Du lịch

Chung tầm nhìn phát triển du lịch nông thôn

QUỐC TUẤN - VĨNH LỘC 11/01/2025 10:18

(VHQN) - Trao quyền cho cộng đồng nông thôn. Giữ gìn nét bản địa, tôn vinh, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa đặc trưng của ngôi làng và cuộc sống người dân... Những giải pháp được nhìn nhận là tối ưu để du lịch nông thôn cất cánh trong thời gian tới.

dji_0923.jpeg
Làng quê sinh thái Đại Bình (Quế Sơn). Ảnh: Q.T

Báo Quảng Nam ghi nhận chia sẻ về tầm nhìn, chính sách để du lịch có thể làm thay đổi bộ mặt nông thôn, từ các đại biểu quốc tế và trong nước tham dự Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ nhất của Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) (tổ chức hồi giữa tháng 12 tại Vinpearl Nam Hội An).

Bà Zoritsa Urosevic - Phó Tổng thư ký Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism): Kiên định hỗ trợ phát triển du lịch bền vững

img_4296.jpeg
Bà Zoritsa Urosevic. Ảnh: Q.T

UN Tourism rất vui vì những năm qua Việt Nam đã thực hiện mạnh mẽ các cam kết trong việc trao quyền cho cộng đồng nông thôn, trong đó một phần đáng kể thông qua hoạt động du lịch.

Làng Trà Quế (Quảng Nam), Tân Hóa (Quảng Bình) và Thái Hải (Thái Nguyên) chính là những minh chứng tuyệt vời cho nỗ lực của Việt Nam trong việc tạo nên sự khởi sắc ở đời sống người dân; bảo toàn được vẻ đẹp diệu kỳ của sinh thái tự nhiên cũng như hệ thống giá trị văn hóa bản địa.

Và tôi tin rằng, Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng còn nhiều ngôi làng khác đặc sắc không kém, đủ tiêu chuẩn để gia nhập mạng lưới làng tốt nhất của UN Tourism trong tương lai.
Ngành kinh tế du lịch có khả năng mở ra dư địa việc làm rất lớn cho lao động nông thôn.

dji_0971.jpeg
Rừng dừa Cẩm Thanh là điểm du lịch nông thôn thu hút khách tốt nhất của Quảng Nam hiện nay. Ảnh: Q.T

Du lịch còn mang đến cơ hội tiếp cận tri thức, nâng cao giá trị bản thân và cải thiện đời sống cho nhóm người yếu thế tại khu vực này. UN Tourism cam kết sẽ tiếp tục là đối tác kiên định trong việc hỗ trợ Việt Nam phát triển du lịch nông thôn với tầm nhìn bền vững.

Qua theo dõi từ lâu, chúng tôi nhận thấy khu vực nông thôn của các bạn có hệ thống nông sản phong phú, trong đó có nhiều đặc sản quý. Cần có giải pháp công nghệ để đưa các sản phẩm đặc sắc này tiếp cận thị trường khách du lịch kể cả trực tiếp lẫn trên không gian mạng, như vậy, đầu ra của sản phẩm sẽ rất rộng mở.

Hiện nay, UN Tourism đang có một chương trình tài trợ quy mô nhỏ để thúc đẩy du lịch nông thôn thông qua việc hỗ trợ làng du lịch hoặc các chủ thể làm du lịch nông thôn ở khu vực tư nhân, trang bị năng lực marketing, định vị về phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn… để thích ứng với xu thế du lịch toàn cầu nếu có nhu cầu.

Ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam: Dự án, chính sách phải hướng về cộng đồng

img_3992-2.jpeg
Ông Hà Văn Siêu. Ảnh: Q.T

Chính sách phát triển du lịch nông thôn Việt Nam thời gian qua chú trọng tôn vinh, phát huy và bảo tồn văn hóa địa phương, làm sao để điểm đến hấp dẫn, khác biệt, có tính cạnh tranh.

Làm sao chính sách hướng đến việc giúp cộng đồng địa phương bảo vệ được văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường, hình thành sản phẩm đặc thù, có nhận diện thương hiệu riêng để phát triển du lịch có trách nhiệm và vẫn giữ được bản sắc? Nhiều địa phương hiện hỗ trợ người dân xây dựng nhà truyền thống. Tuy nhiên, cần thận trọng trong quá trình triển khai, đảm bảo tính nguyên bản các giá trị của nhà truyền thống theo bản sắc của từng vùng miền, từng dân tộc.

Thời gian tới Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ chú trọng thúc đẩy kết nối, liên kết giữa các chủ thể liên quan bởi đây là vấn đề rất quan trọng. Trong đó, ưu tiên kết nối về hạ tầng, thị trường quảng bá, xúc tiến các tour tuyến, liên kết giữa công - tư, đặc biệt là liên kết các điểm đến nông thôn thành chuỗi giá trị.

Một yếu tố nữa mà các chính sách, dự án ưu tiên hướng đến là nâng cao nhận thức phát triển du lịch, kỹ năng làm du lịch. Chúng tôi muốn đặt yếu tố con người là trung tâm, cộng đồng địa phương là động lực chính để bảo tồn, phát huy giá trị, đồng thời kiểm soát điểm đến để hài hòa lợi ích và cư dân bản địa được hưởng lợi.

Ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: Hướng đến đánh giá những làng du lịch Quảng Nam tốt nhất năm

img_3870.jpeg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu. Ảnh: V.L

Hiện nay, Quảng Nam có 128 địa điểm được khảo sát, thống kê tài nguyên du lịch nông nghiệp nông thôn. Chúng tôi đang xúc tiến các cơ chế chính sách, chương trình hợp tác công tư, chương trình đào tạo để người dân làm du lịch.

Việc làng rau Trà Quế (Hội An) đạt giải Làng Du lịch tốt nhất năm 2024, là niềm vinh dự, tự hào cho du lịch Quảng Nam. Đồng thời cũng chứng tỏ sự nỗ lực và sáng tạo của những người dân làng rau Trà Quế trong việc gặt hái thành công, xây dựng nên danh hiệu này.

Hy vọng không chỉ 128 làng mà sẽ có nhiều hơn nữa những mô hình du lịch nông thôn tại Quảng Nam học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, nhằm cung cấp cho khách hàng, đối tác lữ hành, đặc biệt những du khách khi tới Quảng Nam sự hài lòng cao nhất về các giá trị bản địa từ thiên nhiên, cộng đồng người dân tại các làng mang lại.

dji_0954.jpeg
Một vùng quê ngoại ô thành phố Tam Kỳ. Ảnh: Q.T

Cạnh đó, các làng cũng cần phải ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong du lịch nông thôn, làm sao để xây dựng một nền tảng du lịch bền vững. Qua nền tảng này, những người dân có khả năng hợp tác với nhau, tiến tới một bước là đánh giá những làng du lịch Quảng Nam theo từng năm.

Ví dụ năm 2025 chúng ta có thể đánh giá 5 làng hay 10 làng du lịch tốt nhất tại Quảng Nam. Tiếp theo, chúng ta sẽ có những hỗ trợ, xúc tiến, thậm chí hỗ trợ kinh phí cho các làng phát triển bền vững, đặc biệt phải hướng các làng tới các mô hình du lịch xanh, du lịch bền vững.

Ông Vũ Tuấn Anh – Phó Tổng giám đốc Công ty Dr.SEM Tư vấn Tái cấu trúc và chuyển đổi số - Trưởng dự án Du lịch xanh: Cần xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn phù hợp đáp ứng nhu cầu khách

tuan-anh.jpeg
Ông Vũ Tuấn Anh. Ảnh: V.L

Trong phát triển du lịch nông thôn, điều cần thiết đầu tiên là sự quyết tâm của lãnh đạo, sự chung tay của người dân và các đơn vị doanh nghiệp du lịch.

Tiếp đến, Quảng Nam cần hỗ trợ tích cực cho các chủ thể du lịch nông nghiệp tiếp cận được thị trường, đặc biệt phải có những sản phẩm du lịch phù hợp.

Chúng ta muốn có du lịch xanh, nông nghiệp xanh thì trước hết cần thiết kế ra những sản phẩm du lịch nông nghiệp. Một điều đơn giản nếu chúng ta có khách hàng nhưng không có sản phẩm, không có dịch vụ xanh cung ứng thì khó để khách hàng trải nghiệm, bỏ tiền ra chi tiêu.

Do đó, các chủ thể du lịch nông thôn cần thay đổi tư duy, hãy phục vụ khách hàng như những người thân của mình. Chúng ta trồng rau, nuôi cá hay tạo ra bất kỳ sản phẩm, dịch vụ nào thì trước tiên hãy coi khách hàng là những người thân trong gia đình. Lúc đó sản phẩm du lịch không đơn thuần là một dịch vụ cung ứng xanh thân thiện. Chúng sẽ là sản phẩm từ trái tim, hay đúng hơn là xanh từ trái tim.

Đặc biệt, du lịch nông thôn cũng chính là thực hiện những hoạt động kinh doanh, kinh tế dựa trên nền tảng văn hóa, thiên nhiên và lợi ích cộng đồng. Do vậy, cần phải có tầm nhìn và sức mạnh.

Hãy nói với những người nông dân Quảng Nam là chúng ta phải có tầm nhìn, sức mạnh để xây dựng Quảng Nam trở thành địa phương dẫn đầu về du lịch xanh và du lịch nông thôn nổi tiếng trên thế giới.
Sau đó, sẽ đến câu chuyện về phương pháp và đào tạo nhân lực, rồi cách thức canh tác, trồng cây, kể cả cách thức chăn nuôi vật nuôi… Cuối cùng giúp các làng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ và tiếp cận thị trường, đây cũng là 3 phần đi liền nhau hài hòa. Thực tế, qua quan sát tôi thấy tỉnh Quảng Nam đang thực hiện rất tốt 3 vấn đề này.

Ông Andreas Paul Kung – Giám đốc khu vực Amega – Khách sạn Tui Blue (Núi Thành): Du lịch nông thôn phải giữ được giá trị văn hóa bản địa

andres.jpg
Ông Andreas Paul Kung. Ảnh: V.L

Vấn đề đầu tiên của phát triển du lịch nông thôn là phải giữ gìn nét bản địa, đúng hơn là các giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương, ngôi làng và cuộc sống người dân nơi đó.

Chúng ta không cần thay đổi quá nhiều. Yếu tố hấp dẫn nhất của một sản phẩm, điểm đến là sự chân thực với những điều cốt lõi nguyên sơ, mang đến sức hấp dẫn cho du khách.

Tôi nghĩ Quảng Nam đang làm tốt vấn đề này, hãy cố gắng phát huy hơn nữa. Mặc dù chưa thể có cái nhìn tổng thể về những ngôi làng của các bạn, nhưng riêng tại các vùng quê, ngôi làng xung quanh Hội An nơi tôi có cơ hội quan sát hoặc trải nghiệm, ấn tượng nhất vẫn là những giá trị chân thực còn khá rõ nét.

Tất nhiên, để nâng tầm và thúc đẩy hơn nữa du lịch nông thôn, bảo tồn tốt các giá trị văn hóa, thiên nhiên, bản sắc cộng đồng dù quan trọng nhưng chưa đủ. Chúng ta cần đẩy mạnh hơn quá trình hợp tác công tư giữa nhà nước và doanh nghiệp. Trong đó, vai trò của nhà nước là yếu tố quyết định và doanh nghiệp đóng vai trò then chốt để du lịch nông thôn thành công.

Tuy đến Việt Nam chưa lâu nhưng tôi cảm nhận được sự chia sẻ, đồng hành từ các cơ quan nhà nước, nhất là tại Quảng Nam. Sự thành công của các mô hình du lịch nông thôn như làng rau Trà Quế mới đây là minh chứng tuyệt vời. Từ nền tảng này, sự lan tỏa của du lịch nông thôn Quảng Nam thời gian tới chắc chắn sẽ đa dạng và rộng khắp hơn.

QUỐC TUẤN - VĨNH LỘC