vượt chỉ tiêu và 8/34 có tỷ lệ nợ xấu/dư nợ trên 3%. Đây là năm thứ hai, ngành ngân hàng Quảng Nam có mức tăng trưởng tín dụng dưới 2 con số (7,38% và năm 2023 tăng 8,67%).
Hệ thống ngân hàng Quảng Nam phấn đấu năm 2025 tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng và các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Triển khai mạnh chương trình, chính sách tín dụng đặc thù. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, góp phần hạn chế tín dụng đen. Tích cực tham gia và triển khai hiệu quả, thiết thực chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp... Thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo toàn hệ thống công nghệ thông tin, thanh toán điện tử, thanh toán thẻ trên địa bàn...