Truyện ngắn

Thất công tử

HUỲNH TRỌNG KHANG 12/01/2025 09:43

Ba mươi âm, vía Địa Tạng Bồ Tát, Thất công tử lờ rờ tờ lịch, lầm rầm khấn rồi vuốt lại mái tóc bạc trắng ngược về sau. Thiên hạ đồn sau bao năm, tóc Thất công tử thấm đẫm sáp nên giờ chỉ cần vuốt nhẹ cũng vào nếp.

THAT CONG TU
Minh họa: HIỂN TRÍ

Thất công tử là gọi theo thói quen chứ trong nhà đám trẻ chúng tôi vẫn xưng hô “ông Bảy”. Bà cố chúng tôi hồi còn sống cứ rầy ông “điệu đà”, người khác mà nói vậy là ông… dỗi, nhớ dai, nhắc mãi, dù mọi người bảo ông vốn rộng lượng lắm.

Có dạo mấy người lạ tìm đến nhà, nhận bà con ở quê ra, kể vanh vách hồi nhỏ từng cùng Thất công tử chăn trâu cắt cỏ mà chẳng hay ông oe oe chào đời ở Nhà sanh Chú Hỏa Sài Gòn.

Ông không biết họ là ai, nhưng cũng cho chút tiền gọi là… Cái tiếng rộng lượng đó cũng nhờ hồi bảy lăm ông được kính trọng vì nuôi… các bà vợ bạn rất “mát tay”.

Nguyên ủy hơi dài dòng. Nếu kể chắc phải ngược về thời ông bà cố tôi còn ở Quảng Nam với sáu con trai, một chết non, một qua đời trên đường cùng gia đình di cư vào Sài Gòn.

Lúc đó bà cố đang mang bầu Thất công tử ở tháng thứ bảy. Đúng ngày đúng giờ ông chào đời khỏe mạnh, trở thành người đầu tiên trong gia đình sinh trưởng ở thành phố này.

Tôi là cháu đích tôn của người con trai thứ hai. Bà nội khi hạ sinh ba tôi thì vắng số. Ông nội gà trống nuôi con, không chịu tục huyền, phần cũng vì ông làm ăn bận bịu.

Ba tôi sống trong sự bảo bọc của các thím, đến năm mười tuổi thì mồ côi cha. Một hôm đang ngồi xem vô tuyến truyền hình thì ông thổ huyết, các em đưa vào Chợ Rẫy nằm mê man suốt một ngày một đêm thì mất, đốc tờ cũng không tìm ra nguyên nhân.

“Cái số nhà mình nó vậy!” - bà cố nói, không giận không hờn. Câu duy nhất bà nói bằng giọng Nam Bộ rặt, chứ bình thường giọng Quảng của bà ít ai nghe được.

Tính bà khó ở, chuyện gì dâu con làm không hài lòng bà chẳng hé răng, chỉ tự đứng lên làm lấy, thế mà các con dâu ai cũng sợ. Quyền uy đến thế mới một mình gồng gánh gia đình ở xóm ngụ cư phức tạp.

Bà cố qua đời năm 1980, sau hôn lễ của Thất công tử ba tháng. Thiệt ra ông lấy vợ để chiều lòng mẹ, chứ vốn không muốn vướng bận thê nhi.

Bà Bảy chúng tôi là người “ngoài ngoải”, anh trai bà làm việc cùng cơ quan với Thất công tử. Nghe kể, Thất công tử tâm sự với bạn, “mẹ tôi như chuối chín cây, cả đời kể cũng viên mãn, duy chỉ chuyện thành gia lập thất của tôi làm bà canh cánh”.

Bạn nghe vậy liền viết thư về quê, viết thêm một bức cho em gái đang học y khoa ở Hà Nội. Tháng sau, bà Bảy mặc áo dài tay cầm bó thiên điểu bước vào nhà tôi ở Sài Gòn, quỳ xuống chân bà cố.

Trước lễ cưới vẫn chưa gặp mặt hôn phu lần nào, chỉ thấy trên bức hình anh trai mình đưa, ban đầu bà còn nhầm Thất công tử với ông Năm tôi vì hai anh em hao hao, may các cô đính chính kịp thời, không thì sinh chuyện dở cười dở khóc. Nhà này vốn lắm chuyện dở cười dở khóc rồi. Như chuyện Thất công tử nuôi vợ bạn.

Nghĩ lại, nuôi được mấy bà vợ bạn dưới mái nhà trăm tuổi chật chội này quả kỳ tích. Gần hai chục con người sống chen chúc, không phải chẳng đủ điều kiện rời đi mà chưa bao giờ có ý định rời đi, dù cãi nhau giữa anh em, dâu con, gia đình nọ với gia đình kia không hiếm.

Tuy vậy, tôi được cấp cho căn phòng riêng khá tiện nghi, chắc nhờ phúc người ông đã khuất. Tôi ngủ trong phòng… thờ. Trừ chuyện lúc nào cũng hơi gay gay vì ánh mắt của các vị tổ tiên nói giọng Quảng Nam trên những bức chân dung treo đầy vách, mọi thứ không đến nỗi.

Căn phòng tôi thích nhất trong nhà là thư phòng của Thất công tử, với cửa sổ mở hướng ra dòng kênh nước ngầu đục, mỗi khi triều rút, một bầy trẻ từ mấy gia đình sống dọc kênh chạy ùa xuống lòng cạn, ném bùn vào nhau hay mót những con cá mắc kẹt không kịp di chuyển theo sóng ra sông cái.

Thư phòng chất đầy sách vở, đĩa nhạc, xếp ngay ngắn theo khổ hoặc theo màu, phần lớn đều là bản số lượng in giới hạn dành cho dân chơi, mực thơm phức mấy mươi năm chẳng phai mùi, in trên thứ giấy trắng dinh dính. Trang đầu của mọi cuốn sách đều có thủ bút và chữ ký. Những lời đề tặng trang trọng từ những tác giả lớn chắc chắn bạn đã nghe danh.

Thất công tử vốn có máu văn nghệ, kết giao rộng dù không làm gì liên quan. Sau hòa bình nhờ biết vẽ với chút đỉnh mà đi kẻ biểu ngữ, rồi được làm ủy ban, quen thân với anh bà Bảy là bộ đội.

Năm nào hai vợ chồng ông Bảy cũng nắm tay về Quảng Nam, ngồi vào chỗ thượng tọa ở nhà từ đường cho con cháu chúc thọ bằng tiếng Quảng thân thương mà từ ngày mẹ mất ông không còn được nghe nữa. Hai ông bà không con, dù bà Bảy là bác sĩ sản khoa.

Điều đó không cản trở tuổi già phong lưu tiêu sái của Thất công tử. Hằng tháng lại có người đến cầm phong thư trao tận tay ông. Thường vào ngày ba mươi. Ở tuổi lão, Thất công tử vẫn áo sơ mi bỏ vào quần kaki ủi thẳng, mang xăng đan kể cả trong nhà, mời người đưa thư lên phòng sách.

Thất công tử đón thiếp bằng hai tay, lấy con dao chuôi nạm ngà mới mài để sẵn trên bàn, rọc nhẹ. Tôi chứng kiến cảnh ấy từ lúc bàn tay ông còn nhanh nhạy rạch một đường ngọt xớt, đến khi nó run run, để lại mép bì sần sùi. Trong đó thật ra chỉ mấy dòng ngắn ngủi và xấp tiền.

Dạo mới hòa bình, ai túng thiếu cũng lại nhờ ông cả, thậm chí nhiều ông bạn gửi vợ cho ông nuôi giùm, mãi sau này mới đón về. Trong ngôi nhà đông đúc này ông tổ chức cho các bà buôn bán cùng các chị dâu. Vậy mà cùng nhau sống qua một tao đoạn.

Sau này lớp đi nước ngoài, lớp làm ăn khá, lớp con cái phất lên, lâu lâu vẫn giữ cái lệ gửi quà về cho ông. Nhiều nhất là sách (với những lời đề tặng thiết tha) và chút “hiện kim”. Có người bạn già hằng tháng vẫn cầm phong bì tiền đến trao Thất công tử như tạ ơn xưa. Người bạn này mất thì đến con trai độc đinh của ông tiếp nối truyền thống, được vài năm rồi.

Tôi nói, “sao ông Bảy không kêu chuyển khoản cho nhanh”. Ông lắc đầu. Người thời trước thường vậy. Quân tử chi giao. Chuyện trao tiền “phàm phu tục tử” cũng nâng thành lễ.

Vậy việc này gián đoạn gần năm. Hậu duệ của cố nhân qua đời do bạo bệnh, chúng tôi được biết khi đọc báo. Dạo đó Thất công tử cũng đang bị tai biến nằm một chỗ.

Số là ngày vía Địa Tạng, ông thay đồ định tiếp khách như thường lệ, lúc bước lên lầu thì hụt chân. Từ dạo đó ông ở riết trong thư phòng, không tiếp ai vì sợ họ thấy vẻ ngoài chẳng còn phong lưu công tử.

Tết này, tôi nhận nhiệm vụ về Quảng Nam thay mặt gia đình. Lúc chuẩn bị đi, tôi vào chào Thất công tử. Ông chẳng nói gì, nghiêng đầu nhìn ra cửa, bàn tay gầy trơ ôm phong thư bà Bảy đưa mấy hôm trước. Chúng tôi không báo người đưa thư đã khuất, nghi thức cũ đã đoạn, trong đó vẫn có tiền gia đình hùn nhau, nói dối cho ông vui.

Nhưng tôi linh cảm ông biết mọi chuyện.

Thất công tử áp phong bì lên ngực như cố giữ lấy thời lãng mạn của đứa con trai Quảng Nam đầu tiên trên đất phương Nam dẫu từ lâu im tiếng.

HUỲNH TRỌNG KHANG