Bếp nhà ở Trường Sa
Một phần cuộc sống của phụ nữ ở Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) hiện lên qua bếp ăn trong mỗi gia đình. Nếu chú tâm vào từng chiếc nắp nồi, rổ bát, chai mắm, bếp dầu… có thể “nhìn” ra vài khoảng lặng và cuộc sống của những phụ nữ ở vùng hải đảo xa xôi...
Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã lựa chọn 4 phẩm chất của phụ nữ Việt Nam thời hiện đại là “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Nhưng ở Trường Sa, tôi nghĩ phải thêm tố chất “đồng cam, cộng khổ, hy sinh”.
Thương... bếp dầu
Lướt nhanh qua những hàng cây phi lao, mù u, dương liễu, bàng vuông che rợp lối đi từ cầu cảng vào trung tâm xã đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa để lao vào khu dân cư thăm bà con.
Tôi gọi là “lao” có lẽ vì thời gian dừng lại mỗi hòn đảo của đoàn công tác đều được giới hạn chỉ vài giờ đồng hồ. Chưa kể, nhà báo lại phải tiếp cận với “kênh thông tin ít nói”.
Những người dân ở xã đảo Sinh Tồn đều quen với cuộc sống đồng cam, cộng khổ, nên không phải bao giờ cũng nói thoải mái để có nhiều thông tin viết một bài báo đặc tả toàn cảnh.
Muốn hiểu một phần người phụ nữ trong gia đình thì hãy đi xem bếp ăn. Xuống gian nhà bếp chị Huỳnh Thị Kim Ánh, tôi nghe người như nhói lên.
Hình ảnh của thời bao cấp vẫn hiển hiện trong ngôi nhà của cư dân ở đảo. Nhiều nhà có tới 2 - 3 chiếc bếp dầu, 3 chiếc ấm nấu nước. Bình gas có lẽ chỉ sử dụng tiết kiệm, vì 3 chiếc ấm nấu nước thì 2 chiếc ấm sạch sẽ, còn 1 chiếc ấm đầy muội khói.
Năm 2023, tôi từng đọc một bài tản bút trên báo Quân đội nhân dân của tác giả Nguyễn Đức với tựa đề “Thương lắm bếp dầu ơi”. Đoạn kết của bài viết nêu rằng: “Giờ đây, không ai dùng bếp dầu nữa, nhưng với những người đã sống qua những năm tháng ấy, bếp dầu vẫn mãi là một khoảng trời kỷ niệm đầy yêu thương”. Nhưng bếp dầu vẫn đây, hàng ngày đỏ lửa cùng người phụ nữ ở Trường Sa.
Mắt tôi cay cay khi lướt qua những chiếc thùng xốp từ đất liền ghi tên “người nhận Trần Thị Thu Huyền, đảo Sinh Tồn”. Cư dân ở đảo được chu cấp khá đầy đủ, nhưng tùy theo khẩu vị của mỗi người mà các chị mua thêm những mặt hàng khác để bữa ăn hàng ngày có thêm hương vị.
Sau này tôi được anh em bộ đội kể lại, chồng của chị là anh Phạm Văn Toản, từng là chiến sĩ Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự và trở về nhà, cưới vợ, sau đó anh Toản xung phong đưa gia đình ra đảo định cư từ tháng 6/2023.
Hàng xóm của gia đình chị Huyền là anh Lê Thanh Tuấn và Bùi Thị Kim Ngọc cũng là người dân trong đất liền thuộc tỉnh Khánh Hòa. Anh Tuấn từng nhập ngũ cùng năm với anh Toản.
Sau vài năm hoàn thành nghĩa vụ và trở về với cuộc sống đời thường, giờ đây 2 anh em lại gặp nhau ở đảo cùng với vợ và con. Vì đã có thâm niên 2 năm ở Trường Sa, nên 2 anh đã chia sẻ để 2 người vợ thích nghi với khung cảnh gian bếp khác với đất liền, mỗi khi nấu ăn thì lại có âm thanh lạch xạch quen thuộc của chiếc bếp dầu.
Những món tích trữ
Trên hành trình theo đoàn công tác ra thăm huyện đảo Trường Sa, mọi người hay đặt những câu hỏi lớn lao về tình yêu biển đảo. Nhưng nếu khe khẽ quan sát, hỏi những câu chuyện thường tình với chị em phụ nữ và các cháu nhỏ, sẽ cảm thấy bùi ngùi. Người phụ nữ sống ở đảo “không bao giờ kể khó, kể khổ” với những người ra thăm. Âu đó cũng là một sự hy sinh?
Tại thị trấn Trường Sa, nơi mà anh em bộ đội Hải quân hay nói đùa là Thủ đô, trong gian bếp của các gia đình không có bộ bình ắc quy sạc năng lượng MPPT như ở xã đảo Sinh Tồn.
Nhà bếp của gia đình anh Nguyễn Minh Tâm và chị Lê Thị Minh Diệu có chiếc tủ kính ở góc bếp, trở thành nơi tích trữ các loại mì tôm; góc bếp bên phải là 2 chiếc tủ lạnh nằm (dung tích 180 lít/tủ) và một tủ lạnh đứng (dung tích 159 lít/tủ). “Chợ” của chị em phụ nữ ở Trường Sa chính là gian bếp với 3 chiếc tủ lạnh và thế giới mì tôm để hương vị mỗi bữa có chút khác lạ.
Nhìn hệ thống tích trữ thức ăn, tôi cay mắt khi nhớ đến chiếc tủ lạnh ở tại nhà giàn DK1. Cậu lính trẻ Vũ Quang Anh nhìn tôi và hé cửa khoe món rau tích trữ lâu dài nhất là bắp chuối phơi khô, còn thực phẩm để được khoảng 1 tháng là rổ trứng vịt. “Rau xanh chiến lược” ở nhà giàn DK1 là một tủ bí đỏ, bí đao, củ mịn, củ lang, khoai tây.
Chuyến đi ra thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 vào mùa hè và tôi viết bài này vào những ngày cuối đông, khi giá lạnh phủ miền Trung và biển cồn cào nổi sóng. Khi biển lặng, nhịp độ tàu vận tải ra, vào đảo sẽ thường xuyên hơn. Nếu biển động kéo dài, những chiếc tủ lạnh sẽ như một siêu thị mini trong mỗi gia đình.
Mỗi đoàn công tác ra thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 cũng chỉ đi hết khoảng 1/5 các đảo, điểm đảo. Tôi nuối tiếc vì chưa có dịp vào thăm gian bếp của những gia đình đã sinh sống ở Trường Sa hàng chục năm, ví dụ như cặp đôi Thái Nhật Trường và Nguyễn Bình Phương Ái, quê ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Họ đã an cư từ tháng 6/2013 tới bây giờ.
Mẹ hát, con cổ vũ
Lặng lẽ vào thăm gian bếp, đứng nhìn tủ đựng thức ăn, nhưng không phải lúc nào cũng có chị em phụ nữ chủ nhà đi cùng, vì phương châm của cư dân ở Trường Sa giống như quân nhân: “Thạo một việc, biết nhiều việc”. Vì vậy khi đoàn công tác đặt chân lên đảo thì các chị cũng đã khoác tà áo dài để ra sân khấu ngoài trời biểu diễn chương trình văn nghệ.
Tại xã đảo Sinh Tồn, chị Lê Thị Kim Thi với chiếc áo dài thướt tha để chuẩn bị tham gia chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ với bộ đội để phục vụ đoàn công tác.
Từ một người dân trong đất liền tình nguyện cùng gia đình ra đảo sinh sống, chị đã bắt nhịp với nét riêng của cư dân đảo Trường Sa. Khi chị Thi diễn văn nghệ, chồng và con của chị ngồi trên chiếc ghế gỗ giữa những người lính vỗ tay bắt nhịp, người ngả nghiêng theo điệu nhạc.
Ở các dãy hành lang của những ngôi nhà gần đó cũng kín cán bộ, chiến sĩ. Ở đất liền có thể những khung cảnh như thế này sẽ ít thấy, bởi có quá nhiều kênh giải trí. Những đứa con của anh chị Thi nhìn các chú bộ đội vỗ tay ào ào, khuôn mặt chúng sáng lên niềm tự hào vì mẹ được quá nhiều người cổ vũ.
Theo lịch trình, những chuyến tàu chở đoàn công tác ra đảo và rời đi chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ, vì vậy mọi người chỉ có đủ thời gian quan sát, thậm chí không kịp ghi chép, chỉ cầm chiếc điện thoại và bật chế độ quay phim để lia vào nhiều ngóc ngách, mỗi nơi dừng lại 2 giây, ghi chép bằng phim nhanh hơn mở cuốn sổ.
Chiếc điện thoại của tôi dừng lâu nhất là ở những chiếc bếp dầu, đồ chơi của những đứa trẻ và nhớ đến lời chia sẻ của các chị: “Mai sau con học hết cấp 1 sẽ tạm biệt cha mẹ để vào đất liền học lên chương trình cấp 2”.