Lâm nghiệp

Trồng cây xanh giai đoạn 2021 – 2025: Cần đẩy nhanh tiến độ về đích sớm

TRẦN NGUYỄN 10/01/2025 21:11

(QNO) – Năm 2025 là năm cuối của giai đoạn 2021 – 2025, Quảng Nam hoàn thành trồng 51,6 triệu cây xanh như mục tiêu đã đặt ra. Bằng nhiều nguồn lực đầu tư và các cơ chế, chính sách của trung ương, tỉnh, cùng với sự quan tâm đúng mức của các địa phương, ngành lâm nghiệp kỳ vọng sẽ đảm bảo được tiến độ, góp phần tăng độ che phủ rừng theo lộ trình.

cay-3.jpg
Học sinh tham gia trồng cây nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024 tại đồi Yên Ngựa, xã Tam Phú (Tam Kỳ). Ảnh: QV.

Xanh hóa cảnh quan

Theo mục tiêu, cả tỉnh sẽ trồng 51,6 triệu cây xanh trong giai đoạn 2021 - 2025, bao gồm trồng hơn 48,2 triệu cây xanh phân tán ở các khu đô thị, vùng nông thôn và hơn 3,3 triệu cây xanh trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng trồng sản xuất. Tại TP.Tam Kỳ, không gian xanh gần đây được mở rộng ở các trục đường chính, trong phạm vi các khu dân cư đô thị lẫn khu vực nông thôn, ở các khu vực đồi núi, sông hồ, đầm ngập nước…

Theo UBND TP.Tam Kỳ, thành phố đã bố trí nguồn ngân sách hơn 20 tỷ đồng trồng cây xanh trong 2 năm (2024 – 2025), đến nay trồng được khoảng 900 nghìn cây xanh theo chỉ tiêu giao 1 triệu cây xanh giai đoạn 2021 - 2025. Ở vùng cát các xã Tam Phú, Tam Thăng, Tam Thanh và phường An Phú sẽ phủ xanh hơn 27ha bằng rừng gỗ lớn với các loại cây xoan, tràm gió, dừa cao, lim, giổi, thông nhựa...

Còn tại sông Đầm (TP.Tam Kỳ), sẽ trồng các loại cây bán ngập nước như tràm ta, dừa nước, mù u, tràm gió, lộc vừng, tre đồng, cừa... Thành phố huy động được nguồn lực lớn từ người dân, doanh nghiệp, cộng đồng để chung tay xanh hóa cảnh quan.

Trong khi đó, ở các huyện miền núi, việc trồng cây xanh, rừng gỗ lớn chủ yếu ở các khu rừng phòng hộ, đặc dụng, từ các chương trình mục tiêu quốc gia. Tại Đông Giang, theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện, năm 2024, địa phương đã trồng mới hơn 470ha rừng gỗ lớn trên nhưng đồi đất, khu vực sạt lở đất trước đây và phát triển rừng sản xuất.

46.png
Lãnh đạo Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tham gia hưởng ứng trồng cây gây rừng. Ảnh: BQN

Ông Từ Văn Khánh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho hay, năm 2024, Quảng Nam đã trồng được hơn 12,249 triệu cây, trong khi kế hoạch giao trồng cả năm là 11,161 triệu cây (đạt 109,7%). Trong đó, trồng hơn 9,086 triệu cây cây xanh phân tán; hơn 3,162 triệu cây trồng có chức năng phòng hộ, đặc dụng, sản xuất, kế hoạch giao 696 nghìn cây (đạt 454,4%).

Cũng trong năm này, Quảng Nam đã huy động được hơn 81,2 tỷ đồng từ sự lồng ghép các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, vốn ODA, xã hội hóa và đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân (ngân sách nhà nước hơn 25,3 tỷ đồng; nguồn khác và xã hội hoá: 55,9 tỷ đồng).

Giai đoạn 2021 - 2024, cả tỉnh trồng được 42,243 triệu cây xanh (kế hoạch giao hơn 40,574 triệu cây). Trong đó, trồng 27,405 triệu cây phân tán; trồng hơn 14,837 triệu cây rừng phòng hộ, đặc dụng, sản xuất (đạt 554,5% so với giai đoạn 2021 – 2024). Như vậy, tính đến cuối năm 2024, tiến độ trồng cây xanh của tỉnh đạt 81,9% so với kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025.

Động lực từ các chính sách

Thời gian qua, các chính sách, cơ chế hỗ trợ của trung ương, tỉnh đã thật sự kích hoạt phát triển ngành lâm nghiệp. Nhiều địa phương miền núi trở thành điểm sáng phát triển rừng từ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh, trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững. Đáng nói, nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực lâm nghiệp được huy động khá mạnh.

z6073204534438_f3fe095bb239e1918f0de19bf298921f.jpg
Các vườn ươm đã chuẩn bị cung ứng cây giống cho mùa trồng rừng mới năm 2025. Ảnh: T.H

Năm 2025, ngành nông nghiệp đưa ra chỉ tiêu trồng 23.000ha rừng. Trong đó 278ha rừng trồng phòng hộ, đặc dụng nằm trong kế hoạch chương trình trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ; 1.605ha rừng trồng sản xuất thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Nghị quyết số 40/2018/NQ-HĐND); diện tích còn lại là người dân, tổ chức tự bỏ vốn trồng rừng sau khai thác.

Ông Từ Văn Khánh nói, năm 2025 ngành sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Khung kế hoạch hành động thích ứng với quy định không gây mất rừng (EUDR) trên địa bàn Quảng Nam; Kế hoạch hành động REDD+ tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2020 - 2030; Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Đề án phát triển nguồn giống cây lâm nghiệp bản địa trên địa bàn tỉnh; Đề án 1 tỷ cây xanh…

“Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm 2025 là sẽ tích hợp các thông tin cơ sở dữ liệu ngành lâm nghiệp như trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng thay thế, cơ sở gây nuôi, trồng cấy nhân tạo, các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp, nguồn giống cây bản địa trên Cổng thông tin điện tử của Sở NN&PTNT” – ông Khánh nói.

images.baoquangnam.vn-storage-newsportal-2023-1-3-137062-_129-5-01.jpg
Cây xanh trồng dọc ven đường Võ Chí Cảnh, tạo cảnh quan rất đẹp. Ảnh: H.Q

Về những khó khăn trong thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh trên địa bàn Quảng Nam, nhiều địa phương nhìn nhận, quỹ đất trồng rừng mới ngày càng thu hẹp do diện tích đất trống quy hoạch cho lâm nghiệp đã cơ bản được trồng. Vốn đầu tư phân bổ cho công tác phát triển rừng hàng năm còn chậm so với yêu cầu của sản xuất; mức hỗ trợ trồng cây phân tán và trồng rừng còn thấp. Thêm vào đó, diện tích đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị hiện nay thấp hơn nhiều so với các quy chuẩn về quy hoạch đô thị.

TRẦN NGUYỄN