Theo bước chân người Quảng

Gió thổi ngang dinh Thầy Thím

LÊ VĂN CHƯƠNG 12/01/2025 08:33

Thầy Thím - bậc đạo sĩ người Quảng Nam được người dân ở phương Nam tôn thờ. Trên vùng đất La Gi (Bình Thuận), câu chuyện về Thầy Thím được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Lăng Thầy Thím _11
Người từ khắp các tỉnh thành về viếng dinh Thầy Thím. Ảnh: VĂN CHƯƠNG

Trước đền thờ Thầy Thím là hình ảnh 2 con cọp (bạch hổ và hắc hổ) được phủ chiếc khăn choàng. Trong những gian điện thờ cũng có hình bạch hổ và hắc hổ.

Lộc dành cháu con

Xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận có một bến xe nhỏ nhưng tấp nập người xe. Danh tiếng về vị đạo sĩ, ẩn tu thu hút người dân khắp nơi đổ về dinh Thầy Thím chiêm bái, ngưỡng vọng.

Tôi tìm đến địa danh này vì vài tháng trước gặp những người dân chài ở tận mũi Cà Mau, họ nói - “năm nào dân Cà Mau cũng tới ra La Gi cúng tạ Thầy Thím, tưởng nhớ một vị thầy hết lòng vì nhân dân”.

Những ngày cuối năm, dinh Thầy Thím xào xạc tiếng gió thổi qua cánh rừng - nơi đặt đền thờ ông. Bà con ở địa phương nói: “Thầy mất lâu rồi, nhưng vẫn để lại cái lộc cho con cháu. Vì trước và sau năm 1975, nơi đây là rừng và trảng cát trắng. Rồi người dân khắp nơi đổ về viếng thầy, cư dân địa phương kiếm sống bằng nghề xe kéo, cho thuê chiếu ngủ lại, còn bây giờ thì bà con làm nghề buôn bán, dịch vụ”.

Theo hồ sơ khoa học về di tích dinh Thầy Thím của Sở VH-TT&DL Bình Thuận, ngày xưa ở tỉnh Quảng Nam có một đạo sĩ giàu lòng nhân ái, võ thuật hơn người, rất được dân làng mến mộ.

Bia ghi công đức Thầy Thím. Ảnh: Văn Chương
Bia ghi công đức Thầy Thím. Ảnh: VĂN CHƯƠNG

“Tương truyền Thầy Thím là người Quảng Nam, do chống lại ách áp bức khắc nghiệt của triều Nguyễn, đã bị triều đình ban xử hình phạt “Tam ban triều”. Thầy đã dùng phép màu, biến dải lụa đào thành con rồng chở vợ chồng ngài bay vào vùng đất Tam Tân để lánh nạn”.

Đến đời vua Thành Thái thứ 18 (năm 1906), nhà vua đã xét lại vụ án này, ghi vào sắc phong: “Sắc làng Tam Tân huyện Tuy Lý phủ Hàm Thuận tỉnh Bình Thuận phụng thờ Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù Tôn Thần, Trai Tĩnh Dực Bảo Trung Hung Tôn Thần lâu nay rất linh ứng. Nay trẫm gánh vác mệnh lớn, nghĩ đến công lao của Thần, phong cho là Chí Đức Tiên Sinh - Chí Đức Nương Nương Tôn Thần. Cho phép phụng thờ như cũ, mong Thần hãy phù hộ và bảo vệ che chở cho dân đen của trẫm”.

Khi vợ chồng ông vào phương Nam lánh nạn, người dân ở làng Tam Tân lúc này gặp khốn khó tứ bề, mùa màng thất bát, dịch bệnh tràn lan, lại bị quan tham nhũng nhiễu.

Thầy đóng ghe cho dân làng đi biển, dạy dân làng trồng lúa trồng khoai, hái thuốc về chữa bệnh cho người dân nghèo. Thời đó, những cánh rừng này rất nhiều cọp dữ, vậy nhưng cọp vẫn phủ phục bên thầy và sau khi vợ chồng Thầy Thím qua đời, cọp vẫn về nằm bên mộ.

Sự trùng hợp kỳ lạ

Trước năm 1975, cụ Lưu Ty đã viết cuốn sách kể về cuộc đời, công đức của Thầy Thím nhưng viết dưới dạng thơ lục bát. Những vở tuồng, chèo về cuộc đời của vợ chồng Thầy Thím được biểu diễn trong những kỳ lễ hội.

Lăng Thầy Thím _16
Mộ vợ chồng Thầy Thím và mộ bạch hổ, hắc hổ. Ảnh: VĂN CHƯƠNG

Gần đây nhất là vào năm 2020, có thêm 17 tác phẩm, gồm các thể loại: Vọng cổ, bài bản tài tử Nam Bộ, liên khúc lý, cải lương, tiểu phẩm, kịch bản sân khấu và ca khúc viết về Thầy Thím.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Lý - nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Thuận thuật lại câu chuyện khá hy hữu. Hơn 30 năm trước, chính quyền địa phương liên tục phải giật mình vì những người đến từ tỉnh Quảng Nam và xin lại hài cốt của Thầy Thím. Trong đó, có những bậc cao niên. Họ tập trung khá đông ở khu lăng mộ Thầy Thím.

Các cụ ông đưa ra lý do Thầy Thím là bậc thánh nhân, vì vậy bà con tộc họ xin hài cốt mang về chôn cất ở quê nhà. Bà con Quảng Nam không chịu rời khu lăng mộ, ban đêm trải chiếu ngủ, ban ngày tiếp tục đòi mang hài cốt trở về. Sự việc kéo dài suốt 2 năm và địa phương đã vận động bà con Quảng Nam xúc một nắm cát tại mộ phần và mang về quê để thờ cúng.

Người quản trang mộ Thầy Thím bên bức phù điêu vẽ hình ảnh bạch hổ. Ảnh: Văn Chương
Người quản trang mộ Thầy Thím bên bức phù điêu vẽ hình ảnh bạch hổ. Ảnh: VĂN CHƯƠNG

Hiện nay, tại lăng mộ Thầy Thím luôn có một chiếc bàn để những chiếc túi đựng cát trắng. Những người Quảng Nam đến viếng thầy và tỏ lòng thành kính thì xin túi cát mang về.

Ở Quảng Nam có câu chuyện về Mộ Giày thầy Lánh rất giống câu chuyện Thầy Thím. Dân gian truyền miệng rằng, khi bay về phương Nam, thầy Lánh làm rơi chiếc giày ngay tại quê nhà nên bà con tưởng tiếc và đắp một ngôi mộ tại đó.

Ngày xuân, những người trong dòng tộc của thầy thắp hương và tưởng nhớ về câu chuyện đã quá xa xôi. Còn ở cách Quảng Nam hơn 800km, người dân vùng đất phương Nam đưa con cháu đi thăm Thầy ngày đầu xuân, khấn nguyện và tưởng nhớ người Thầy mang biểu tượng cho những khát khao của người dân về sự công bằng, nhân nghĩa, đạo đức.

LÊ VĂN CHƯƠNG